Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

TỬ VI – MÔN KHOA HỌC THỐNG KÊ ĐA NGÀNH


Tôi rất mê môn Tử vi – Tướng số bởi đây là môn khoa học đa ngành rất phức tạp trong triết học phương Đông. Dựa trên qui luật biến đổi của thuyết âm, dương, ngũ, hành trong Kinh dịch, môn Tử vi học trở thành ma trận đa thành phần vô cùng kỳ ảo. Chính sự biến đổi phức tạp đó mà Tử vi đến nay chưa thể đưa ra được các kết quả rõ ràng, bất biến. Vì vậy nhiều người không tin vào môn khoa học này và thậm chí còn bài bác nó. Tôi đã đọc nhiều ý kiến phản bác bói toán. Tuy nhiên những ý kiến phản bác đó phần lớn là theo ý kiến chủ quan của tác giả chỉ dựa trên các hiện tượng được cho là sai mà không suy xét cùng các hiện tượng được cho là đúng, hoặc bản chất họ không tin vào tướng số, thậm chí còn viết theo chỉ đạo của ai đó. Các trường hợp sai số trong bói toán phần lớn được các Thày có chút khả năng hay Thày rỏm phán ra. Thực chất tử vi là môn khoa học đa ngành siêu hình phương đông rất phức tạp đến nay chúng ta vẫn chưa hiểu hết được ngọn nguồn. Đây là môn toán thống kê sinh học nghiên cứu đa ngành liên quan đến con người.
Đối tượng nghiên cứu của Tử vi chính là con người và số mệnh con người. Con người trong Tử vi là con người gắn liền với gia đình và những mối quan hệ xã hội. Có thể coi Tử vi là một dạng thức khoa học kết hợp triết học một cách khá sơ khai nhưng rất cao siêu. Loại hình nghiên cứu của nó dựa trên tính trực quan và mang nhiều yếu tố triết học ở dạng sơ đẳng.
Tử vi dùng nhiều phương pháp nghiên cứu kết hợp. Đó là phân tích thống kê tổng hợp và động. Trong đó chia thành đại phân tích và vi phân tích. Những triết lý bói toán cũng được hệ thống hóa dựa trên nền tảng của kinh dịch đó là triết lý Âm Dương Ngũ Hành. Tử vi vận động theo các vì sao ở 10 can, 12 chi dịch chuyển và biến đổi theo lý thuyết Bát Quái, tương tác với nhau theo thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Tử vi vừa mang tính khoa học thống kê vừa mang tính bói toán và có phần dị đoan do khoa học chưa giải thích được. Nếu xét theo những điều kiện cần thì Tử vi có thể được coi là một khoa học theo một mặt nào đó. Tử vi học có hệ thống lý luận riêng với những thuật toán riêng và cách tiếp cận nghiên cứu nhân học độc đáo. Ngoài ra, Tử vi cũng có tính lập luận và logic học rõ ràng từ đó đưa ra được những trải nghiệm và chứng minh từ thực tế đời sống. Các cung trên lá số Tử vi là những hàm số căn bản Trong các cung có Chính tinh và Phụ tinh. Những ngôi sao này tương tác với nhau theo quy luật âm Dương Ngũ Hành khiến một lá số Tử vi trở thành một "đa hàm số” với nhiều biến số biến đổi rất phức tạp. Tuy nhiên điều đó cũng phần nào thể hiện bản mệnh của con người cũng vốn thật phức tạp, không có một phán quyết nhất định nào theo nguyên lý của lý trí hay tình cảm. Nhưng điều đó cũng khiến nhiều người yêu sự rõ ràng trong khoa học cảm thấy đặt niềm tin vào Tử vi là không cần thiết. Tử vi học là một phương pháp, một công thức, một đồ biểu nhưng nó không đo lường được về lượng cũng như về chất một cách chính xác. Nó là một hệ thống tương quan giữa các yếu tố phức tạp. Kết quả đưa ra không thể lý giải một cách máy móc hay bằng một chứng minh cụ thể nào. Tử vi học khiến người ta nghĩ về sự liên hệ giữa các yếu tố trong cuộc đời và kết luận về một lá số Tử vi đòi hỏi phải là kết luận dựa trên sự tổng hợp các nhận định riêng lẻ. Con người và bản mệnh trong Tử vi học là một con người toàn diện, bao hàm cả thể chất lẫn tinh thần, cả di truyền lẫn bản tính cá nhân, cả môi trường gia đình và xã hội, cả công danh lẫn tài lộc. Con người đó chính là "sự tổng hòa của những mối quan hệ xã hội”. Tử vi học không tách rời các phương diện và xem xét con người ở một thế giới quan tổng hợp, có tương tác với môi trường xã hội chứ không phải biệt lập ở một phương diện cụ thể. Tử vi học được hoàn thiện liên tục qua hàng ngàn năm, trên thực tiễn của hàng triệu triệu cuộc đời bởi những con người cực kỳ uyên bác. Do tính trừu tượng và tính hệ thống hóa cao của tử vi học mà độ chính xác của kết quả hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ và kinh nghiệm của người Thày.
Trong một lá số Tử vi, nhiều nhất người ta có 118 sao. Mỗi ngôi sao có một ý nghĩa riêng. Sao này khi tương tác với sao khác lại có ý nghĩa khác. Dù sự chính xác của Tử vi học còn phải bàn cãi nhưng việc mã hóa và sơ đồ hóa số mệnh của con người vào một lá số Tử vi đã cho thấy tham vọng lớn lao của các bậc tiền nhân khi sinh ra khoa Tử vi. Ngày nay, dưới con mắt khoa học, khoa tử vi được coi như một loại hình khoa học huyền bí kết hợp với nhân học và phân tích độc đáo trong việc tiên đoán số mệnh con người. Thực tế để xem chuẩn một lá số tử vi là một điều bất khả vì nó là một hàm số có quá nhiều biến số tương tác lẫn nhau. Nếu coi các nguyên tắc tương tác giữa các sao là một hàm số, thì lá số Tử vi của một người là một hàm số có tới hơn 100 biến số. Đây là hàm số quá phức tạp và không có được lời giải thấu đáo.
 Hi Di lão tổ Trần Đoàn thực ra không phải là người sáng tạo ra khoa Tử vi mà chỉ là người hệ thống hóa lại toàn bộ tri thức Tử vi của người xưa. Tử vi học cũng không nên được coi là một môn khoa học độc lập mà nên coi nó là môn khoa học đa ngành kết hợp nhiều nguyên lý khoa học khác trong triết học Trung Hoa.
Con người là trung tâm của vũ trụ, thuyết tam tài của triết học Phương Đông là Thiên - Địa – Nhân. Con người chính là sản phẩm hoàn chỉnh nhất của tự nhiên và là trung tâm của Trời Đất. Có Trời có đất rồi qua sự phát triển vận động mà tạo nên con người như một vũ trụ thu nhỏ. Chính vì con người là một sản phẩm của tự nhiên thì tất nhiên phải chịu sự chi phối của tự nhiên. Cũng giống như các sinh vật khác trên trái đất đều phải chịu sự chi phối của thiên nhiên và môi trường.
Mỗi con người được sinh ra tại những thời điểm, những vị trí khác nhau trên trái đất. Thời khắc đó sự vận hành của các thiên thể đang ở trên những quỹ đạo khác nhau, ở các khoảng cách khác nhau so với trái đât và mặt trời do đó mỗi sinh linh sẽ chịu mức độ tác động khác nhau bởi các trường từ các tinh tú và sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ các hành tinh trong hệ mặt trời như mặt trăng, mặt trời, sao kim, sao hoả, sao thổ,… . Các tác nhân này cùng các tia vũ trụ, các yếu tố môi trường tác động vào mỗi con người khác nhau, do đó được hình thành nên với những tố chất trong đục khác nhau trong mỗi con người. Chính vì thế mỗi người khi được tạo ra có một xuất phát điểm khác nhau bởi chu kỳ hoạt động các tinh tú trong vũ trụ khác nhau do đó chịu tác động của vũ trụ khác nhau và sự tác động đó được người xưa gọi đó là Thiên Mệnh.
Tuy nhiên số mệnh con người lại là một hàm số tổng hợp bởi ngoài Thiên Mệnh thì con người còn phục thuộc vào kiểu gen di truyền, vào môi trường sống, vào vị trí địa lý và nỗ lực mỗi cá nhân. Chính vì vậy hai người sinh cùng một thời điểm, cùng vị trí nhưng lại có thể có số mệnh hoàn toàn khác nhau.
Tóm lại chúng ta có thể ước lượng số mệnh con người thông qua hàm số:
Số mệnh = Thiên Mệnh + Địa Mệnh + Nhân Mệnh
Trong đó:
- Thiên mệnh là các tác động từ vũ trụ, từ các tinh tú.
- Địa mệnh là môi trường xã hội, là Phong Thuỷ nơi sinh sống.
- Nhân mệnh là phần nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, tu tâm dưỡng tính của mỗi cá nhân trong cuộc sống.
Thiên mệnh là cố định nhưng phần Địa mệnh và Nhân mệnh hoàn toàn có thể cải biến. Điều này cho thấy Phong Thuỷ có vai trò vô cùng quan trọng. Chọn lựa được nhà cửa, văn phòng, phòng ngủ, bàn làm việc Phong Thuỷ tốt, phù hợp sẽ có tác dụng cải tiến số mệnh to lớn. 
Tử vi học nghiên cứu tổng hòa cả 3 yếu tố đó. Trong sinh học hiệu quả của chọn lọc theo một hướng nào đó càng cao khi yếu tố chọn lọc càng ít. Trong khi môn Tử vi học nghiên cứu con người thông qua hàng trăm yếu tố của các lĩnh vực vô cùng rộng lớn như Thiên văn học, Địa chất học, Sinh học, Xã hội học... hầu như tất cả các môn khoa học thì làm sao đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối được. Bởi vậy khi chúng ta sử dụng môn Tử vi học kết quả đúng nhất là cho chúng ta biết hướng đi, những biến động lớn của số mệnh để mỗi người tự sắp xếp cuộc sống cho phù hợp, phòng rủi ro để đạt được hiệu quả cao nhất trong toàn bộ cuộc đời. Khi ngày càng có nhiều những thành viên tốt tồn tại thì xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

BÀN VỀ NĂNG LỰC CÁC NHÀ NGOẠI CẢM


Sau buổi lên sóng của VTV1, một chiến dịch bài trừ các Nhà ngoại cảm đã được phát động và triển khai rầm rộ. Từ chuyện “Cậu Thủy” bị bắt đến việc tranh luận về Cô Năm Nghĩa, Chị Hòa, Chị Hằng... Tất cả hình như để phục vụ một mục đích chính trị nào đó chứ thực sự không phải bàn về tâm linh. Qua các sự kiện từ Lễ tang Đại tướng, vụ nổ nhà máy pháo hoa đến vụ thẩm mỹ viện Cát Tường... đại đa số người dân nước Việt đã hiểu được một phần thời cuộc của nước ta hiện nay.
 Tâm linh là một vấn đề tồn tại bên ngoài những kiến thức khoa học thông thường chúng ta đang có. Chính vì lẽ đó cho đến nay chưa có một biện giải khoa học nào cho các hiện tượng tâm linh. Rất tiếc là xã hội của chúng ta ngày nay do những quan điểm chủ quan, duy ý trí đáng lý những vấn đề chưa hiểu thì phải nghiên cứu tìm hiểu thì chúng ta lại dùng phương pháp hành chính để bác bỏ, cấm đoán. Đây là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nhân loại.
Trong dòng chảy của lịch sử xã hội loài người bao giờ cũng tồn tại hai mặt đối lập của một hiện tượng: Phải, trái; Đúng, sai; Tốt, xấu; Thật, giả, ... Đây là động lực cho sự phát triển. Tâm linh cũng không nằm ngoài qui luật đó. Vấn đề ở đây chúng ta phải bàn là thật đến đâu và giả đến đâu chứ không được lấy một vài hiện tượng riêng lẻ để phủ định cái phổ biến. Chính vì lẽ đó trong thống kê toán học có môn học xác suất thống kê là vậy.
Về bản chất khoa học, Nhà ngoại cảm được phân chia làm hai loại: Bẩm sinh và không bẩm sinh. Nhà ngoại cảm bẩm sinh có khả năng ngoại cảm lâu dài và không phụ thuộc vào ngoại cảnh còn nhà ngoại cảm không bẩm sinh sẽ chỉ có khả năng trong khoảng thời gian nhất định. Ngày xưa khi con người còn phải sống phụ thuộc chủ yếu vào các điều kiện tự nhiên, trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên hàng ngàn đời, con người đã có được bản năng dự đoán trước các mối nguy hiểm. Họ có khả năng giao tiếp với các dạng năng lượng khác nhau trong vũ trụ. Khả năng giao tiếp hay nói cách khác là trường sinh học của họ có bước sóng siêu ngắn có tốc độ chuyển dịch nhanh hơn tốc độ ánh sáng do đó không phụ thuộc vào thời gian của chúng ta nữa. Vì vậy họ có thể “nhìn thấy” trước hay dự đoán trước được các hiện tượng. Cùng với sự phát triển của xã hội, con người ít phụ thuộc vào thiên nhiên thì các bản năng đó cũng dần dần bị yếu đi. Những gen qui định bản năng này tồn tại ở dạng “ngủ” không hoạt động. Trong quả trình kết hợp giao tử và phân chia tế bào, trao đổi đoạn của bộ nhiễm sắc thể sẽ có một tỷ lệ nhất định cá thể có các gen qui định bản năng dự báo sẽ được kích hoạt và hoạt động trở lại. Tuy nhiên trong quá trình phát triển cá thể nếu khả năng này không được tập luyện thường xuyên thì khi lớn cũng sẽ bị mất đi.  Những người có khả năng này là những nhà ngoại cảm bẩm sinh. Họ có thể giao tiếp với các nguồn năng lượng khác bất kỳ lúc nào họ muốn. Những người này thường ẩn mình hoặc tự kỷ bởi thấy mình khác người và những điều họ thấy không chia xẻ với ai được vì không ai tin họ và luôn chế nhạo họ. Nếu xã hội biết tôn trọng, khơi dạy niềm tin của những người này thì tôi tin rằng xã hội sẽ có không ít các nhà ngoại cảm bẩm sinh tài giỏi.
Trường hợp thứ hai là các nhà ngoại cảm không bẩm sinh hay nói nôm na là được “ăn lộc”. Những người này theo giải thích khoa học họ cũng có các gen dự báo được kích hoạt. Tuy nhiên vì một lý do về cấu tạo hệ thống thần kinh, cấu trúc các trường năng lượng của bản thân hay môi trường sống làm cho họ không thể hiện được khả năng đó trong quá trình phát triển. Khả năng của họ sẽ được thể hiện một phần khi họ bị trải qua một biến cố tinh thần hay tổn thương nào đó làm thay đổi cơ chế nội sinh của họ. Những người này có khả năng ngoại cảm không rộng và rõ như các nhà ngoại cảm bẩm sinh. Khả năng của họ thường chỉ ở một vài khía cạnh như đọc ý nghĩ người khác, nhìn xuyên thấu, giao tiếp với các trường năng lượng khác... Tuy nhiên khả năng của những nhà ngoại cảm này không được lâu dài bởi các tổn thương sẽ lành trở lại và bởi do bản thân họ chú tâm vào làm sao để thu lợi nhuận nhiều hơn mà không trau dồi khả năng của bản thân họ. Các Nhà ngoại cảm chắc chắn sẽ có những dự đoán sai do bản chất các gen chưa được kích hoạt hoàn toàn, do yếu tố môi trường làm việc... làm cho họ thể hiện khả năng không rộng, không rõ ràng và sai số càng cao khi các nhà ngoại cảm ẩu, sĩ diện hoặc vì tiền.
Để dễ hiểu chúng tôi xin phép bàn đến vấn đề phổ biến nhất và đang được bàn cãi nhiều nhất: TÌM MỘ. Các nhà ngoại cảm bẩm sinh khi tìm mộ có sai số là điều hiển nhiên và tôi xin nhắc lại chắc chắn có với tỷ lệ không phải nhỏ. Đối với các nhà ngoại cảm không bẩm sinh hay nói cách khác là được “ăn lộc” thì sai số lại càng lớn. Không có việc gì là không có sai số. Kể cả khi bạn cầm một ít tiền trong tay bạn đếm đi đếm lại đôi khi vẫn sai. Đằng này các sự kiện không nhìn thấy, không nghe thấy, không sờ thấy, không ngửi thấy... mà chỉ qua cảm nhận thì chúng ta phải chấp nhận sai số . Không nên bác bỏ hết thảy. Ngoài những yếu tố gây sai số như đã đề cập ở trên một số yếu tố khác cũng gây sai số tìm mộ đó là:
- Người nhờ tìm. Người nhờ tìm mà không trực hệ sẽ rất khó tìm bởi trường sinh học của họ với người mất khác nhau do đó nhà ngoại cảm rất khó tiếp cận với trường người mất. Trường của người trực hệ luôn luôn giao tiếp với nhau kể cả khi còn sống hay đã chết. Nhiều ví dụ sinh động về việc nhiều trường hợp cảm được ý nghĩ của nhau hay cảm thấy bất an khi người thân sống cách xa ngàn dặm gặp sự cố nào đó là những bằng chứng không thể bác bỏ.  Những nhà ngoại cám không có khả năng thấu thị sẽ không đi tìm trực tiếp mà chỉ dẫn để người nhà tìm mộ. Những nhà ngoại cảm có khả năng giao tiếp tốt sẽ chỉ đúng mộ người mất thông qua trường của người đi tìm.
- Địa bàn tìm và thời điểm tìm. Vị trí khác nhau có độ mạnh yếu của địa trường, trường vũ trụ, trường người chết phát ra và tác động khác nhau trong các thời khắc khác nhau. Trong môi trường như vậy năng lực giao tiếp của Nhà ngoại cảm với trường năng lượng của người chết cũng khác nhau: Lúc tỏ lúc mờ hoặc thậm chí không thể cảm nhận được tùy thuộc vào năng lực của từng nhà ngoại cảm. Do đó có hiện tượng Nhà ngoại cảm tìm mộ rất chính xác ở địa phương này nhưng lại không chính xác ở địa phương khác ở một thời điểm xác định nào đó trong ngày, trong năm...
- Tác nhân ngoại cảnh. Thắp hương, cúng, tụng kinh... là những tác nhân ngoại cảnh góp phần làm tăng độ tự tin, tập trung của Nhà ngoại cảm khi tìm các trường năng lượng để giao tiếp.

Tóm lại trong thực tiễn xã hội loài người thực sự tồn tại một bộ phận cá thể có khả năng giao tiếp với các dạng năng lượng khác mà chúng ta chưa biết với kiến thức khoa học hiện tại. Rất tiếc trong thời buổi nhiễu nhương này có một bộ phận không nhỏ chuyên sống bằng nghề lừa đảo đã làm hoen ố một lĩnh vực khoa học mới được hình thành. Chúng ta phải mạnh tay sử dụng biện pháp hành chính với những loại người đó. Tuy nhiên không vì một bộ phận lừa đảo đó mà lên án, bác bỏ làm phương hại đến sự phát triển của ngành khoa học mới này. Các Nhà ngoại cảm cũng cố gắng loại bỏ được cái TÔI không THAM, SÂN, SI trong công việc của mình thì chắc chắn các bạn sẽ được xã hội thừa nhận và tôn trọng. Nhân đây tôi cũng kêu gọi các bạn đồng nghiệp đang được xã hội trao cho quyền định hướng dư luận không vì cá nhân hay sự hiểu biết chưa tới mà chà đạp một ngành khoa học mới . Đó là khoa học TÂM LINH. Luật NHÂN QUẢ luôn ứng nghiệm trong mọi ngóc ngách cuộc đời. Đời có VAY thì phải có TRẢ . Đó là qui luật bất biến. Hãy nhớ lấy.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

ĐÔI ĐIỀU BÀN VỀ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI VIỆT NAM


Khoảng vài mươi năm lại đây một vấn đề nóng bỏng của xã hội đã được đặt ra đó là sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức xã hội. Sự tha hóa xảy ra không chỉ ở Thanh niên, học sinh mà ở tất cả mọi giai tầng xã hội. Sự tha hóa ngày càng trầm trọng xảy ra mọi lúc mọi nơi và nguy hiểm ở chỗ cái xấu ngày càng trở nên phổ biến và cái tốt ngày càng bị lấn át. Rất nhiều chủ trương chính sách đã được đưa ra thực thi , tuy nhiên tình hình ngày càng trở nên hỗn loạn khó kiểm soát. Gần đây ngành giáo dục đã thực hiện nhiều cải cách như cải cách sách giáo khoa, chữ viết; Phong trào nói không với bệnh thành tích; Thày ra thày, trò ra trò ... Ngành y với chủ trương nói không với phong bì; Học tập làm theo lời Bác “ Lương y như từ mẫu”... và ... rất nhiều ngành khác nữa vv và vv. Chắc chẳng ai quên chúng ta đã tốn bao giấy mực để bàn một câu khẩu hiệu “Tiên học lẽ, hậu học văn”. Thế nhưng kết quả thế nào hẳn ai ai cũng biết. Tại sao như vậy? Mấu chốt vấn đề nằm ở đâu? là những câu hỏi cần được giải đáp thấu đáo.
Thời Phong kiến  nền tảng của đạo đức xã hội dựa trên các chuẩn mực “ Tam tòng, tứ đức” và “ Tam cương, Ngũ thường”. Trước đây thời phong kiến người phụ nữ phải tuân theo tam tòng, tứ đức nhưng ngày nay theo tái định nghĩa thì cả đàn ông và đàn bà đều phải tuân theo các chuẩn mực ấy. Có như vậy xã hội mới có tôn ti trật tự và quốc gia mới vững bền.
Theo chuẩn mực cũ tam cương là ba mối quan hệ: Quân Thần (vua tôi), Phụ Tử (cha con), Phu Phụ (vợ chồng):
1. Quân thần
         Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.
Nghĩa là: dù vua có bảo thần chết đi nữa thì thần cũng phải tuân lệnh, nếu ko tuân lệnh thì xem như không trung với vua.
2. Phụ tử 

 Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu.
Nghĩa là: cha bảo con chết, con không chết thì con không có hiếu.
3. Phu phụ:
        Phu xướng phụ tùy.
Nghĩa là: chồng nói ra, vợ phải theo. 
Ngũ thường là năm điều con người phải có khi sống ở đời bao gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín:
1. Nhân
 Lòng yêu thương đối với vạn vật.
2. Nghĩa
 Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải.
3. Lễ
 Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người.
4. Trí
 Sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai.
5. Tín
 Phải giữ đúng lời hứa.
Vài thập kỷ gần đây, cùng với những tiến bộ trong xã hội và nhất là quản lý xã hội bị buông lỏng thì hình như những chuẩn mực xã hội này càng bị xem nhẹ đi. Thời chiến tranh gian khổ là thế mà mọi người vẫn còn coi "tam tòng, tứ đức " hay "tam cương, ngũ thường" là chuẩn mực để sống. Con người khi ấy luôn vì nhau và lấy tổ quốc là trên hết. Nhờ có điều đó mà chúng ta mới hoàn thành được cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Khi chúng ta mở cửa đã không lường hết được mặt trái của kinh tế thị trường để ban hành các văn bản pháp qui nhằm hạn chế và loại bỏ chúng ( đây là lỗi của chúng ta bởi thế giới đã đúc rút nhiều kinh nghiệm sống quí báu ). Chúng ta đã để mặt trái của kinh tế thị trường thắng thế và chuẩn mực xã hội suy thoái: Con người coi đồng tiền là lẽ sống và bằng mọi cách phải giành giật lấy do đó đã để cho tư tưởng quái thai lên ngôi cho những chuẩn mực của cha ông ta là cổ hủ, lạc hậu và hơn nữa còn bị đả phá dữ dội. Mối quan hệ “tiền bạc – quyền lực” đang xâm chiếm và chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Người có tiền thì mong muốn có quyền. Ngược lại, người có quyền thì bằng mọi giá tìm kiếm nhiều tiền. Người có tiền và có quyền thì được người khác ngưỡng mộ, tâng bốc, cung phụng, nịnh bợ… Để kiếm được chút lợi lộc họ bất chấp cả lòng tự trọng và không còn biết gì đến LIÊM-SỈ. Trước đây, chỉ những người lâm vào cảnh cùng cực không làm gì được để mưu sinh mới phải đi ăn xin. Bây giờ người ta lợi dụng lòng thương, lòng nhân để lừa đảo từ đồng tiền, bát gạo đến sự tha thứ cho những điều Trời Đất chẳng dung. Thử hỏi xã hội liệu có thể tồn tại và phát triển khi lòng tin bị xói mòn, cái tốt sợ cái xấu?. Chẳng lẽ những gì Ông Cha chúng ta ta đã cố công xây dựng bằng cả máu và nước mắt trải qua cả ngàn năm nay mà không đúng hay sao? Chẳng lẽ muôn đời người trước ấu trĩ đến vậy sao hay do cách nhìn của chúng ta ngày nay quá phiến diện, ấu trĩ, duy ý trí?...
Để hiểu thêm các chuẩn mực cũ theo quan điểm và cách nhìn mới, chúng tôi xin mạo muội đưa ra một số quan điểm cá nhân cùng quan điểm của một số tác giả khác đã được sưu tầm để chúng ta cùng nhau đánh giá và tìm cách áp dụng vào đời sống xã hội hiện tại. Với thời đại hiện nay, không còn ở chế độ quân chủ mà tổ quốc là của toàn dân, chữ "Quân" ở đây phải được hiểu gần với chữ "Quốc". Dĩ nhiên "Quốc" sẽ không thể nói " Ngươi chết đi" như Vua Chúa ngày xưa . Nhưng lúc nào đó khi Tổ quốc lâm nguy và yêu cầu " lấy thân mình lấp lỗ châu mai" hay " lấy thân chèn pháo" chắc chắn ai ai cũng sẵn sàng tuân theo.
Gia đình là một tế bào của xã hội nên cũng cần một qui chế hoạt động và người đứng đầu như một quốc gia vậy. Trong mọi sinh hoạt gia đình hằng ngày luôn có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên phải có ý kiến quyết định cuối cùng và thống nhất sau khi bàn bạc có thể hơi quân phiệt nhưng luôn cần thiết.
Ngũ thường là 5 chuẩn mực bất biến, bắt buộc phải có đối với mỗi con người. Đây là tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức và công tội của mỗi con người trong xã hội, là bản chất để phân biệt phần NGƯỜI trong mỗi chúng ta. Trong tương quan cá nhân chữ tín đã tạo được sự yêu kính, tin tưởng thì trong đời sống xã hội, chính trị chữ tín càng cần thiết. Cai trị một nước khi làm một việc, bất luận là việc gì không dám khinh xuất là “kính sự”. Đã kính sự nhưng nếu khi phát xuất hiệu lệnh có điều gì thất tín với dân thì dân không tin phục. Mà dân đã không tin dầu còn sống thì cũng như chết. Việc tín vì vậy không bao giờ bỏ được. Còn tín tất còn dân ; Còn dân thì còn mong có ngày khôi phục lại. Người xưa đã nói : Ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với đất và với mình không thẹn với lương tâm đó chính là tư cách làm người hoàn hảo. Các bậc thánh nhân dù là ai, ở nơi đâu đều là những người hằng ngày cố gắng để đạt tới điều ấy. 
Ngày nay Tam tòng bị đấu tố nhiều nhất. Quy định tam tòng xưa kia vì mục đích phục vụ các chuẩn mực của nhà nước phong kiến đã coi người phụ nữ khi xuất giá lấy chồng thì hoàn cảnh tốt hay xấu thế nào cũng đã trở thành người nhà chồng, chứ không được nương nhờ ai nữa. Tam tòng là ba điều phải theo: 
1. Tại gia tòng phụ : Người phụ nữ khi còn ở nhà phải nghe theo cha.
2. Xuất giá tòng phu: Lấy chồng phải theo chồng.
3. Phu tử tòng tử : Chồng qua đời phải theo con trai.
Với người phụ nữ, tứ đức gồm công, dung, ngôn, hạnh:
1. Công: Nữ công, gia chánh phải khéo léo. Các nghề với phụ nữ ngày xưa chủ yếu chỉ là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán; Với người phụ nữ giỏi và con nhà quan lại thì có thêm cầm, kỳ, thi, họa.
2. Dung: Dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân.
3. Ngôn: Lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng.
4. Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt.
Quan niệm thời nay về Tam tòng, tứ đức theo chúng tôi cũng không hoàn toàn tách rời tam tòng tứ đức thời phong kiến. Vấn đề hiểu thế nào, áp dụng vào đời sống xã hội những ý nào, chuẩn mực nào lại phụ thuộc vào định hướng xã hội được thể hiện ở các văn bản dưới luật hay nói cụ thể là phụ thuộc vào thể chế chính trị.
Từ ngàn xưa, vai trò người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội luôn là đề tài được đem ra bàn cãi. Trải qua nhiều thế hệ, qua nhiều biến đổi về chính trị, văn hoá, tôn giáo,v.v..."phái yếu" đã dần dần chiếm được vị trí quan trọng trong một xã hội văn minh hiện đại. Sự hiểu biết và quyền bình đẳng đã phần nào giải phóng phụ nữ khỏi những bất công, áp bức. Cũng theo đó, quan niệm “tam tòng, tứ đức” đã đươc tái định nghĩa. Tuy nhiên, vai trò làm mẹ, làm vợ vẫn mãi là nét đẹp trong văn chương cũng như trong nền tảng đạo đức phương Đông. 
  Theo Khổng Tử, một xã hội được coi là hoàn thiện, nhất thiết phải có được nề nếp trật tự trong gia đình; con biết vâng lời cha mẹ, vợ chồng đối xử tình nghĩa với nhau, nhỏ biết kính già, và già thì tôn trọng người nhỏ tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số người vì hiểu lầm đức tính "đại trượng phu" để từ đó dẫn đến sự không tôn trọng phái nữ, bức hiếp vợ mình, gây ra cảnh "chồng chúa vợ tôi" và chà đạp nhân quyền phụ nữ. Chính vì vậy, quý bà đã không còn tin tưởng vào nếp sống "tam tòng" theo kiểu cổ xưa nữa. 
Ngày nay phụ nữ có điều kiện mở mang tri thức, tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động xã hội và chính trị. Các bà cũng giữ các chức vụ lãnh đạo, có khả năng cùng chồng xây dựng gia đình và dạy dỗ con cái. Đôi khi do hoàn cảnh sống người phụ nữ dễ dàng tìm đươc việc làm hơn so với nam giới, nhiều bà đã trở thành trụ cột của gia đình và nhiều quí ông đã sẵn sàng chia sẻ gánh nặng của vợ bằng công việc nội trợ. Vì lẽ đó, đã có trường hợp phụ nữ lạm dụng quyền bình đẳng để ép buộc chồng, coi thường chồng, thậm chí coi thường thiên chức làm vợ, làm mẹ, căn nguyên của lối sống buông thả, không luân lý. Quý ông, do vậy, đã phần nào e ngại, cho rằng quyền bình đẳng của phụ nữ đã đi quá xa.
Vấn đề cần thiết đang được dặt ra là Tam tòng ngày nay nên được tái định nghĩa như thế nào? 
Sự giáo dục của nhà trường là một trong những yếu tố quan trọng rèn luyện tính tự tin, tự lập cho cả nam lẫn nữ học sinh. Thời gian ở học đường đã chia bớt thời gian con cái gần gũi cha mẹ để chịu sự răn dạy. Vì thế, "tại gia tòng phụ" nên được nhìn từ hai góc cạnh khác nhau. Từ phiá cha mẹ, quí vị nên có sự cởi mở, nói chuyện và khuyên nhủ con cái một cách nhẹ nhàng và có lý lẽ. Lớn tiếng, răn đe, và roi vọt không còn có tác dụng cao, nếu không muốn nói là nguy hiểm vì quí vị có thể bị phiền phức với pháp luật. Từ phiá con cái, các em nên nghe theo lời cha mẹ trên tinh thần xây dựng và có suy nghĩ. Các em có thể tranh luận và bảo vệ ý kiến của mình nếu giữ được bình tĩnh và sự tôn trọng. Nói tóm lại, "tại gia tòng phụ" trong thời hiện đại chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi. 
"Xuất giá tòng phu" có lẽ là đề tài mà các bà muốn đề cập đến nhiều nhất. Thời đại văn minh không cho phép đàn ông năm thê bảy thiếp. Người phụ nữ lại có quyền tự do lựa chọn ý trung nhân. "Theo chồng" không còn là chuyện do cha mẹ xếp đặt hay gượng ép, mà là một việc tự nguyện. Và khi đã tự chọn cho mình một người bạn đồng hành, thì không riêng gì phái nữ, mà cả phái nam cũng nên đặt hết tâm trí mình vào đoạn đường chung của hai người. Như vậy, hình ảnh đi theo người mình yêu mới thật sự là một hình ảnh đẹp. Bằng chứng là đã có rất nhiều phụ nữ một đời tận tụy hy sinh nuôi chồng, lặng lẽ giúp chồng đạt được ý nguyện hay hoài bão lớn. Tuy nhiên, theo chồng không có nghĩa là lệ thuộc chồng như một cái bóng, và đồng hành không có nghĩa là sự "kết hợp kinh tế" giữa một nam và một nữ. Người vợ vẫn nên có tiếng nói, vẫn nên là một sự hỗ trợ hơn là một vật trang trí thuộc quyền sở hữu của đấng phu quân. 
Thoạt nghe, nhiều người sẽ dễ dàng nghĩ rằng "phu tử tòng tử" là chuyện hoang đường trong một xã hội hiện đại. Thật ra, chỉ cần nghĩ rộng thêm một chút thì đây lại là một quan niệm sống đáng được đề cao. Hai chữ "tòng tử" không nhất thiết phải được hiểu là "nghe theo lời người con trai," mà có thể được hiểu theo một hướng khác. Theo con, chăm sóc, lo lắng, và đùm bọc cho con là thiên chức của người làm mẹ. Một khi người phụ nữ quyết định bước lên ngôi vị người mẹ thì thiên chức ấy đã gắn liền với cuộc đời người phụ nữ, từ khi người con còn trong lòng mẹ, đến khi ra đời, lớn khôn, trưởng thành, thì nỗi lo toan của người mẹ mới may ra bớt đi được phần nào. Sự ưu tư của các bà mẹ lại càng lớn hơn nữa khi thiếu vắng vai trò người cha trong gia đình. Có thể là người chồng đã chết (theo đúng như hai chữ "phu tử"), hoặc cũng có thể là đã ly dị, hay xa hơn, chưa bao giờ có vai trò người chồng trong cuộc sống của một số phụ nữ. Trong những hoàn cảnh này, người mẹ phải gánh vác thêm vai trò người cha, để bảo đảm một cuộc sống đầy đủ tình thương lẫn vật chất cho người con. Như vậy thì phải chăng việc "tòng tử" đã trở nên tối cần thiết sau khi "phu tử"? 
Tái định nghĩa tam tòng của Đức Khổng Tử không nhằm mục đích bác bỏ triết lý sống này. Trái lại, nhằm bác bỏ những sự ngộ nhận và lạm dụng của hai chữ tam tòng trong suốt nhiều thế kỷ qua. "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" theo bất kỳ định nghĩa nào, thời đại nào, hay văn hóa nào đều quy về một điểm chính, đó là đạo làm con, làm vợ, và làm mẹ của người phụ nữ Á Đông. 
Về tứ đức thì người phụ nữ ở bất kể xã hội nào, chế độ chính trị nào cũng cần phải có. Nếu người phụ nữ không giữ được tính nết hoà nhã, đoan trang mà luôn lăng loàn, hay cãi láo, bướng bỉnh, ác độc, ích kỷ thì chúng ta sẽ đánh giá người phụ nữ ấy thế nào?
Tứ Đức thực sự là tiêu chuẩn để định giá trị của phụ nữ. Ai ai trong giới phụ nữ cũng đều có Tứ Đức, nhưng có điều tùy vào mỗi con người cụ thể nó được thể hiện ở mức độ nhiều ít, đầy đủ hay thiếu sót mà thôi.
Cho dù ngày nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã giải phóng người phụ nữ khỏi nhiều công việc gia đình, xã hội cũng không hề ảnh hưởng đến tứ đức của người phụ nữ.
 Tứ Đức là bốn điều hết sức cần thiết, đến độ nó mặc nhiên được xem là đức tính tự nhiên sẵn có của phụ nữ. Nhờ Tứ Đức mà giá trị của phụ nữ được nâng cao. Không cần phải giàu sang quyền quí hay học hành nhiều mới có đủ Tứ Đức. Người nghèo khó, dốt nát, quê mùa cũng vẫn có Tứ Đức. Chính Tứ Đức mới định giá trị thực sự của phụ nữ. Giá trị này không phải có do phấn son, nước hoa hay quần áo đắt tiền đúng kiểu thời trang do đó Ồng cha ta thường nói “ tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là thế.
Như vậy tam cương, ngũ thường và tam tòng , tứ đức chính là nền tảng của đạo đức, là kết cấu vững bền của gia đình và xã hội. Chỉ có những kẻ giáo điều không biện chứng mới đả phá và từ bỏ nó. Thật tiếc đây lại là sự thật đã xảy ra trong cuộc cách mạng văn hóa của nước ta mấy chục năm qua. Khi đạo đức xã hội suy giảm thì phần “con” trong mỗi con người sẽ thắng thế. Khi đó người ta sẽ bất chấp tất cả, đạp lên tất cả để giành quyền lợi cho bản thân.
Để góp phần vực lại đạo đức xã hôi có hiệu quả, theo ý kiến cá nhân, tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:
1.     Hiến định việc xây dựng xã hội Việt nam dựa trên các chuẩn mực xã hội TAM CƯƠNG - NGŨ THƯỜNG, TAM TÒNG – TỨ ĐỨC.
2.     Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, nội qui qui chế, hương ước... dựa trên các chuẩn mực TAM CƯƠNG - NGŨ THƯỜNG, TAM TÒNG – TỨ ĐỨC và trên cơ sở tham khảo bộ luật của các nước tiên tiến như Pháp, Đức, Anh, Mỹ...
3.     Chắt lọc những điều tinh túy nhất của các chuẩn mực TAM CƯƠNG - NGŨ THƯỜNG, TAM TÒNG – TỨ ĐỨC đưa vào nội dung các môn học của sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học.

4.     Ban hành đạo luật riêng về việc giám sát và xử phạt việc thực thi pháp luật  và thực hiện tốt, đúng thực chất Tam quyền phân lập ở Việt nam. Mục đích là làm sao để mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật. Một đất nước cho dù có bộ luật hoàn chỉnh nhất mà không được thực thi bình đẳng thì còn tệ hại gấp ngàn lần đất nước vô chính phủ.