Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

ĐÔI ĐIỀU BÀN VỀ ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI VIỆT NAM


Khoảng vài mươi năm lại đây một vấn đề nóng bỏng của xã hội đã được đặt ra đó là sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức xã hội. Sự tha hóa xảy ra không chỉ ở Thanh niên, học sinh mà ở tất cả mọi giai tầng xã hội. Sự tha hóa ngày càng trầm trọng xảy ra mọi lúc mọi nơi và nguy hiểm ở chỗ cái xấu ngày càng trở nên phổ biến và cái tốt ngày càng bị lấn át. Rất nhiều chủ trương chính sách đã được đưa ra thực thi , tuy nhiên tình hình ngày càng trở nên hỗn loạn khó kiểm soát. Gần đây ngành giáo dục đã thực hiện nhiều cải cách như cải cách sách giáo khoa, chữ viết; Phong trào nói không với bệnh thành tích; Thày ra thày, trò ra trò ... Ngành y với chủ trương nói không với phong bì; Học tập làm theo lời Bác “ Lương y như từ mẫu”... và ... rất nhiều ngành khác nữa vv và vv. Chắc chẳng ai quên chúng ta đã tốn bao giấy mực để bàn một câu khẩu hiệu “Tiên học lẽ, hậu học văn”. Thế nhưng kết quả thế nào hẳn ai ai cũng biết. Tại sao như vậy? Mấu chốt vấn đề nằm ở đâu? là những câu hỏi cần được giải đáp thấu đáo.
Thời Phong kiến  nền tảng của đạo đức xã hội dựa trên các chuẩn mực “ Tam tòng, tứ đức” và “ Tam cương, Ngũ thường”. Trước đây thời phong kiến người phụ nữ phải tuân theo tam tòng, tứ đức nhưng ngày nay theo tái định nghĩa thì cả đàn ông và đàn bà đều phải tuân theo các chuẩn mực ấy. Có như vậy xã hội mới có tôn ti trật tự và quốc gia mới vững bền.
Theo chuẩn mực cũ tam cương là ba mối quan hệ: Quân Thần (vua tôi), Phụ Tử (cha con), Phu Phụ (vợ chồng):
1. Quân thần
         Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.
Nghĩa là: dù vua có bảo thần chết đi nữa thì thần cũng phải tuân lệnh, nếu ko tuân lệnh thì xem như không trung với vua.
2. Phụ tử 

 Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu.
Nghĩa là: cha bảo con chết, con không chết thì con không có hiếu.
3. Phu phụ:
        Phu xướng phụ tùy.
Nghĩa là: chồng nói ra, vợ phải theo. 
Ngũ thường là năm điều con người phải có khi sống ở đời bao gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín:
1. Nhân
 Lòng yêu thương đối với vạn vật.
2. Nghĩa
 Cư xử với mọi người công bình theo lẽ phải.
3. Lễ
 Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người.
4. Trí
 Sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai.
5. Tín
 Phải giữ đúng lời hứa.
