Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Zaisan đã đổi thay


Với tôi và với mỗi sinh viên Việt nam thập kỷ 80 trở về trước luôn có trong tâm trí hình ảnh Zaisan yên bình đầy mộng mơ. Chúng tôi luôn mong muốn có dịp gặp lại người thân cũ... ZAISAN. Tuy nhiên cùng với sự đổi thay của thể chế kinh tế, Zaisan nói riêng và Ulanbator nói chung đã thay đổi chóng mặt. Từ một thủ đô chỉ có số lượng dân số 250.000 dân đến nay đã tăng lên 1.000.000 dân. Từ một thành phố yên bình nhà cửa thưa thớt đến nay đã san sát nhà cao chọc trời, phố xá tắc nghẹt ô tô. Ngày xưa Bách hóa Tổng hợp to cao thế mà nay như ngôi nhà gỗ nhỏ lọt thỏm trong những khối nhà đồ sộ nguy nga.
Với chính sách mở cửa và tự do phát triển theo kinh tế thị trường, Mông cổ đã trở thành nghĩa địa xe ô tô cũ giống như Việt nam đã là nghĩa địa xe gắn máy vào thập kỷ 80-90 của thế kỷ 20. Chúng ta thử hình dung với thủ đô Ulanbator nhỏ bé, hạ tầng cơ sở được cải tiến không đáng kể mà số xe ô tô đăng ký cả trăm nghìn chiếc thì giao thông không hiểu sẽ xảy ra như thế nào. Giao thông liên tục tắc đường. Thành phố bị ô nhiễm khói bụi trầm trọng đến nỗi người dân Mông cổ đã đổi tên Thủ đô Ulanbator ( Ulaanbaatar-  Anh hùng đỏ ) thành Utaanbaatar – Anh hùng khói. Thật giống y chang Việt nam chúng mình.
Các vấn đề về văn hóa giáo dục cũng không tránh khỏi qui luật kinh tế thị trường...Mua điểm, mua bằng tràn lan. Giao thông cũng phải làm luật. Nạn mãi lộ hoành hành khắp nơi. Dân nghèo từ nông thôn đang dồn về thành thị tạo nên sức ép rất lớn cho Chính phủ. Nói chung ta có gì thì bạn có cái ấy.
Đó là nói về mặt trái của cơ chế thị trường ít được kiểm soát. Cái được đối với đất nước Mông cổ rất lớn từ vị thế đất nước đến vị thế kinh tế trong cộng đồng thế giới. Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Mông cổ đang là nơi hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh tế Mông Cổ tập trung vào nông nghiệp và khai thác mỏ. Mông Cổ có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như đồng, than, môlípđen, kẽm, tungstenvàng chiếm một phần lớn sản phẩm công nghiệp. Dự trữ đồng, than đá và vàng dồi dào của Mông cổ đã thổi bùng lên cơn sốt đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Mông Cổ đạt kỷ lục 17,3%.
Hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp độc lập tại Mông Cổ, chủ yếu tập trung tại các thành phố và thủ đô . Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là dê, cừu, lạc đà, ngựa, bột mì, lúa mạch, khoai tây, các loại rau, cà chua, dưa hấu, cỏ khô cho gia súc. GDP của Mông Cổ năm 2011 đạt 8,6 tỷ USD và GDP tính trên đầu người năm 2011 là 3,100 $. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gấp 3 lần năm 2011 và chạm mức kỷ lục 5,3 tỷ USD.
 Thị trường Chứng khoán Mông Cổ được thành lập năm 1991 tại Ulanbator và có lẽ là thị trường chứng khoán nhỏ nhất thế giới xét theo tư bản hoá thị trường.
Với những đổi thay của đất nước như vậy, Zaisan của chúng mình cũng phải nằm trong quĩ đạo và đã thay đổi rất nhiều. Khu trường cũ giờ đã mọc thêm nhiều khu nhà cao tầng mới cho các Viện và Trường đại học trực thuộc. Zaisan bây giờ không còn mộng mơ như ngày xưa nữa mà nó cũng hối hả theo vòng quay của nền kinh tế thị trường. Đó mới là phát triển. Người già chúng mình do có tính bảo thủ rất cao cho nên nhiều khi không chịu chấp nhận những thực tế khách quan của sự phát triển. Chúng ta không nên buồn mà phải biết hy sinh vì tương lai. Mời các bạn hãy trở lại chốn xưa để cảm nhận niềm vui và nỗi buồn của Zaisan trong sự phát triển.
Trên đây là một số thông tin tôi có được về Mông cổ trong 10 ngày gặp lại gia đình Thày Purevjav. Có điều gì chưa đúng mong các bạn đang sống tại Mông cổ thông cảm. Sau chuyến thăm vào dịp quốc khánh Mông cổ tháng 7 tới chúng ta sẽ quay trở lại chuyên mục này.

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Gia đình Thày Purevjav

      Thày cùng cô út và hai cháu ngoại trước khi nghỉ hưu                                              Các con của Thày

Thực sự vào năm thứ nhất tôi vẫn chưa biết Thày gia đình Thày. Thày khi đó là Trưởng phòng Giáo vụ của Trường Đại học Nông nghiệp Quốc gia Mông cổ bây giờ đổi thành Trường Đại học Tổng hợp Nông nghiệp Quốc gia Mông cổ còn tôi là cậu sinh viên mới năm đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Noel năm thứ nhất tôi được phân công thổi sáo cho anh Nguyễn Mạnh Hùng ( đã mất năm 1991) hát. Hôm tổng duyệt chương trình, thấy tôi thổi sáo nghe được anh Trưởng đoàn đề nghị tôi độc tấu một bài Mông cổ. Tôi đã làm cả ban nhạc và anh Trưởng đoàn sung sướng vì có thêm tiết mục mới. Thế là ngay lập tức tôi được biên chế chính thức là thành viên của Ban nhạc. Kể từ đó hàng năm cứ vào kỳ nghỉ đông tôi lại được cử đi cùng ban nhạc trong các chuyến khảo sát kết quả đào tạo của trường và nhu cầu đào tạo tại một số tỉnh. Thày luôn là Trưởng đoàn. Do đoàn có tôi là người nước ngoài cho nên Thày thường bố trí tôi phải cùng đi với các Thày cô. Khi đến nơi mới đi cùng Ban nhạc. Do đó tôi có nhiều thời gian tiếp xúc và làm quen với các thày trong Ban lãnh đạo của Trường. Cậu Bold là con trai cả của Thày là nhạc công chơi ghitar Bass và controbass. Chúng tôi quen nhau rất nhanh vì tính tình gần giống nhau: Thích chơi, lười học. Không biết có phải vì tôi là người Việt nam ngoan ngoãn chăm học và Thày muốn lấy tôi làm gương cho con Thày hay không mà Thày rất quí và chăm lo cho tôi. Tôi nhớ đợt thực tập giáo trình cả khóa phải đi nông thôn, nhưng riêng mình tôi Thày trực tiếp đưa xuống Trại gà Songino để thực tập. Xuống đến nơi Thày đưa tôi vào nhà khách, gặp Ban Giám đốc, Kỹ sư trưởng xong xuôi Thày mới về. Tết nào tôi cũng được Thày mời đến nhà đón tết. Bánh Buuz nhân thịt cừu thơm lừng, ngọt lịm mà Cô tự tay làm để lại trong tôi ấn tượng không bao giờ quên. Vào dịp Hè thế nào cũng phải ra nhà nghỉ của gia đình Thày ở ngoại ô vài lần cùng gia đình ăn uống vui chơi. Tôi như một thành viên trong gia đình Thày. Điều đó làm tôi vơi đi nỗi nhớ nhà và khuyến khích tôi cố gắng học để không phụ công Thày.
Tôi nhớ mãi năm 1976 trong Hội diễn văn nghệ toàn Mông cổ, tiết mục nhạc dân tộc của chúng tôi đoạt huy chương vàng và tiết mục độc tấu sáo của tôi đoạt huy chương đồng. Thày vui lắm. Dịp đó gần cuối hè. Cả nhà kéo nhau ra nhà nghỉ làm bữa cơm có bánh Buuz để chúc mừng chúng tôi. Hôm đó Thày cho chúng tôi uống xả láng. Thật là vui.
Khi tôi quen gia đình Thày mới 48 tuổi, Cô 43, cậu Bold mới 20, em Suvd mới 18 và cô út Tuya mới 15. Năm nay gặp lại nhau thì Thày đã về với tổ tiên được 22 năm, Cô đã 80 tuổi còn tôi đã 60, Bold 58, Suvd 56 và Tuya cũng đã 53 tính theo tuổi mụ. Các em con cái đã trưởng thành và đều có cuộc sống ổn định. Cô vẫn ở căn hộ 4 phòng ngày xưa ở Zaisan. Bold mua đất và sống cuộc đời điền viên ở nông thôn. Suvd đang làm cho Dự án của UNDP về bảo tồn động vật hoang dã. Tuya lấy chồng người Hungary và hàng năm đưa gia đình về nghỉ hè tại quê hương Mông cổ. Hè này chúng tôi hẹn gặp nhau nhân dịp quốc khánh Mông cổ. Tôi đang mong sớm đến ngày đó để tôi được gặp tất cả các thành viên trong gia đình Thày, để dâu, rể và các cháu biết tôi là người của gia đình từ thời xa xưa - Một thời khó khăn mà chúng không thể hiểu nổi.

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Tôi đã hồi sinh




Thế là đã toại nguyên sau bao năm dài tìm lại những người đã quen một thời gian khó. Các bạn đã biết tôi đã nhờ biết bao người đang sống tại Mông cổ cũng như ở Việt nam tìm giúp. Tuy nhiên đều vô vọng. Nỗi mong nhớ, ân hận cứ dày vò tôi suốt bao năm. Nỗi nhớ càng lớn lên theo thời gian nhất là vào thời gian sắp hạ cánh về già. May sao năm 2010 đoàn đại biểu bao gồm các thày cô lãnh đạo của các Viện và Trường thuộc Trường Tổng hợp Nông nghiệp đã sang thăm và làm việc với Viện Chăn nuôi và Trung tâm Nghiên cứu Lợn Thụy Phương. Tôi đã gặp thày Batgombo Luvsansharav và Thày chính là chồng của cô bạn cùng lớp Enkhtuya. Thế là tôi đã nhờ Thày và cô bạn cũ tìm lại địa chỉ của những người con của Thày Purevjav.


Đoàn các Thày Cô của Trường đến làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Lợn

Nói thì dễ nhưng đi tìm cũng mất rất nhiều thời gian. Sau bao lần nhầm lẫn đến 10 tháng 2 năm 2012 tôi đã nhận được thư điện tử của cô bạn báo tin là đã tìm được địa chỉ E-mail của em Suvd con gái Thày. Tôi thật sự vui mừng và đã viết thư gửi ngay tới em. Và cũng thật bất ngờ chỉ sau đúng một giờ đồng hồ tôi đã nhận được hồi âm. Em thông báo là đã báo tin hết cho mọi người trong gia đình là đã tìm được tôi và rằng mấy năm nay Mẹ luôn hỏi thăm tin tức về tôi. Thế là hầu như ngày nào chúng tôi cũng gửi cho nhau vài dòng để hàn huyên cho bõ những ngày xa cách. Một điều bất ngờ và làm tôi vô cùng cảm động là Em thông báo sau tết âm lịch ngày 5/3/2012 Mẹ sẽ sang thăm Việt nam để gặp gia đình tôi và kịp tiễn cháu đi học tại Cộng hòa Liên bang Đức ( Con trai tôi đi Đức ngày 8/3/2012). Tôi rất vui nhưng rất lo lắng vì một người đã 80 tuổi làm sao đi xa như vậy được. Tôi đã bày tỏ lo lắng với em nhưng em nói là Mẹ kiên quyết đòi đi bằng được cho dù đã biết tôi sẽ sang vào tháng 7 tới và Mẹ nói rằng sang thăm gia đình tôi chứ không phải riêng tôi. Tôi gấp rút liên lạc với Sứ Quán để hỏi thủ tục và nhờ giúp đỡ nếu có vấn đề gì khó khăn.
Sát đến ngày đi thì tôi nhận được tin cậu Bold con trai cả của Thày người tôi đã nói nhiều trong các câu chuyện đã kể cũng sang Việt nam. Do phải đưa vợ và con sang Bắc Kinh công tác cho nên cậu đã đi tàu liên vận sang Bắc kinh và sau đó đi tàu nội địa đến Đồng Đăng rồi đi xe Buýt về Hà nội. Thật đáng khâm phục vì một câu tiếng Trung hay tiếng Anh cậu ta đều không biết.


                    Chụp ảnh cùng bạn cũ.                                Tặng hoa Cô nhân ngày 8/3

Đúng 10h20 tối 5/3/2012 tôi ra sân bay đón Cô. Thật bất ngờ Cô vẫn như xưa chỉ già đi vì tuổi tác. Cô em gái ngày xưa xinh đẹp là thế mà nay đã già đi nhiều. Chúng tôi ôm hôn nhau làm đám đông các cháu chờ đón đoàn ca sĩ Hàn Quốc sang tham dự Đại nhạc hội Việt Hàn hoan hô rầm trời. Còn cậu bạn Bold thì tôi hầu như không nhận ra khi ra bến xe đón. Ngày xưa cậu ấy trẻ và đẹp trai là thế mà nay như ông lão Mông cổ chính thống.
Tôi đã bố trí nghỉ 10 ngày để đi nghỉ cùng gia đình Thày. Tôi giới thiệu các danh thắng ở Hà nội, Hạ Long và Huế. Tại Huế các anh Phạm Quang Trung và anh Phạm Hồng Sơn đã mời cơm tại gia đình. Cô và các em rất cảm động vì ân nghĩa của người Việt nam chúng mình.  

Du lịch trên vịnh Hạ Long


Thăm động Thiên Cung


 Ngắm vịnh Hạ Long



Thăm làng cổ Bát Tràng


Thăm lăng Tự Đức



Thăm Lăng Khải Định


 Thăm chùa Thiên Mụ

Thấm thoắt đã hết 10 ngày. Chúng tôi chia tay đầy lưu luyến. Cô và các em đã khóc. Chúng tôi ôm chặt nhau không muốn rời xa. Khi vào khu kiểm tra an ninh, Cô nói với tôi: Mong sao tháng 7 mau đến...
Tôi thực sự không hiểu mối quan hệ của tôi với gia đình Thày sao gắn bó đến thế. Chúng tôi quan hệ như người trong một gia đình không ngại ngùng, khách sáo. Đúng như em Suvd đã viết cho tôi là mối quan hệ của chúng tôi vượt trên cả tình bạn và đã làm em thay đổi nhận thức về lẽ sống cuộc đời. Tôi đã trả lời em là mối quan hệ đó có lẽ đã có từ kiếp trước và chúng ta phải nâng niu và gìn giữ nó.



Bên sông Hương
Chuyến thăm của Cô và gia đình đã thực sự giải tỏa sự nặng nề trong lòng tôi bấy lâu nay. Tâm hồn tôi nhẹ nhõm, bay bổng như đã hoàn thành được một nhiệm vụ to lớn của cuộc đời mặc dù biết rằng để gìn giữ được mối quan hệ tốt đẹp này đến hết cuộc đời không phải là dễ.