Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Mối Tình Đầu

     Hè năm thứ nhất tôi được cử đi phiên dịch cho đoàn thiếu nhi Việt nam tại Trại hè thiếu nhi quốc tế Mông cổ. Vào buổi tối đoàn Việt nam tổ chức liên hoan giao lưu với bạn bè quốc tế, tôi xuống gặp Ban Giám đốc  nhờ chuẩn bị nước uống, bánh kẹo. Vừa bước vào nhà tôi thực sự sững sờ trước vẻ đẹp thánh thiện của cô bé giúp việc. Người cao, da trắng hồng, mắt bồ câu đen nhánh, tóc xõa ngang vai và đặc biệt có nụ cười mê hồn, đôi môi hồng đầy khêu gợi. Thật may mắn làm sao Chị Giám đốc lại phân công em giúp đỡ đoàn Việt nam tổ chức buổi gặp mặt đó. Thế là chúng tôi quen nhau. Em 17 tuổi mới hết lớp 11, nhân dịp nghỉ hè đi làm tình nguyện. Tôi một thằng con trai mới lớn tại đất nước đang có chiến tranh chưa biết yêu là gì đứng trước mỹ nhân thật là ngố.
Tết âm lịch năm đó tôi đến chúc tết gia đình Thày Purevchao. Thày là trưởng phòng giáo vụ, dạy sản khoa và sau này là Hiệu phó trường. Tôi đến vì tôi học cùng khóa và cùng văn nghệ văn gừng với con trai của thày là cậu P. Bold. Thày rất quí sinh viên Việt nam. Các bạn chưa biết hết những vất vả mà thày đã bỏ ra để lo kinh phí cho những lần nghỉ mát, thực tập tốt nghiệp cho sinh viên chúng mình đâu. Thày luôn là người đề xuất và lo tổ chức các buổi mít tinh, quyên góp ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt nam. Thày rất yêu Việt nam. Tôi nhớ ngày Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng sa của chúng ta. Buổi sáng khi đến trường thấy Thày hốt hoảng chạy đến báo tin cho tôi biết là Bọn Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt nam. Kinh nghiệm lịch sử xương máu về vùng Nội Mông đã cho Thày và người dân Mông Cổ hiểu rõ bộ mặt thật của bè lũ bá quyền. Còn chúng tôi khi ấy ngây thơ cứ tưởng họ giúp mình. Nào ngờ...
Bước chân vào phòng khách tôi kêu lên kinh ngạc vì thấy em đang cùng con gái thày đánh đàn Piano. Em cũng nhìn thấy tôi và chúng tôi chào nhau. Cả nhà thày ngạc nhiên không hiểu sao chúng tôi quen nhau. Em giới thiệu tôi với Bố mẹ em và lý do chúng tôi quen nhau . Bố em là em ruột của Thày giáo tôi và là Giám đốc Sở Văn hóa của Thủ đô Ulanbator, một con người hào hoa rất dễ gần. Thế là chúng tôi thân lại càng thân. Nhận lời mời của Bố mẹ em, chiều đó tôi cùng gia đình thày đến chúc tết nhà em. Nhà em ở khu dành cho chuyên gia Liên xô. Một căn hộ rộng 5 phòng. Mẹ em xuất thân là diễn viên múa, sau khi lấy chồng chuyển về làm việc tại Trường Đại học sư phạm làm giảng viên nghệ thuật. Em có một em trai đang học lớp 7. Chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Tôi đàn và hát cho cả nhà nghe vài bài hát dân ca Việt nam. Mọi người nhìn tôi đầy ngưỡng mộ. Chỉ có cậu P. Bold biết rõ “tài rỏm” của tôi cho nên chỉ nhìn tôi nhếch mép cười ruồi. Ngày mồng một tết năm đó là ngày kỷ niệm đáng nhớ và hạnh phúc đối với tôi.
Chúng tôi thi thoảng gặp gỡ nhau, cùng đi xem phim, xem ca nhạc. Tôi và em thường hẹn nhau vào những ngày em được nghỉ học còn tôi có giờ lý thuyết. Trốn vào giữa giờ rất dễ và không ai biết, nhất là sinh viên Việt nam chúng mình. Tôi đặt tên Việt nam cho em là Minh Hằng bởi tên cúng cơm của em là Ánh trăng ( SARAN TUYA). Em rất thích cái tên đó. Tôi nhớ vào một buổi chiều vừa đi học về, bỗng Bà trực nhật chạy lên báo có điện thoại khẩn. Tôi vội chạy xuống phòng trực thì hóa ra là em gọi. Em nói là không có chuyện gì hệ trọng chỉ nhờ tôi đánh vần lại tên Việt nam để em học và khoe với bạn bè cùng lớp.
Sau những chuyến đi chơi, trước khi chia tay, chúng tôi thường ngồi nghỉ trên ghế đá công viên trước quảng trường Xukhbator. Tôi luôn ra vẻ đàn anh và hay căn dặn em phải cố gắng học giỏi. Em tủm tỉm cười và nhìn tôi đắm đuối. Thi thoảng lại trêu tôi là đàn ông sao mà nhát thế. Tôi biết là em thích tôi và tôi cũng đã yêu em. Nhưng tôi không dám vượt qua ranh giới bạn bè chỉ bởi vì tôi quá yêu em, quá tôn trọng em và vì lẽ tôi sợ bị kỷ luật, bị đuổi về làm xấu hổ gia đình. Tôi sợ...
Năm đó Em thi tốt nghiệp đỗ hạng ưu và được tuyển thẳng đi học ở nước ngoài. Để ăn mừng, chúng tôi cùng 2 bạn gái của em đi thăm bảo tàng Thành Cát Tư Hãn suốt cả ngày. Em được gia đình thưởng cho đi nghỉ mát ở Sô-Chi, còn tôi cùng anh em sinh viên đi nghỉ ở Therench. Sau kỳ nghỉ năm đó tôi tiếp tục bị trưng dụng đi phiên dịch cho đoàn thiếu niên hai miền Nam, Bắc Việt nam.
Em đến Trại hè thiếu niên quốc tế thăm tôi vào một buổi chiều hè lộng gió. Tôi nhớ hôm đó là thứ năm vì lịch của Trại hè thứ năm là ngày sinh hoạt nội bộ. Được tự do, tôi cùng em cưỡi ngựa dạo chơi trên thảo nguyên đầy hoa lá bát ngát xanh ngút đến tận chân trời. Chúng tôi ôm nhau trò chuyện trên thảm cỏ xanh bên suối trong giữa chiều hoàng hôn ngập nắng. Em nhìn tôi trân trối, đôi mắt sưng mọng u buồn bởi tuần sau em phải lên đường du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Tôi rụt rè hôn em với nụ hôn đầy nước mắt. Đôi môi mềm ngọt lịm. Người em run lên. Em ghì chặt lấy tôi... khóc òa thổn thức. Chúng tôi hôn nhau đắm đuối. Giữa thảo nguyên vắng lặng, cỏ hoa thơm ngát, bướm bay dập dờn như tiên cảnh, tôi cảm thấy như không còn không gian, thời gian mà chỉ có đôi tình nhân đang trao gửi tình yêu. Mắt tôi hoa lên. Tôi định làm liều. Không hiểu sao tự nhiên mất hết cảm hứng. Hụt hẫng. Mệt mỏi. Tôi sợ....Tôi bật khóc. Em cũng khóc. Tôi cố gắng giải thích mọi điều, nhưng...Em không tin và và giận dỗi nói rằng tôi không yêu em. Chúng tôi ra về trong tâm trạng thật nặng nề.
Đêm đó tôi không sao ngủ được và suy nghĩ đủ điều. Mấy ngày sau đó em  không gọi điện và cũng không đến thăm tôi. Tôi cố gắng liên lạc với em nhưng em không trả lời. Tôi ngồi nhớ em cồn cào, thương nhớ khôn cùng. Tôi đã xúc cảm viết được 2 bài thơ. Bài thơ tiếng Mông cổ tôi đã nhờ anh bạn sinh viên cùng lớp rất giỏi thơ sửa lại để gửi cho em. Bài này được nhiều người khen đáo để. Quyển sổ ghi bài hát Mông cổ có ghi bài thơ đã bị thất lạc giờ chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu. Đại ý bài thơ nói về tâm sự của một chàng trai với người con gái trong mộng. Cho dù xa nhau vạn lý, cho dù bao trắc trở về thời gian, không gian, văn hóa vẫn mong có ngày cùng sống với nhau dưới một mái lều. Còn bài tiếng việt mình xin chép lại hầu các bạn ngự lãm.

Thất tình

Thế là hết chẳng còn gì để nói
Ta như người lạc lối giữa trần ai
Tình yêu ơi sao hững hờ đến thế
Để mình ta mong nhớ mãi khôn nguôi.

Khi ta mong thì ngươi chẳng đến cho
Lúc không mong thì ngươi lại đến
Khi lòng ta đang vào thanh thản
Ngươi lại mang lửa khuấy tro tàn.



Chẳng thể nào biết trước được người ơi!
Bởi Duyên kiếp đời người là định mệnh
Dù cầu mong , tìm mọi đường đi đến
Chẳng có tiền duyên, chẳng hợp thành.



Đêm nay buồn ta về với sông Thon
Nghe chim hót thấy lòng càng tê tái
Chim lạc bầy hay chim tìm tình ái
Còn tình ta đã mất biết đâu tìm
Giữa đêm dài đầy những ánh sao đêm.



Bầy đom đóm bay vật vờ trên sóng
Thấy hắt hiu như ánh nến nhà Mồ
Còn đâu buổi đom đóm cài trên tóc
Của những ngày êm đẹp giữa tuổi thơ.



Hết buồn rồi ta lại thấy vui
     ĐỜI là thế xin em yêu hãy nhớ:
     ĐỜI chỉ đẹp khi tình còn dang dở
ĐỜI hết vui khi đã vẹn câu thề...

Em đã điện cho tôi ngay sau khi nhận được bài thơ tình của tôi. Em sung sướng hãnh diện khoe bài thơ đó với bạn bè. Thế là “Gương vỡ lại lành”. Ngày em lên đường du học tôi không thể ra sân bay tiễn em được vì phải theo đoàn đi tham quan Hợp tác xã hữu nghị Mông Việt. Tuần nào em cũng gửi thư cho tôi với bao lời thương nhớ. Tôi cũng viết cho em đều đều. Biết tôi thích sưu tập tem thư, em đã sưu tầm gửi cho tôi nhiều bộ tem quí hiếm.
Hè năm đó tôi được Sứ quán cho về phép thăm nhà. Em về nước nghỉ hè sớm để tiễn tôi. Em thông báo là đã quyết định theo học ngành hóa tại trường Đại học tổng hợp Dresden. Tôi vô cùng cảm động vì biết em được cử đi để học Đạo diễn sân khấu điện ảnh nay có lẽ vì tôi mà chuyển sang học ngành kỹ thuật. Tôi nhớ có một lần đi dạo công viên em có nói rằng tiếc cho mẹ đã bỏ nghề diễn viên thu nhập cao để theo nghề sư phạm. Tôi đã tranh luận rất lâu với em về quyết định đúng đắn của mẹ bởi Bố sợ Mẹ không phân biệt được đâu là ranh giới giữa sân khấu và cuộc đời. Đó là bệnh nghề nghiệp. Em nhìn tôi rất lâu và không nói gì. Tôi biết em suy nghĩ nhiều về những gì chúng tôi đã tranh luận.
Hôm tôi về phép em đã cùng các con thày Purevchao ra ga xe lửa tiễn tôi. Em đẹp lộng lẫy kiêu xa trong bộ váy áo hồng tinh khiết. Bọn lưu học sinh trên tàu về phép từ các nước đông Âu đều trầm trồ khen đẹp. Một số đứa hỏi tôi rằng cô ấy có phải là diễn viên điện ảnh không đã làm tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện. Chỉ trong thời gian ngắn nghỉ hè ở Việt nam tôi đã viết cho em hơn 20 lá thư. Thư nào tôi cũng kể tình hình chiến sự ở Việt nam và nỗi nhớ em. Đúng là số ruồi, năm đó do bão lũ chúng tôi bị sang muộn và đã không gặp được em bởi em phải sang từ cuối tháng 8 để kịp khai giảng năm học đầu tiên . Thế là chúng tôi lại thành “vợ chồng ngâu” chỉ gặp gỡ nhau qua những dòng thư đong đầy thương nhớ. 
Hè năm thứ tư tôi đi thực tập tốt nghiệp tại Trại gà Songino. Mẹ em phải mổ u nang buồng trứng tại Moscow. Tội nghiệp em tôi! Em chỉ có vẻn vẹn 2 tháng hè mà phải đi chăm sóc 3 nơi (kể cả tôi trong dó). Chúng tôi chỉ gặp nhau tổng cộng tất cả thời gian được đúng 3 ngày. Nhìn em mệt mỏi mà lòng tôi nát tan. Tôi bắt em ăn thật nhiều. Tôi nhìn em ăn mà lòng đầy cảm phục. Một cô gái chưa đầy 20 tuổi được nuông chiều từ bé mà đã biết tảo tần, chăm lo cho người khác. Thật diễm phúc biết bao cho ai được em lấy làm chồng.
 Hè năm cuối, em viết thư hẹn tôi phải chờ em về để cùng nhau đi dạo sông Thon và tâm sự nhiều điều hệ trọng. Nhưng đúng là duyên trời không định. Năm đó do quan hệ Việt Trung căng thẳng chúng tôi bị Sứ quán buộc phải về nước ngay sau khi nhận Bằng tốt nghiệp. Ngày về nước, cả nhà Thày ra ga tiễn tôi. Tôi nghẹn ngào, nước mắt tuôn rơi vì phải xa những người thân yêu đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày du học, phải xa nơi đã nuôi nấng tôi, đã che chở cho tôi suốt những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời và nhất là không gặp được em. Tôi biết đối với chúng tôi khi đó đã bước chân ra đi là khó có ngày trở lại. Tôi đã nhờ P. Bold gửi cho em bức thư vĩnh biệt của tôi và nhờ nói với em rằng tôi sẽ nhớ em suốt cuộc đời.
Gần bốn mươi năm đã trôi qua, tôi vẫn luôn ân hận và tự trách bản thân một điều là vì tôi, tại tôi, do tôi đã không có đủ dũng khí của một con người để vượt qua những qui định khắt khe không tình người thời đó, vượt qua được chính mình để bẻ gãy chiếc khóa tư duy lỗi thời đã được nhồi nhét vào tâm hồn tôi từ những ngày thơ ấu. Tôi đã để mất một mối tình thánh thiện, mất người con gái xinh đẹp, vẹn toàn mà có lẽ trong cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ có được . Nếu năm đó tôi liều trốn ở lại gặp em thì cuộc đời tôi giờ đã khác. Chắc chắn tôi đã được sống cùng em dưới một mái lều như bài thơ tôi đã viết tặng và tôi đã không bị dày vò tâm can suốt bao năm.
 Tôi nhớ có người nào đó nói rằng cuộc đời là tập hợp của những kỷ niệm buồn. Có lẽ đúng là như vậy. Đến tận bây giờ em vẫn trong tôi và tôi vẫn mãi nhớ em. Nhớ về em, nhớ về một thời đã qua trên đất nước thảo nguyên Mông cổ anh em. Nơi ấy thấm đẫm tình người và luôn đầy mong nhớ. Nơi ấy đã đào tạo tôi nên người và đã dạy cho tôi lẽ sống làm người. Mông cổ - quê hương thứ hai của tôi biết bao giờ được trở lại. Nơi ấy tôi biết có một người con gái vẫn đang sống chờ tôi. Tôi hy vọng có một ngày...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét