Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

ĐỔI MỚI - KHÓ LAM THAY!

    Không ở đâu làm đổi mới khó như ở Việt nam. Có lẽ do bản tính người Việt có tính thủ cựu không thích thay đổi nhất là hay đố kỵ, kèn cựa, không muốn ai hơn mình do đó ai mà muốn thay đổi cái gì để hơn người khác đều khó khăn vô cùng. Tuy nhiên tôi đã được chứng kiến không chỉ riêng người Việt mình mà cả các nước được coi là anh em cũng có tính cách như vậy.  
   Vào cuối thập niên 80, sau ngày giải phóng miền Nam không lâu, Nhà nước Việt nam đã mời các Nhà Khoa học các nước XHCN Đông Âu sang làm qui hoạch giúp Việt nam. Họ đã gặp gỡ, làm việc với các Nhà Khoa học, các nhà lãnh đạo Việt nam từ Trung ương đến địa phương rất chi tiết và đã xây dựng cho Việt nam qui hoạch phát triển đến năm 2000 và tầm nhìn đến năm 2020. Tôi nhớ có tổ chức tuần lễ hội thảo bàn về định hướng phát triển cho các ngành kinh tế, khoa học công nghệ Việt nam đến năm 2000. Các bài tham luận của các Nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt nam đã vẽ lên một viễn cảnh tươi sáng cho sự phát triển của nước nhà: Nào là nghiên cứu các hạt cơ bản, định hướng phát triển công nghiệp ô tô , tàu biển, cơ khí chính xác, tự động hóa, hóa học hóa... đã làm cho không khí hội thảo đầy lạc quan tin tưởng vào tương lai. Sau khi tổng kết Hội thảo, Ngài Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Trưởng đoàn cuối cùng có khuyên một câu là ; Các bạn hãy nhìn xuống chân mình, nhìn hạt lúa và suy nghĩ phải làm gì và làm thế nào chứ đừng ngước nhìn lên trời đếm sao và suy nghĩ viển vông… Lời khuyên đó đã làm cho các nhà Lãnh đạo và nhiều nhà Khoa học Viêt nam như bị dội gáo nước lạnh. Thật  trịnh thượng hết chỗ nói! Tại sao họ coi thường chúng ta đến vậy?. Mỹ, Pháp, Nhật ta còn đánh thắng thì cái gì mà ta không làm được. Họ định bắt chúng ta suốt đời phụ thuộc họ, suốt đời cúi đầu nhìn hạt lúa mà không khuyến khích chúng ta nhìn lên trời mơ ước tương lai. Lũ này đâu phải bạn bè mà đúng là lũ khoa học điên, bè lũ xét lại, phản động. 
   Đến những năm đầu thế kỷ 21, Nhà nước đã đầu tư lớn cho Hội đồng lý luận Trung ương, các nhà tư vấn kinh tế, chính sách và đã đề ra quan điểm định hướng phát triển kinh tế của Việt nam là ĐI TẮT, ĐÓN ĐẦU, HỌC VÀ ĐUỔI KỊP NHẬT BẢN. Đây là tâm huyết của cả hệ thống chính trị. Đảng và Chính phủ đã bỏ bao tâm huyết mới đưa ra được định hường như vậy thế mà có nhiều kẻ phản bác kịch liệt. Họ cho rằng chúng ta chưa có tiềm lực kinh tế, nhân lực, cơ sở vật chất  để đi tắt đón đầu và rằng nước Nhật năm 1945 đã chế tạo được tàu sân bay còn nước ta hiện nay chế tạo chiếc xe đạp hoàn chỉnh chưa xong, người dân ăn còn chưa no thì lấy gì để làm bệ phóng đuổi Nhật. Đúng là những kẻ ngáng đường không hiểu thời cuộc. Thời đại ngày nay là thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin. Người Việt nam chúng ta được thế giới đánh giá là thông minh, cần cù, giỏi toán nhất nhì thế giới. Việc làm chủ công nghệ thông tin trong tầm tay. Chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử, đang triển khai internet đến tận thôn bản, vùng sâu vùng xa đều dễ dàng tiếp cận công nghệ mới thì lo gì không đuổi kịp Nhật Bản… Tôi thấy sao họ ngu quá vậy! Lời giải cho sự bứt phá đơn giản như vậy mà cũng không biết. Với dép lốp ta đã bay được vào vũ trụ thì với tay chèo ta làm sao mà không khai phá được tương lai. Tụi này phải cho đi trại cải huấn vài năm để tẩy não đi mới được.   Với những quan điểm tiếp cận khoa học như vậy, Việt nam chúng ta đã cố gằng triển khai đổi mới nhiều lĩnh vực nhằm đưa đất nước phát triển nhanh chóng, thần kỳ. 
   Về Khoa học Công nghệ, tuy chỉ với mức đầu tư từ 0,5-1,0% Ngân sách cho nghiên cứu khoa học nhưng KHCN Việt nam được đầu tư nghiên cứu rộng khắp: Lĩnh vực nào, mũi nhọn nào chúng ta cũng đầu tư nghiên cứu. Mỗi thứ phải làm môt tý cho thế giới biết là Việt nam lĩnh vực mới nào thế giới đang nghiên cứu thì Việt nam cũng làm được. Mục tiêu của các đề tài và các Dự án nghiên cứu Khoa học đều phải được định hướng rất hàn lâm, theo kịp và hơn hẳn các nước khác. Ta phải nghiên cứu cho chúng ta và con cháu đời sau chứ. Bọn Tư bản giãy chết đời nào chúng chuyển giao những công nghệ mới cho ta. Các kết quả nghiên cứu của chúng ta sau khi được nghiệm thu nếu chưa áp dụng được ngay thì đều được xếp cẩn thận vào ngăn kéo để dành cho con cháu đời sau. Ấy thế mà nhiều kẻ phản đối cho là đầu tư nghiên cứu không tập trung, dàn trải, lãng phí. Thật là hàm hồ. Nếu không đầu tư như vậy thì làm sao chúng ta có thể sánh vai được với các cường quốc năm châu, làm sao có thể đi tắt đón đầu được. 
   Nghiên cứu đã cố gắng đạt trình độ cao rồi thì phần nhập khẩu công nghệ lại phải thật thực tế. Cứ công nghệ nào đã được kiểm chứng thực sự có hiệu quả, mang lại lợi ích chắc chắn là cho nhập. Nhập khẩu các công nghệ này có lợi là không sợ bị thất bại, hoa hồng nhiều khi lên tới 70-80% vừa ích nước , vừa lợi nhà. Như vậy ta vừa có phần sử dụng ngay vừa có của để dành cho mai sau. Cán bộ có giàu thì mới có tâm lãnh đạo đất nước chứ. Thế mà nhiều kẻ thối mồm cứ phản đối rằng do lòng tham của một số người đã đẩy Việt nam nhập khẩu toàn công nghệ rác. Chúng lại thổi phồng lên rằng chỉ sau gần 30 năm đổi mới mà Việt nam đã trở Thành BÃI RÁC công nghệ của thế giới không biết khi nào mới dọn được. Thử hỏi những kẻ to mồm đó rằng ai sẵn sang bán cho chúng ta công nghệ cao và nếu đói bụng chúng nó có toàn tâm toàn ý làm việc cho đất nước không? Toàn kẻ giả dối!. 
   Chưa có nơi nào trên thế giới này sử dụng đất đai có hiệu quả và làm giàu cho người dân nhanh như ở Việt nam.  Hàng ngàn năm qua đất ở trong tay người nông dân sinh lời được bao nhiêu?. Có đủ mua được cái TV không hay chỉ sản xuất được vài củ khoai hạt lúa?. Nay Nhà nước thu đất của nông dân cấp cho các Doanh nghiệp xây Nhà Chung cư, Xây Khu Công nghiệp… bán giá cao. Bao nhiêu người bỗng chốc trở thành tỷ phú Đô la. Đất nước ngày càng giàu vì có nhiều đại gia: Dân giàu nước mạnh mà. Bà con nông dân mất đất thì được đền bù  có tiền xây nhà, đánh bạc, ăn chơi dài dài không phải lao động vất vả lại được thành dân đô thị còn kêu ca gì nữa. Con cái họ đầy việc làm đấy thôi. Nhiều đại gia, nhiều trọc phú thì cần nhiều người giúp việc. Nhiều khu vui chơi giải trí ra đời sẽ cần rất nhiều lao động. Tha hồ mà hưởng lợi thế mà có nhiều kẻ phản đối nói rằng Nhà nước cướp đất của dân cho nhiều người làm giàu bất chính. Thật là phản động! 
   Đất nước đạng định làm mấy công trình ngang tầm thế giới như xây sân bay Long Thành, vài con đường cao tốc cỡ như Láng-Hòa Lạc thì nhiều kẻ phản đối ầm ầm. Họ sợ nợ công cao sẽ làm đất nước vỡ nợ. Thật vớ vẩn! Mới có 60-70% GDP thì đáng gì. Nước Mỹ còn nợ trên 100% GDP mà họ vẫn đứng đầu thế giới đấy thôi. Họ sợ không cạnh tranh nổi với sân bay Singapore, Thái Lan. Họ phân tích chỉ cần mở rộng và nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là đã thừa công suất. Thật là thiển cận! 20 năm không cạnh tranh được thì 30,50 năm. Chẳng lẽ thông minh, cần cù, giỏi giang như người Việt nam lại không làm được? Long thành gần Vũng tàu như vậy cứ lỡ chuyến, hủy chuyến như hiện nay chắc chắn ngành Du lịch cứ là hớt vàng chứ chẳng chơi. Chẳng lẽ Việt nam chúng ta cứ phải đuổi theo mấy nước trong khu vực? Cứ đầu tư. Làm xong lại bán lấy tiền xây tiếp. Có như vậy cán bộ mới có thu nhập, đất nước mới có các công trình thế kỷ. Tự hào lắm chứ. 
   Lại có nhiều ý kiến chống đối vận tải đường bộ. Họ cho rằng như vậy là lãng phí, tăng cao giá thành sản phẩm. Đầu tư vận tải đường thủy đường sắt rẻ hơn nhiều. Thật non nớt! Xin hỏi những người chống đối là các sông ngòi Việt nam bây giờ nước để phục vụ Thủy điện còn không đủ  lấy nước đâu mà vận tải đường sông? Không phát triển đường bộ thì làm sao phát triển kinh tế xã hội vùng sâu vùng xa được? Không đầu tư như vậy thì lấy gì để tính chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm và nhất là khi xây đường sắt, cảng biển xong thì lấy gì để vận chuyển, chẳng lẽ để tàu thủy, tàu hỏa chạy không à? Lúc đó đất nước sẽ giống như vỡ nợ chứ chẳng chơi. 
   Về sản xuất Công nghiệp, nhiều kẻ chê ta không làm nổi công nghiệp phù trợ. Thật tức không thể chịu được. Pháp Mỹ ta thắng được mà lại đi làm mấy thứ vớ vẩn giúp bọn Tư bản làm giàu. Không làm thì thôi chứ đã làm chúng ta phải sản xuất ô tô, tàu bò. Đấy, những năm vừa qua Nhà nước đã rất ưu ái đầu tư từ ngân sách đến chính sách để tập rượt làm Ô tô rồi. Cứ chờ xem, chẳng mấy chốc các hãng Ô tô Đức , Nhật Bản chỉ có mà ngửi khói chúng ta. Phải có lòng tin vào tương lai. 
   Trong các lĩnh vực thì đổi mới Giáo dục là lĩnh vực khó nhất. Để nâng cao  chất lượng đào tạo con người, chúng ta đã nhiều lần triển khai cải cách giáo dục. Khi cải cách chữ viết thì bị cho là phá hoại chữ viết. Thời đại công nghệ thông tin ngày nay ai còn viết bằng bút mực nữa. Kể cả làm bài thi chỉ cần đánh dấu là xong. Gần đây ngành Giáo dục bắt đầu triển khai chương trình đổi mới , khuyến khích tư duy sáng tạo cho học sinh.  Ấy thế mà nhiều sáng tạo về đổi mới tư duy cho học trò rất táo bạo vừa mới đưa ra thử nghiệm đã bị phản đối rầm rầm. Để phá vỡ lối tư duy cổ hủ theo lối mòn được qui định sẵn, các nhà cải cách giáo dục đã cố gắng thay đổi từ đổi mới tư duy toán học như cho số bò dê rồi hỏi tuổi thuyền trưởng đến sáng tạo truyền thuyết, chuyện cổ tích mới như Thánh Gióng đánh xong giặc Ân mệt quá ăn cơm, xuống Hồ Tây tắm xong mới chết đến chuyện mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con, Thạch sanh bổ phọt óc trằn tinh,  quân Mã Viện khỏa thân làm cho nữ binh của Hai Bà Trưng xấu hổ không đánh nhau được và bị thua, phải tự vẫn… Cải tiến như vậy mới cởi trói tư duy cho các cháu được chứ. Chúng ta xưa nay chỉ giáo dục học trò theo cách tư duy giáo điều, một chiều nên chúng không có ý tưởng sáng tạo để hữu ích cho đất nước. Cải tiến như vậy học trò mới dám có ý tưởng như coi những người ra đề ngu như bò, như dê, mới không còn bị thần thánh hóa mọi vấn đề xã hội. Các cháu quen các ngôn từ phản cảm, quen mọi ngóc ngách và góc tối cuộc đời. Khi ra đời các cháu sẽ không bị bỡ ngỡ trước mọi khó khăn của cuộc đời và sẽ vượt qua dễ dàng kể cả phải giêt người thân. Những nhân tố như vậy mới xây dựng đât nước nhanh chóng phần vinh được chứ.  
   Ngay như Hà nội mới đây thay vài nghìn cây cổ thụ để chỉnh trang đô thị hiện đại: Nhà ra nhà, phố ra phố, cây ra cây mà đã bị bao nhiêu ý kiến phản đối. Chỉ vì muốn nhanh chóng đưa Hà nội thành Thủ đô văn minh hiện đại, các nhà lãnh đạo Hà nội đã phải bấm bụng chi 36 triệu chặt một cây xà cừ, gỗ giá 25 triệu/m3 phải bán giá củi. Xót lắm chứ. Thế mà họ không hiểu nỗi khổ tâm và tâm huyết của cán bộ lãnh đạo mà lại nói là có lợi ích nhóm, tham ô… Thật tức không chịu nổi. Cây nào chẳng là cây. Cứ trồng lôm nhôm làm sao thể hiện được Thủ đô văn minh hiện đại? Thế mới biết để thực hiện được những đổi mới sáng tạo ở Việt nam khó lắm thay!.