Vài thập kỷ gần đây, cùng với những tiến bộ trong xã hội và nhất là quản lý xã hội bị buông lỏng thì hình như những chuẩn mực xã hội này càng bị xem nhẹ đi. Thời chiến tranh gian khổ là thế mà mọi người vẫn còn coi "tam tòng, tứ đức " hay "tam cương, ngũ thường" là chuẩn mực để sống. Con người khi ấy luôn vì nhau và lấy tổ quốc là trên hết. Nhờ có điều đó mà chúng ta mới hoàn thành được cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Khi chúng ta mở cửa đã không lường hết được mặt trái của kinh tế thị trường để ban hành các văn bản pháp qui nhằm hạn chế và loại bỏ chúng ( đây là lỗi của chúng ta bởi thế giới đã đúc rút nhiều kinh nghiệm sống quí báu ). Chúng ta đã để mặt trái của kinh tế thị trường thắng thế và chuẩn mực xã hội suy thoái: Con người coi đồng tiền là lẽ sống và bằng mọi cách phải giành giật lấy do đó đã để cho tư tưởng quái thai lên ngôi cho những chuẩn mực của cha ông ta là cổ hủ, lạc hậu và hơn nữa còn bị đả phá dữ dội. Mối quan hệ “tiền bạc – quyền lực” đang xâm chiếm và chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Người có tiền thì mong muốn có quyền. Ngược lại, người có quyền thì bằng mọi giá tìm kiếm nhiều tiền. Người có tiền và có quyền thì được người khác ngưỡng mộ, tâng bốc, cung phụng, nịnh bợ… Để kiếm được chút lợi lộc họ bất chấp cả lòng tự trọng và không còn biết gì đến LIÊM-SỈ. Trước đây, chỉ những người lâm vào cảnh cùng cực không làm gì được để mưu sinh mới phải đi ăn xin. Bây giờ người ta lợi dụng lòng thương, lòng nhân để lừa đảo từ đồng tiền, bát gạo đến sự tha thứ cho những điều Trời Đất chẳng dung. Thử hỏi xã hội liệu có thể tồn tại và phát triển khi lòng tin bị xói mòn, cái tốt sợ cái xấu?. Chẳng lẽ những gì Ông Cha chúng ta ta đã cố công xây dựng bằng cả máu và nước mắt trải qua cả ngàn năm nay mà không đúng hay sao? Chẳng lẽ muôn đời người trước ấu trĩ đến vậy sao hay do cách nhìn của chúng ta ngày nay quá phiến diện, ấu trĩ, duy ý trí?...
Để hiểu thêm các chuẩn mực cũ theo quan điểm và cách nhìn mới, chúng tôi xin mạo muội đưa ra một số quan điểm cá nhân cùng quan điểm của một số tác giả khác đã được sưu tầm để chúng ta cùng nhau đánh giá và tìm cách áp dụng vào đời sống xã hội hiện tại. Với thời đại hiện nay, không còn ở chế độ quân chủ mà tổ quốc là của toàn dân, chữ "Quân" ở đây phải được hiểu gần với chữ "Quốc". Dĩ nhiên "Quốc" sẽ không thể nói " Ngươi chết đi" như Vua Chúa ngày xưa . Nhưng lúc nào đó khi Tổ quốc lâm nguy và yêu cầu " lấy thân mình lấp lỗ châu mai" hay " lấy thân chèn pháo" chắc chắn ai ai cũng sẵn sàng tuân theo.
Gia đình là một tế bào của xã hội nên cũng cần một qui chế hoạt động và người đứng đầu như một quốc gia vậy. Trong mọi sinh hoạt gia đình hằng ngày luôn có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên phải có ý kiến quyết định cuối cùng và thống nhất sau khi bàn bạc có thể hơi quân phiệt nhưng luôn cần thiết.
Ngũ thường là 5 chuẩn mực bất biến, bắt buộc phải có đối với mỗi con người. Đây là tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức và công tội của mỗi con người trong xã hội, là bản chất để phân biệt phần NGƯỜI trong mỗi chúng ta. Trong tương quan cá nhân chữ tín đã tạo được sự yêu kính, tin tưởng thì trong đời sống xã hội, chính trị chữ tín càng cần thiết. Cai trị một nước khi làm một việc, bất luận là việc gì không dám khinh xuất là “kính sự”. Đã kính sự nhưng nếu khi phát xuất hiệu lệnh có điều gì thất tín với dân thì dân không tin phục. Mà dân đã không tin dầu còn sống thì cũng như chết. Việc tín vì vậy không bao giờ bỏ được. Còn tín tất còn dân ; Còn dân thì còn mong có ngày khôi phục lại. Người xưa đã nói : Ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với đất và với mình không thẹn với lương tâm đó chính là tư cách làm người hoàn hảo. Các bậc thánh nhân dù là ai, ở nơi đâu đều là những người hằng ngày cố gắng để đạt tới điều ấy. 
