Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

Tuổi ấu thơ là quãng đời đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Nó theo chúng ta suốt cuộc đời và trở nên đậm nét khi chúng ta bước sang tuổi xế chiều.  


Tập thể lưu học sinh khóa 1971 là những học sinh xuất sắc từ khắp mọi miền của Tổ quốc được gửi đi học tập tại các nước XHCN để làm nòng cốt cho đội ngũ cán bộ KHCN xây dựng đất nước sau chiến tranh. Những Lưu học sinh thời đó đến nay đã minh chứng một điều là họ đã nhận, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lớn lao do Tổ quốc giao phó. Họ đã không hổ thẹn với những người bạn cùng thời và lớp cha anh đã hiến dâng máu xương vì độc lập, tự do của đất nước.


Nhắc đến tập thể lưu học sinh của khóa 1971-1978 tại nước Cộng hòa Mông Cổ là nhắc đến một tập thể biết thương yêu nhau, biết xẻ chia mọi nỗi buồn vui của tuổi thiếu thời, biết rõ nhiệm vụ đã được đất nước giao phó cho lớp thanh niên của những tháng năm một thời máu lửa.


Khóa học gồm 5 thành viên là:


Trần Văn Hồi – Thái Nguyên;


Nguyễn Văn Hùng – Nghệ An;


Nguyễn Thạc Hòa – Nghệ An;


Phạm Quang Trung – Quảng Bình;


Nguyễn Quế Côi – Hà nội.


Đây có lẽ là khóa vui nhộn nhất, nghịch ngợm nhất trong tập thể sinh viên thời đó. Các thành viên luôn được các Anh đi trước gặp riêng để nhắc nhở, động viên thực hiện tốt Nội qui, Qui chế sinh viên. Các thành viên ngoài tên cúng cơm  đều được đặt tên hiệu theo tính cách của mỗi người. Hồi GÀ LÔI vì cậu ta dáng đi rất giống gà lôi và chuyên lủi đi chơi một mình. Hùng ĐÔNG KI SỐT vì rất bốc đồng, chuyện gì cũng tham gia vì lý tưởng khác người của mình. Hòa KHOÈO thì suốt ngày nằm chẳng tham gia thể thao văn nghệ gì. Trung CÒI vì khi sang cậu ta chỉ cao có 1m45 và nặng 35 kg thôi và cuối cùng là Côi NGHIỆN vì cái gì cũng nghiện.


Khóa này học ra học và chơi cũng ra chơi. Có Ông ngay tháng thứ hai sau khi nhận học bổng đã đi cửa hàng đồ cũ mua ngay chiếc máy ảnh Zenit để tập chụp ảnh. Có khi hứng lên mua cả két bia về ngồi uống hết ngay đến nỗi đồng chí Đại Sứ phải đưa ra cuộc họp nhắc nhở chung là phải tiết kiệm giúp đỡ gia đình. Phòng ở chật chội nhưng có Ông vác về cả chiếc TV to tướng để xem riêng chứ không thèm xem chung. Có Ông mua cả bộ quay đĩa STEREO 2 loa về vặn nghe nhạc ầm ĩ suốt ngày... Có lẽ khóa này bị các Anh đi trước ghét nhất. Vào dịp lễ tết hay Noel chẳng bao giờ đi với nhau. Mỗi người đi một nơi trời cũng chẳng tìm được.


Tuy chỉ có 5 thành viên nhưng mỗi người một tính do đó cũng không được xuôi chèo mát mái lắm. Thân thì thân nhưng khi có vấn đề không vừa lòng nhau là giải quyết bằng vũ lực ngay. Tặng nhau vài quả “phật thủ” xong lại bình thường hóa quan hệ như không có chuyện gì xảy ra.


Sau khi tốt nghiệp mỗi người đi một ngả theo sự phân công của tổ chức. Có người như Anh Hồi suốt ngần ấy năm mà chưa ai gặp được. Do phải bươn trải cuộc sống tin tức về nhau rất hiếm hoi và nay sắp đến ngày hạ cánh thấy nhớ nhau vô cùng.


 Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày gặp gỡ của 5 con người tại nơi thảo nguyên đầy nắng gió nhưng thấm đẫm tình người, nhờ trang MONGOL MỘT THỜI ĐỂ NHỚ ôn lại những kỷ niệm một thời không thể nào quên.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Một lần lạc đường

Mỗi dân tộc đều có những tập tục rất lâu đời và đầy nhân văn. Nếu chúng ta đến nơi nào đó mà không hiểu phong tục, tập quán nơi đó thì không bao giờ có thể hòa nhập được vào cộng đồng để tìm hiểu họ. Người du mục Mông cổ do sống nơi thảo nguyên rộng lớn và rất ít người do đó từ hàng ngàn năm nay họ có những phong tục rất tuyệt vời. Những phong tục đó đã tạo lên đức tính của người Mông cổ: Vô cùng đôn hậu, thật thà và rất quí người. Tôi xin kể cho các bạn nghe một phong tục bình thường của Người Mông cổ nhưng lại vô cùng nhân văn.

Mùa đông năm đó tôi được nhà Trường cử đi biểu diễn văn nghệ tại khu nghỉ đông thuộc tỉnh Selenghe. Do bận việc tôi và cô diễn viên múa của đoàn nhạc nhẹ Bayan-Mongol không kịp đi cùng đoàn. Không ngờ hai ngày sau bão tuyết kéo về và máy bay An-24 cánh kép không thể bay được mà lịch biểu diễn đã lên do đó Anh nhạc sĩ trưởng đoàn yêu cầu chúng tôi phải đi bằng đường bộ. Quãng đường trên 800 km phải đi trên thảo nguyên mênh mông đầy tuyết trắng nếu không phải người lái xe có kinh nghiệm thì không ai dám đi. Thời đó thông tin liên lạc đâu như bây giờ. Giữa thảo nguyên mênh mông với mật độ dân số 1 người một cây số vuông nếu bị lạc thì cầm chắc cái chết. Bàn bạc mãi... Cuối cùng anh đội trưởng đội xe quê ở vùng đó sau vài lần đề nghị đã được chấp thuận đưa chúng tôi đi. Chúng tôi 3 người kể cả lái xe leo lên Cabin và chiếc xe Zil 3 cầu lao đi ngay trưa hôm đó.



Xe chạy suốt đêm không nghỉ. Tảng sáng. Vừng đông hé rạng. Chúng tôi dừng xe để vệ sinh cá nhân. Được đánh răng rửa mặt bằng tuyết nghe có vẻ thích thú nhưng đối với tôi thì đúng là cực hình. Mặt lạnh toát, răng lạnh cứng. Ngậm mấy vốc tuyết tưởng rụng hết răng mới sạch được mùi thuốc trong miệng. Bỗng tôi nghe tiếng la thất thanh của anh lái xe. Hóa ra chúng tôi bị đi nhầm vào mỏ đồng. Quãng đường bị nhầm gần 200 km. Nếu quay lại đường cũ thì quá xa và không kịp đến đúng giờ. Anh lái xe quả quyết là biết đường đi tắt và sau một hồi thảo luận chúng tôi nghe theo quyết định của “người dẫn đường”. Đường tắt nhỏ và xấu. Xe đi như bò vì đường rất trơn và sợ bị thụt xuống hố ven đường.

Gần trưa bụng tôi réo sùng sục. Có mấy cái bánh ngọt đã ăn từ tối hôm trước. Anh lái xe thấy chúng tôi đói mặt méo xệch cứ cười ngặt ngẽo. Anh nói sắp được ăn rồi. Chúng tôi không tin vì giữa thảo nguyên hoang vắng này lấy đâu ra nhà dân hay quán ăn. Vượt qua hẻm núi, xe chạy vào một thung lũng. Khi vào đến gần chúng tôi nhìn thấy một mái lều lẻ loi trên nền tuyết trắng. Nhìn thấy khói bếp lan tỏa trên mái lều, tôi và cô diễn viên thở phào nhẹ nhõm. Xe đến nơi chúng tôi mở cửa vào trong lều. Thật ấm áp dễ chịu nhưng trong nhà không một bóng người. Anh lái xe và cô diễn viên cứ như người nhà. Họ mở lồng bàn.  Trong khay to tướng trên bàn nằm gọn cả một con cừu luộc sẵn. Anh lái xe đặt nồi súp trên bếp. Chị diễn viên thêm củi vào bếp lò và mở tủ lấy bánh mì, rượu, thìa, dĩa... bày ra bàn. Anh lái xe múc cho tôi một bát chè sữa nóng hổi. Tôi uống đến đâu bụng êm đến đó.  Chúng tôi ngồi vào bàn và bắt đầu bữa cơm “từ thiện”. Sau vài ly rượu tôi hỏi anh lái xe:

- Nhà này của bạn anh à?.

- Không phải. Anh trả lời.

- Thế của họ hàng anh à?. Tôi lại hỏi tiếp.

- Không phải. Anh cứ thủng thẳng trả lời.

- Thế thì là nhà của ai?. Tôi sốt ruột hỏi tiếp.

- Của ai đó ở đây chăn gia súc mùa đông ấy mà. Anh lái xe trả lời.

Tôi thực sự phát hoảng vì thấy anh lái xe trả lời với thái độ rất tự nhiên, thành thật. Không quen biết mà làm cứ như là nhà của chính mình. Nhỡ đang ăn mà chủ nhà về họ vu cho ăn trộm thì thật phiền phức. Tôi vội hỏi:

- Thế không sợ họ bắt à?

- Sao lại bắt ?. Anh hỏi lại tôi với giọng rất ngạc nhiên.

- Ở Việt nam nếu vào nhà người khác khi chưa được chủ nhà cho phép thì bị coi là phạm pháp. Đằng này chúng ta...

Nghe đến đây cả anh lái xe và cô diễn viên cười phá ra. Anh giải thích:

- Đây là phong tục bắt buộc của người dân ở nông thôn Mông cổ. Trong nhà lúc nào cũng phải đầy đủ rượu thịt để cho những người lỡ độ đường. Đối với người du mục đây là điều bắt buộc vì phải mưu sinh giữa thảo nguyên mênh mông, đầy khó khăn, rủi ro.  Mỗi con người trong cuộc đời chắc chắn sẽ gặp phải những lúc lạc đường hay lỡ độ đường. Phong tục này đã có từ ngàn đời nay.

Tôi lặng người và cảm thấy bản thân còn quá nhiều thiếu sót. Sống tại nơi đây đã hơn 3 năm trời mà tôi thực sự chưa hiểu gì về cuộc sống, phong tục, tập quán của nhân dân bạn. Tôi chỉ cảm thấy người dân Mông cổ sao mà chân thật đáng yêu chứ chưa hiểu được ngọn ngành những đức tính cao thượng của người Mông cổ. Một dân tộc sống bằng nghề du mục đã có những phong tục tuyệt vời mà trên thế giới này hiếm nơi nào có được...

Kể từ lần lạc đường đó, sau này mỗi dịp đi thực tập hay đi chơi cùng bạn bè tôi không còn e ngại mỗi khi đói bụng tìm đến các gia đình bạn xin ăn nữa.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Giá mà...


Lời tựa: Trong cuộc đời ai cũng có điều gì đó tiếc nuối và  luôn mong được giá mà... Cuộc đời nếu không có “giá mà” chắc sẽ tẻ nhạt vô cùng.



Ngày ấy giá đừng gặp em
Thì đời không là biển cạn
Đâu còn những đêm thức trắng
Giầy vò xé nát tâm can.



Ngày ấy không chúc tết Thầy
Chắc mình không quen đến vậy
       Thì đời đâu là bể khổ
Đâu buồn vô cớ chiều nay.


Ngày ấy giá đừng hôn em
Tụi mình chỉ là tình bạn
Giờ này đâu buồn đến thế
Ngồi “trông cửa bể chiều hôm”





Nếu mà không có giá mà
Thì đời đâu còn đời nữa
Người người trở thành Thánh, Phật
Đâu còn kiếp sống phồn hoa.



Dù cho được phép giá mà
Trở về bên em ngày ấy
Chắc đâu đủ lòng dũng cảm
Để rồi lại muốn... giá mà...

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

TÌM HIỂU MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI CHẾT VÀ NGƯỜI SỐNG

 

Dân gian có câu: Sống vì mồ mả, chết kèn trống.

Tại sao lại có câu nói đó? Dựa trên bản chất hiện tượng nào mà dân gian đúc kết lại như vậy chúng ta cần bàn rõ để mọi người cùng hiểu. Nếu câu nói đó không đúng thì mỗi năm cũng đỡ lãng phí cho xã hội hàng trăm tỷ tiền vàng mã và không biết bao nhiêu thời gian vàng bạc nữa.

Trước hết chúng ta thử tổng kết lại các hiện tượng đã được ghi chép lại thông qua chuyện kể truyền miệng, ghi chép hay đã được các tác phẩm văn học hư cấu. Trong dân gian có hàng vạn câu chuyện về ma quỉ, về yểm bùa, về sự phù hộ của những người đã chết cho con cháu còn sống... Chuyện nào cũng đem đến cho chúng ta những tác động không nhỏ. Người thì sợ hãi dẫn đến sùng bái và mê tín quá mức; Người thì cho là chuyện hoang đường; Người thì cho là do thần kinh hoang tưởng... đã không định hướng được gây rất nhiều khó khăn trong quản lý xã hội.

Vậy thực chất của các câu chuyện đó là gì? Thực sự có mối quan hệ giữa người chết và người sống không đang là mối quan tâm cần được lý giải. Về vấn đề này tôi xin phép được nêu ra một số giả thuyết để chúng ta cùng nhau thảo luận hay nghiên cứu nhằm tìm ra câu trả lời chính xác nhất, khoa học nhất.

Trong không gian chúng ta đang sống, chúng ta phải chịu tác động của vô vàn tác nhân khác nhau trong đó quan trọng là những tác động từ vũ trụ như trường của các hành tinh hay gọi là sao, địa trường, trường do con người tạo ra như các loại sóng viba, radio... Mỗi nhân tố đều có tác động không nhỏ đến trường sinh học của các cơ thể sống hay nói chính xác là đến năng lượng tâm lí của mỗi con người hay con vật kể cả đồ vật. Để cho gọn chúng ta chỉ bàn riêng cho con người còn con vật hay đồ vật sẽ được bàn vào dịp khác.

Tính cách và sức mạnh thể chất hay tinh thần của mỗi con người có lẽ phụ thuộc vào các yếu tố vũ trụ như độ mạnh yếu của trường vũ trụ do các vì sao ở gần hay ở xa trái đất vào thời điểm linh hồn nhập vào để tạo nên một cơ thể sống mới. Nói rõ hơn là phụ thuộc vào trường của các hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta. Điều này lý giải tại sao Tử vi học đã và đang tồn tại một cách vững chắc trong xã hội của chúng ta. Nếu chúng ta xác định được chính xác thời điểm thụ thai thì tôi tin rằng độ chính xác của tử vi học sẽ rất cao và khi ấy không còn có các thày tướng số nữa mà chỉ còn các nhà khoa học bởi ai cũng có thể tiên đoán trước được số phận của chính mình. Tất nhiên linh hồn nhập được vào phải qua được sự chọn lọc của trường hay nói cách khác là nội lực của người cha sau đó là mẹ. Tại sao ảnh hưởng của người cha mạnh đến như vậy? Theo tôi có lẽ người cha luôn được hỗ trợ bởi các trường của tổ tiên, dòng họ luôn theo họ và thể hiện thông qua , theo quan điểm duy vật, nhiễm sắc thể Y. Do đó sinh con trai hay gái, tính cách và hay trí tuệ của đứa con hoàn toàn phụ thuộc vào người Bố. Điều đó càng củng cố thêm lời Ông cha chúng ta đã dạy hàng nghìn năm nay là LẤY VỢ KÉN TÔNG, LẤY CHỒNG KÉN GIỐNG.  Chắc vấn đề này sẽ có nhiều người cho là vớ vẩn. Vậy xin hãy trả lời cho tôi biết là “trời” trong câu nói “ Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” là cái gì?.

Sau khi được sinh ra, mỗi người đều được các linh hồn đã chết hợp trường trong dòng tộc chưa được siêu thoát hay đầu thai đi theo suốt cuộc đời. Điều này đã được kiểm chứng thông qua các nghiên cứu của các nhà khoa học về cái chết như B.Schwarz, I. Stevenson, A. Graham Bell, D. Danielle, Kubler-Ross... Chắc chắn mỗi chúng ta trong cuộc đời không ít lần thoát hiểm trong gang tấc hay được ai đó cho thấy lời giải những vấn đề hóc búa. Sự việc đó luôn được cho là may mắn. Do may mắn hay do tổ tiên phù hộ thì tùy sự NGỘ của mỗi người.

Sau khi chết linh hồn sẽ rời khỏi thân xác phàm tục để đi vào thế giới mới trong một dạng tồn tại mới. Tuy nhiên khi chưa được siêu thoát hay phải đầu thai trở lại, linh hồn sẽ tồn tại trong không gian chuyển tiếp. Không gian chuyển tiếp tầng trên được dành cho các linh hồn sẽ được siêu thoát và các linh hồn sẽ phải đầu thai trở lại làm người. Không gian chuyển tiếp tầng dưới có lẽ dành cho các linh hồn khi sống đã gây quá nhiều tội lỗi sẽ bị chuyển tiếp xuống không gian tầng thấp hơn (Dân gian gọi là các tầng địa ngục) hay đầu thai trở lại làm kiếp vật. Cấu trúc năng lượng tâm lý sẽ bị thay đổi và tùy theo mức độ Tham , Sân, Si mà nó sẽ được chuyển lên hay bị chuyển xuống. Các không gian này song song cùng tồn tại với không gian ánh sáng của chúng ta. Linh hồn sẽ liên lạc được với con cháu thông qua trường được sinh ra khi ADN của xương cốt bị phân rã (trường hài cốt).

Trường sinh học của người sống và trường sinh ra khi ADN của người chết bị phân rã sẽ có tần số gần nhau do trực hệ. Nếu trường người chết VƯỢNG và ổn định thì sẽ cộng hưởng làm cho trường của người sống càng mạnh thêm. Khi VƯỢNG thì muôn việc thuận lợi nhẹ tựa lông hồng. Ngược lại nếu trường vì lý do nào đó bị SUY thì tất nhiên sẽ làm cho trường của người sống rối loạn dẫn đến ốm đau, bệnh tật và làm ăn sa sút. Trong thực tiễn cuộc sống có rất nhiều trường hợp chứng minh giả thuyết này và lý giải tại sao những người có tiền và NGỘ được vấn đề thường phải thuê thày tìm huyệt mộ cho người thân hay yểm bùa khi muốn hại nhau. 

Một vấn đề nữa cần làm rõ là trường hài cốt của người chết và trường của người sống liên lạc với nhau, hỗ trợ cho nhau được bao lâu. Do sự sai lệch về cấu trúc di truyền qua mỗi thế hệ (nhiễm sắc thể Y bị trao đổi đoạn giữa Bố và Mẹ)  mà tần số của trường cũng dần dần khác nhau. Càng xa thế hệ thì tần số càng thay đổi khác nhau do đó sự cộng hưởng cũng ít dần. Mặt khác là khi xương cốt bị phân hủy hoàn toàn thì cũng không còn sự liên lạc của trường nữa. Trung bình để phân hủy hết xương cốt phải mất 80 đến 100 năm. Điều này có thể là nguyên nhân  dân gian thường chỉ làm giỗ riêng đến 4 đời và lý giải tại sao phải tìm đất tốt để táng nhằm lưu giữ xương cốt được lâu và tăng độ mạnh của trường. 

Tổng kết lại qua thư tịch và truyện dân gian cho thấy Ông cha ta có rất nhiều cách làm để được người chết phù hộ. Như trên đã đề cập, trường mồ mả càng Vượng thì người sống càng phát. Các cách cầu xin được phù hộ chính là các giải pháp làm trường hài cốt được VƯỢNG bền lâu.  Tự trung lại là các giải pháp:

1. Tìm huyệt tốt để cải táng. Huyệt địa là những điểm giao nhau của các đường địa từ. Nếu hài cốt được táng ở những nơi như vậy thì địa trường sẽ làm mạnh thêm cường độ của trường hài cốt thông qua đó năng lượng tâm lý của người đã mất sẽ được mạnh hơn;

2. Cúng: Dùng trường của người sống để làm mạnh trường của mồ mả thông qua đó làm mạnh trường năng lượng tâm lý của người đã mất;

3. Tu thân tích đức: Người sống làm những việc tốt. Thông qua những việc làm đó trường sinh học của bản thân được mạnh lên từ đó năng lượng tâm lý của người đã mất mạnh thêm...

Khi năng lượng tâm lý của người chết và trường hài cốt vượng thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng tốt đến trường sinh học của người sống. Trên cơ sở đó người sống sẽ khỏe mạnh hơn, làm ăn phát đạt hơn.

Khi dùng phương pháp phong thủy làm rối loạn trường hài cốt hay trường sinh học của người sống thì sẽ gây hậu quả khôn lường . Người sống sẽ bị rối loạn tâm lý, ốm đau, bệnh tật và làm ăn sa sút. Ngược lại làm ổn định và vượng trường của hài cốt hay trường sinh học của người sống thì có lợi vô cùng. Việc làm rối loạn trường hay ổn định trường là bản chất của thuật yểm bùa. Thuật yểm bùa là sự việc có thật chứ không phải trò lừa bịp hay mê tín dị đoan.

Như vậy chết không phải là hết và vẫn còn mối liên hệ giữa người đã chết với người còn sống thông qua hài cốt của họ. Điều đó lý giải tại sao trên thế giới hầu hết các dân tộc đều coi trọng việc chăm sóc mồ mả của tổ tiên. Đây là truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ cho muôn đời.