Ngày nay Tam tòng bị đấu tố nhiều nhất. Quy định tam tòng xưa kia vì mục đích phục vụ các chuẩn mực của nhà nước phong kiến đã coi người phụ nữ khi xuất giá lấy chồng thì hoàn cảnh tốt hay xấu thế nào cũng đã trở thành người nhà chồng, chứ không được nương nhờ ai nữa. Tam tòng là ba điều phải theo: 
1. Tại gia tòng phụ : Người phụ nữ khi còn ở nhà phải nghe theo cha.
2. Xuất giá tòng phu: Lấy chồng phải theo chồng.
3. Phu tử tòng tử : Chồng qua đời phải theo con trai.
Với người phụ nữ, tứ đức gồm công, dung, ngôn, hạnh:
1. Công: Nữ công, gia chánh phải khéo léo. Các nghề với phụ nữ ngày xưa chủ yếu chỉ là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán; Với người phụ nữ giỏi và con nhà quan lại thì có thêm cầm, kỳ, thi, họa.
2. Dung: Dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân.
3. Ngôn: Lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng.
4. Hạnh: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt.
Quan niệm thời nay về Tam tòng, tứ đức theo chúng tôi cũng không hoàn toàn tách rời tam tòng tứ đức thời phong kiến. Vấn đề hiểu thế nào, áp dụng vào đời sống xã hội những ý nào, chuẩn mực nào lại phụ thuộc vào định hướng xã hội được thể hiện ở các văn bản dưới luật hay nói cụ thể là phụ thuộc vào thể chế chính trị.
Từ ngàn xưa, vai trò người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội luôn là đề tài được đem ra bàn cãi. Trải qua nhiều thế hệ, qua nhiều biến đổi về chính trị, văn hoá, tôn giáo,v.v..."phái yếu" đã dần dần chiếm được vị trí quan trọng trong một xã hội văn minh hiện đại. Sự hiểu biết và quyền bình đẳng đã phần nào giải phóng phụ nữ khỏi những bất công, áp bức. Cũng theo đó, quan niệm “tam tòng, tứ đức” đã đươc tái định nghĩa. Tuy nhiên, vai trò làm mẹ, làm vợ vẫn mãi là nét đẹp trong văn chương cũng như trong nền tảng đạo đức phương Đông. 
  Theo Khổng Tử, một xã hội được coi là hoàn thiện, nhất thiết phải có được nề nếp trật tự trong gia đình; con biết vâng lời cha mẹ, vợ chồng đối xử tình nghĩa với nhau, nhỏ biết kính già, và già thì tôn trọng người nhỏ tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số người vì hiểu lầm đức tính "đại trượng phu" để từ đó dẫn đến sự không tôn trọng phái nữ, bức hiếp vợ mình, gây ra cảnh "chồng chúa vợ tôi" và chà đạp nhân quyền phụ nữ. Chính vì vậy, quý bà đã không còn tin tưởng vào nếp sống "tam tòng" theo kiểu cổ xưa nữa. 
Ngày nay phụ nữ có điều kiện mở mang tri thức, tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động xã hội và chính trị. Các bà cũng giữ các chức vụ lãnh đạo, có khả năng cùng chồng xây dựng gia đình và dạy dỗ con cái. Đôi khi do hoàn cảnh sống người phụ nữ dễ dàng tìm đươc việc làm hơn so với nam giới, nhiều bà đã trở thành trụ cột của gia đình và nhiều quí ông đã sẵn sàng chia sẻ gánh nặng của vợ bằng công việc nội trợ. Vì lẽ đó, đã có trường hợp phụ nữ lạm dụng quyền bình đẳng để ép buộc chồng, coi thường chồng, thậm chí coi thường thiên chức làm vợ, làm mẹ, căn nguyên của lối sống buông thả, không luân lý. Quý ông, do vậy, đã phần nào e ngại, cho rằng quyền bình đẳng của phụ nữ đã đi quá xa.
Vấn đề cần thiết đang được dặt ra là Tam tòng ngày nay nên được tái định nghĩa như thế nào? 
Sự giáo dục của nhà trường là một trong những yếu tố quan trọng rèn luyện tính tự tin, tự lập cho cả nam lẫn nữ học sinh. Thời gian ở học đường đã chia bớt thời gian con cái gần gũi cha mẹ để chịu sự răn dạy. Vì thế, "tại gia tòng phụ" nên được nhìn từ hai góc cạnh khác nhau. Từ phiá cha mẹ, quí vị nên có sự cởi mở, nói chuyện và khuyên nhủ con cái một cách nhẹ nhàng và có lý lẽ. Lớn tiếng, răn đe, và roi vọt không còn có tác dụng cao, nếu không muốn nói là nguy hiểm vì quí vị có thể bị phiền phức với pháp luật. Từ phiá con cái, các em nên nghe theo lời cha mẹ trên tinh thần xây dựng và có suy nghĩ. Các em có thể tranh luận và bảo vệ ý kiến của mình nếu giữ được bình tĩnh và sự tôn trọng. Nói tóm lại, "tại gia tòng phụ" trong thời hiện đại chỉ có ý nghĩa tương đối mà thôi. 
"Xuất giá tòng phu" có lẽ là đề tài mà các bà muốn đề cập đến nhiều nhất. Thời đại văn minh không cho phép đàn ông năm thê bảy thiếp. Người phụ nữ lại có quyền tự do lựa chọn ý trung nhân. "Theo chồng" không còn là chuyện do cha mẹ xếp đặt hay gượng ép, mà là một việc tự nguyện. Và khi đã tự chọn cho mình một người bạn đồng hành, thì không riêng gì phái nữ, mà cả phái nam cũng nên đặt hết tâm trí mình vào đoạn đường chung của hai người. Như vậy, hình ảnh đi theo người mình yêu mới thật sự là một hình ảnh đẹp. Bằng chứng là đã có rất nhiều phụ nữ một đời tận tụy hy sinh nuôi chồng, lặng lẽ giúp chồng đạt được ý nguyện hay hoài bão lớn. Tuy nhiên, theo chồng không có nghĩa là lệ thuộc chồng như một cái bóng, và đồng hành không có nghĩa là sự "kết hợp kinh tế" giữa một nam và một nữ. Người vợ vẫn nên có tiếng nói, vẫn nên là một sự hỗ trợ hơn là một vật trang trí thuộc quyền sở hữu của đấng phu quân. 
Thoạt nghe, nhiều người sẽ dễ dàng nghĩ rằng "phu tử tòng tử" là chuyện hoang đường trong một xã hội hiện đại. Thật ra, chỉ cần nghĩ rộng thêm một chút thì đây lại là một quan niệm sống đáng được đề cao. Hai chữ "tòng tử" không nhất thiết phải được hiểu là "nghe theo lời người con trai," mà có thể được hiểu theo một hướng khác. Theo con, chăm sóc, lo lắng, và đùm bọc cho con là thiên chức của người làm mẹ. Một khi người phụ nữ quyết định bước lên ngôi vị người mẹ thì thiên chức ấy đã gắn liền với cuộc đời người phụ nữ, từ khi người con còn trong lòng mẹ, đến khi ra đời, lớn khôn, trưởng thành, thì nỗi lo toan của người mẹ mới may ra bớt đi được phần nào. Sự ưu tư của các bà mẹ lại càng lớn hơn nữa khi thiếu vắng vai trò người cha trong gia đình. Có thể là người chồng đã chết (theo đúng như hai chữ "phu tử"), hoặc cũng có thể là đã ly dị, hay xa hơn, chưa bao giờ có vai trò người chồng trong cuộc sống của một số phụ nữ. Trong những hoàn cảnh này, người mẹ phải gánh vác thêm vai trò người cha, để bảo đảm một cuộc sống đầy đủ tình thương lẫn vật chất cho người con. Như vậy thì phải chăng việc "tòng tử" đã trở nên tối cần thiết sau khi "phu tử"? 
Tái định nghĩa tam tòng của Đức Khổng Tử không nhằm mục đích bác bỏ triết lý sống này. Trái lại, nhằm bác bỏ những sự ngộ nhận và lạm dụng của hai chữ tam tòng trong suốt nhiều thế kỷ qua. "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" theo bất kỳ định nghĩa nào, thời đại nào, hay văn hóa nào đều quy về một điểm chính, đó là đạo làm con, làm vợ, và làm mẹ của người phụ nữ Á Đông. 
Về tứ đức thì người phụ nữ ở bất kể xã hội nào, chế độ chính trị nào cũng cần phải có. Nếu người phụ nữ không giữ được tính nết hoà nhã, đoan trang mà luôn lăng loàn, hay cãi láo, bướng bỉnh, ác độc, ích kỷ thì chúng ta sẽ đánh giá người phụ nữ ấy thế nào?
Tứ Đức thực sự là tiêu chuẩn để định giá trị của phụ nữ. Ai ai trong giới phụ nữ cũng đều có Tứ Đức, nhưng có điều tùy vào mỗi con người cụ thể nó được thể hiện ở mức độ nhiều ít, đầy đủ hay thiếu sót mà thôi.
Cho dù ngày nay với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã giải phóng người phụ nữ khỏi nhiều công việc gia đình, xã hội cũng không hề ảnh hưởng đến tứ đức của người phụ nữ.
 Tứ Đức là bốn điều hết sức cần thiết, đến độ nó mặc nhiên được xem là đức tính tự nhiên sẵn có của phụ nữ. Nhờ Tứ Đức mà giá trị của phụ nữ được nâng cao. Không cần phải giàu sang quyền quí hay học hành nhiều mới có đủ Tứ Đức. Người nghèo khó, dốt nát, quê mùa cũng vẫn có Tứ Đức. Chính Tứ Đức mới định giá trị thực sự của phụ nữ. Giá trị này không phải có do phấn son, nước hoa hay quần áo đắt tiền đúng kiểu thời trang do đó Ồng cha ta thường nói “ tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là thế.
Như vậy tam cương, ngũ thường và tam tòng , tứ đức chính là nền tảng của đạo đức, là kết cấu vững bền của gia đình và xã hội. Chỉ có những kẻ giáo điều không biện chứng mới đả phá và từ bỏ nó. Thật tiếc đây lại là sự thật đã xảy ra trong cuộc cách mạng văn hóa của nước ta mấy chục năm qua. Khi đạo đức xã hội suy giảm thì phần “con” trong mỗi con người sẽ thắng thế. Khi đó người ta sẽ bất chấp tất cả, đạp lên tất cả để giành quyền lợi cho bản thân.
Để góp phần vực lại đạo đức xã hôi có hiệu quả, theo ý kiến cá nhân, tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:
1.     Hiến định việc xây dựng xã hội Việt nam dựa trên các chuẩn mực xã hội TAM CƯƠNG - NGŨ THƯỜNG, TAM TÒNG – TỨ ĐỨC.
2.     Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, nội qui qui chế, hương ước... dựa trên các chuẩn mực TAM CƯƠNG - NGŨ THƯỜNG, TAM TÒNG – TỨ ĐỨC và trên cơ sở tham khảo bộ luật của các nước tiên tiến như Pháp, Đức, Anh, Mỹ...
3.     Chắt lọc những điều tinh túy nhất của các chuẩn mực TAM CƯƠNG - NGŨ THƯỜNG, TAM TÒNG – TỨ ĐỨC đưa vào nội dung các môn học của sách giáo khoa phổ thông và giáo trình đại học.

4.     Ban hành đạo luật riêng về việc giám sát và xử phạt việc thực thi pháp luật  và thực hiện tốt, đúng thực chất Tam quyền phân lập ở Việt nam. Mục đích là làm sao để mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật. Một đất nước cho dù có bộ luật hoàn chỉnh nhất mà không được thực thi bình đẳng thì còn tệ hại gấp ngàn lần đất nước vô chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét