Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

MỘT SỐ BÀI THƠ HAY (Sưu tầm)

Người bán rau
Thái Hải

Một mớ hành ta
Một mớ ngò tây
Tập tàng một mớ
Mỗi thứ dăm cây

Rau xanh như chị
Chị như rau gầy

Có người hỏi mua
Chị mừng nín thở
Sợ e khách đùa

Dăm ngàn bạc lẻ
Chợ tan lúc nào
Bước thấp bước cao
Chị về sắm tết.


Tiếng Thu
Lưu Trọng Lư

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức ?

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ ?


Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô ?


Biển
Xuân Diệu

Anh không xứng làm biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê...

Bờ đẹp đẽ cát vàng
-Thoai thoải hàng thông đứng-
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng...

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ,thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Ðã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Ðến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt...

Cũng có khi ào ạt
Như nghiền nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm biển biếc
Ðể hát mãi bên gành
Một tình chung không hết,

Ðể những khi bọt tung trắng xóa
Và gió về bay tỏa nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thỏa,
Bởi yêu bờ lắm lắm em ơì



Thuyền và biển
Xuân Quỳnh

Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển
"Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi 


Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi
Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la 

Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa... vẫn xa


Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ


Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)


Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu


Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ 


Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió"
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố 

TIẾNG KHÓC CỦA NGƯỜI LÍNH TRONG THƠ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

  

1. Khóc vợ

MÀU TÍM HOA SIM
Hữu Loan

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân 
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo

Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa 
Nhớ về ái ngại 
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về 
thì thương 
người vợ chờ 
bé bỏng chiều quê...

Nhưng không chết
người trai khói lửa 
Mà chết 
người gái nhỏ hậu phương

Tôi về 
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối 
Chiếc lọ hoa ngày cưới
thành bình hương 
tàn lạnh vây quanh

Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi 
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói 
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...

Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông 
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí

Chiều hành quân 
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết 
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà 
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết 
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu... 

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm 
Tím tình ơi lệ ứa 
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành 
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn 
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím 
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu 
Áo anh nát chỉ dù lâu...


2. Khóc người yêu

NÚI ĐÔI
Vũ Cao



Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới bữa anh sang.


Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh sao khéo thế
Núi chồng, núi vợ đứng song đôi.


Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau
Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn
Đâu ngờ từ đó mất tin nhau.

Anh vào bộ đội lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình năm lại năm
Mỗi bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục 
Núi Đôi chăng.

Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vùng đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người.

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở
Trung du làng nước vẫn chờ trông
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông.

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại
Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện
Anh ghé thăm nhà thăm núi Đôi.

Mới đến đầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành, chết thủy chung.

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em.

Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng.

Từ núi qua thôn đường nghẽn lối
Xuân Dục Đoài Đông cỏ ngút đầy
Sân biến thành ao nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay,

Cha mẹ dìu nhau về nhận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nứa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuấy dần chuyện xót đau.

Anh nghe có tiếng người qua chợ
Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu.

Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ
Oán thù còn đó anh còn đây
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này?

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.



3. Khóc đồng đội

VIẾNG BẠN
Hoàng Lộc


Hôm qua còn theo anh

Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ

Đứa nào bắn anh đó
Súng nào nhằm trúng anh
Khôn thiêng xin chỉ mặt
Gọi tên nó ra anh!

Tên nó là đế quốc
Tên nó là thực dân
Nó là thằng thổ phỉ
Hay là đứa Việt gian?

Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như thắt
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt.

Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn.
Của đồng bào Cửa Ngăn
Tặng tôi ngày phân tán.

Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung.




4. Khóc bản thân


CÁC ĐỒNG CHÍ CỦA TÔI
Văn Cao 

Người ta các đồng chí của tôi

Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ 
Tôi sẽ dẫy như một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một nữ đồng chí
Một anh hùng của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu lên
Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm 
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một đảng viên
Cho mọi người hiểu khi tôi chết 
Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
dẫy chết
Có mẹ tôi 
Ba lần mang cơm đến nhà tù 
Hãy quay mặt đi 
Cho các đồng chí bắn tôi
Tôi sợ các cụ già không sống được
Bao năm nữa 
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta. 
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em còn nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao giờ 
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn 
Hãy quay mặt đi 
Cho các đồng chí bắn tôi…
Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Đảng Lao động…

NHỚ TẾT MÔNG CỔ


  Bẩy năm học tập xa quê thì có 6 tết được cùng vui tết với bạn bè, thày cô nơi thảo nguyên Mông cổ. Mỗi dân tộc đều có những nét truyền thống riêng làm nên đặc thù của mình. Việt nam và Mông cổ đều coi tết cổ truyền là tết chính do đó cho phép tôi được lan man chuyện tết để chúng ta cùng nhau ôn lại và các bạn mới có thể so sánh tết xưa và nay khi cả hai nước đều chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường.
Hàng năm cứ đến dịp Noel và tết dương lịch là chúng tôi lại chuẩn bị tinh thần vui chơi thỏa thích với bạn bè. Ở Mông cổ thời đó tết dương lịch là tết chung vui của các cơ quan Nhà nước, các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp và các Trường phổ thông. Các cơ quan và các trường thường tổ chức ca nhạc và khiêu vũ. Ai đến cũng được, càng đông càng vui. Tôi là người thiệt thòi nhất trong số lưu học sinh vì tôi phải tham gia văn nghệ của Trường. Khi xong tiết mục của mình thì mới được xuống nhảy. Còn các anh em khác thường chỉ đến dự một lúc sau đó cùng các cô em Mông cổ xinh đẹp kéo nhau đến các trường đại học khác để xem ca nhạc và khiêu vũ. Tôi hay mang theo chai rượu lúa mới. Mấy cậu trong ban nhạc chúng uống “xếch” luôn. Hết chai là chúng bắt đầu xung. Nhạc được đánh tưng bừng. Đứng trong cánh gà tha hồ đùa vui với các em trong đội ca múa. Khi  cậu đánh trống xuống nhảy là tôi lại đánh thay. Do không quen cho nên tôi thường đánh rất to làm cho anh Nhạc trưởng cứ nhăn mặt hoài.
Sinh viên Việt nam nhảy kém cho nên thường rủ nhau đi dạo và đi thăm các trường khác xem họ tổ chức thế nào. Ngoài trời lạnh là thế mà dạo chơi với các bạn cảm thấy ấm áp vô cùng. Năm mới lại quen thêm bạn mới. Cuộc sống cứ thế trôi đi xây đắp nên cuộc đời đầy kỷ niệm của mỗi con người.
Tết dương qua đi, Tết âm lại đến. Thời chúng tôi học như một qui định bất thành văn, cứ tết đến toàn thể lưu học sinh lại đến vui tết cùng Sứ quán. Ai có tài gì thì cứ trổ ra khoe thoải mái. Bởi thế vất vả nhất là các anh lãnh đạo và có tài lẻ. Các anh ấy lo tết suốt cả tuần. Đặc biệt vào ngày 30 tết các anh phải lầm quần quật suốt cả ngày ở Sứ quán để tổ chức từ các món ăn, các trò chơi. trang trí phòng ăn... Tụi long tong như tụi tôi chỉ quen ăn sẵn thì kê bàn ghế. Hồi đó có anh Trần Gia Thịnh quê ở Nam Định là cán bộ cử đi học, là đảng viên kỳ cựu cho nên anh luôn được cử làm lãnh đạo. Đặc biệt anh có nhiều tài lẻ. Anh rất đam mê chụp ảnh. Những người say mê ảnh như tụi tôi luôn được anh sẵn lòng hướng dẫn tỉ mỉ từ cách tráng phim đến kỹ thuật chụp ảnh. Tết nào anh cũng trổ tài nấu các món đặc sản của quê hương Nam Định để thết đãi lưu học sinh. Anh đứng nấu bếp suốt từ trưa 30. Phải công nhận là các món anh nấu đều ngon mang đậm hương vị quê hương. Chúng tôi luôn thầm cám ơn anh vì nhờ có anh mà chúng tôi luôn có được những cái tết gần gũi, đỡ nhớ nhà. Tuy nhiên anh có một yếu điểm chết người là anh không uống được rượu. Chỉ cần một ngụm nhỏ là sau 10 phút anh nằm ngủ mê mệt không biết gì nữa. Tôi nhớ 6 tết anh ở Mông cổ chưa tết nào anh được chung vui hoàn chỉnh với anh em vì cứ chúc nhau xong ly rượu đầu tiên là mọi người phải khiêng anh sang phòng bên để anh ngủ cho “yên tĩnh”. Anh là người rất dễ bị kích động. Biết nhược điểm của mình nhưng anh không thể từ chối được với những lời chúc ngọt như mía đường của mấy cậu đồng hương.
Hàng năm Sứ quán thường tổ chức các cuộc thi như Cờ tướng, Tú lơ khơ. Ăn tối xong là đấu và kết thúc trao giải vào lúc đón giao thừa. Giải thường là các quà tặng ngoại giao của Sứ quán. Giải tuy nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa với mục tiêu Vui là chính. Tuy là vui nhưng các giải đấu cũng căng thẳng ra phết. Nhiều cao thủ máu ăn thua hò hét vỡ cả Sứ quán. Các bàn cờ người xem quây kín nhưng không được nhắc nước. Có ai đó lỡ miệng thì bị ăn chửi đến no bụng. Cuộc vui kéo dài đến sáng. Tuy nhiên sau khi đón giao thừa xong thì tùy nghi di tản. Một số anh em thường về nhà ngay trong đêm vì sáng hôm sau còn đi chúc tết Thày Cô và bạn bè Mông cổ.
Đối với người dân Mông cổ, tết âm lịch là tết gặp mặt, chung vui của gia đình, dòng tộc. Tôi thường được cậu Bold con thày Purevchao mời đến ăn tết cùng gia đình vào trưa mồng một.  Đến chúc tết Thày chẳng cần mang gì vì các Thày biết Việt nam còn đang chiến tranh. Tụi tôi khi đó thường mang biếu Thày chai rượu lúa mới hoặc chai rượu quốc lủi. Các Thày rất thích rượu việt nam. Đem đến bao nhiêu là uống hết bấy nhiêu. Chúc tết xong là Thày trò đều lơ mơ, thổ lộ hết chuyện trên giời dưới biển. Tôi nhớ có năm thày đọc lại cho chúng tôi nghe những bài thơ từ hồi lớp một làm cả nhà phục sái cổ và các cô con gái thày phải móc lì xì ra thưởng. Tôi kể về phong tục tết cổ truyền của Việt nam, về người việt nam chuẩn bị tết ra sao, ngày tết đi lễ chùa và thăm viếng nhau thế nào cho cả nhà nghe. Mọi người rất vui vì thấy tết của các nước Châu á rất giống nhau. Ăn tết nhà Thày tôi mê nhất món bánh nhân thịt cừu. Trời ơi! Chỉ mới ngửi mùi đã thèm rỏ dãi. Tôi không bao giờ quên nhân bánh thịt cừu ngọt lịm thơm lừng mùi hành tỏi do Cô tự làm. Thấy tôi ăn ngon miệng hai cô con gái Thày cứ ép tôi phải ăn thêm làm tôi no muốn vỡ bụng. Giờ đây khi ngồi viết mấy dòng này tôi vẫn chảy nước miếng khi nghĩ đến bánh nhân thịt đặc sản của Mông cổ. Tôi ước ao giá có thể được thì đổi gì tôi cũng đổi để lại được ăn một chiếc bánh nhân thịt cừu nóng hổi thủa nào.
Thày cô năm nào cũng có quà lì xì cho tôi. Năm thì chiếc áo len, năm thì chiếc khăn quàng cổ. Tôi có may mắn được gia đình thày rất quí coi như thành viên trong gia đình. Các cô em gái định thi đi học ở nước nào cũng đều tham khảo ý kiến của tôi. Thực ra tôi khi đó làm gì có thông tin mà góp ý. Ngày tôi về nước cả nhà ra ga tiễn tôi. Thày Cô gửi biếu mẹ tôi 3 loại vải nhiễu hoa để may áo dài. Màu và hoa văn như của quan lại ngày xưa rất đẹp. Tôi nhớ ngày mẹ tôi qua đời, chúng tôi đã xếp cả 3 chiếc áo vào quan tài để mẹ tôi dùng ở thế giới bên kia...
Tình nghĩa là thế mà tôi đã bặt tăm từ bấy đến nay. Thật là bất nghĩa. Mỗi khi tết đến, tôi luôn khắc khoải cảm thấy thiếu điều gì đó vô cùng quan trọng. Nỗi nhớ mong, dày vò ngày càng lớn khi bước sang tuổi xế chiều. Tôi tin rằng chúng ta ai cũng có kỷ niệm nào đó, những mối quan hệ nào đó giống như tôi với những người bạn Mông cổ tuyệt vời. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi mong các bạn trẻ hãy trân trọng những gì mình đã may mắn có được và đừng để mất đi mà phải ân hận suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời.

Tết Nhâm Thìn 2012   

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

BỨC THƯ KHÔNG GỬI

Hà nội, ngày 15 tháng 12 năm 2011

Thưa Thày,
Mấy hôm nay con không sao ngủ được sau khi nhận được mail của Thày Luvsansarav báo tin là đã năm lần bảy lượt điện, nhắn tin nhưng P. Bold không trả lời do đó không có được địa chỉ của Bold cho con. Có lẽ Bold và các em Suvd, Tuya hận con lắm và cho rằng con là một đứa “ăn cháo đá bát” đã mau chóng quên đi những người đã cưu mang và nuôi nấng, giúp đỡ mình trong những năm chiến tranh đầy gian khổ. Có lẽ chúng cho rằng con đã quên hết những kỷ niêm vui buồn của con với gia đình trong suốt 5 năm học tập tại trường. Thưa Thày! Nếu đúng như vậy thì con vô cùng hạnh phúc vì con đã có được tình cảm to lớn, sâu nặng, nghĩa tình trong các em và con đã được các em coi như người trong gia đình. Con cầu xin Thày dù thế nào cũng đừng quở mắng các em mà Thày hãy quở mắng, trách phạt con vì con là một đứa học trò chẳng ra gì. Nhiều người đổ tại hoàn cảnh khách quan nhưng con vẫn cho rằng lỗi chủ quan vẫn là chính bởi vì quyền lợi cá nhân mà chúng con đã không dám vượt qua được những qui định khắt khe của thời đó để làm những việc cho dù là đúng. Nói thì dễ nhưng trong hoàn cảnh đất nước kiệt quệ vì phải trải qua cuộc chiến tranh lâu dài 30 năm, một đất nước ngay sau khi ra khỏi cuộc chiến lại bị cấm vận gần 20 năm thì vấn đề mưu sinh tự nhiên phải được coi trọng hàng đầu . Người ta có thể bất chấp mọi qui định, mọi giáo lý để lo cho cuộc sống gia đình, vợ con và để làm giàu. Con không dám ngụy biện trước hương hồn Thày. Con xin nêu ra các sự kiện đã qua để Thày phán xét và thông cảm cho con, để sau này khi chúng con rời khỏi thế giới này gặp nhau sẽ lại quí trọng nhau như những ngày xưa ấy.
Sau ngày Thày và các em tiễn con về nước, con và Bold vẫn thư từ đều đặn cho nhau. Các em Suvd, Tuya đi học xa chúng con vẫn thông báo cho nhau thường xuyên về tình hình sống và học tập để động viên nhau cùng tiến bộ. Tuy cách xa nhưng con vẫn biết rõ tình hình công việc và cuộc sống của gia đình ta bên đó. Con nhớ vào đầu năm 1979 con đã vô cùng vui mừng khi nhận được tin nhắn đến gặp đoàn đại biểu Phụ nữ Mông cổ để nhận thư và quà của Thày và gia đình tại Khách sạn Thắng Lợi. Con hăm hở chuẩn bị đi thì đồng chí bí thư chi bộ nói rằng con phải xin phép Đảng Ủy Viện. Nghe xong con ngớ người thấy mình sơ xuất quá vì ở Việt nam quan hệ với người nước ngoài rất khó và phải xin phép Sở Ngoại vụ. Con lên phòng đồng chí Bí thư Đảng ủy trình bày nguyện vọng thì Đồng chí gạt ngay không đồng ý. Con hỏi tại sao thì Đồng chí nói đây là qui định và nhất là đối với Viện đang thực hiện Dự án quốc tế VIE002 của UN lại càng bị hạn chế. Đồng chí nêu ví dụ một chị trong ban quản lý Dự án cùng đi xe đưa chuyên gia về sau giờ làm việc đã bị công an giữ và Viện phải đến làm việc mới giải quyết xong. Con có nói đây là quà và thư của Thày giáo cũ từ nước XHCN anh em con không đi không được vì sợ các Thày hiểu nhầm thì đồng chí Bí thư nói xẵng rằng tùy con, nếu có chuyện  gì con phải tự hoàn toàn chịu trách nhiệm. Trời ơi! Con đang là đối tượng Đảng đang được Đảng dìu dắt sao con không nghe Đảng được. Thế là con không dám đi vì con sợ... Con rất mong Thày Cô và các Em Bold, Suvd và Tuya thông cảm cho con. Tuy con không nhận được quà và thư của Thày và gia đình nhưng con vẫn luôn cảm nhận được tình cảm của Thày đối với con. Chúng con luôn nhớ đến các Thày cô và nhân dân Mông cổ đã nuôi dạy chúng con nên người. Chúng con đã nguyện cùng nhau phải ra sức làm việc và làm thật tốt để không làm ô danh nơi đã nuôi nấng và đào tạo chúng con.
Thưa Thày,
 Thời gian đầu con vẫn gửi thư đều cho Suvd và Tuya và luôn mong các em học tốt. Con luôn nhắc Bold phải sống cùng Thày cô vì đây là phong tục và truyền thống của người Châu á: Con cái phải chăm lo, báo hiếu Bố mẹ . Tuy nhiên vào những năm 80, 90 của thế kỷ 20 kinh tế đát nước Việt nam chúng con thật vô cùng khó khăn. Do phải vất vả vật lộn mưu sinh mà liên lạc của chúng con cứ giảm dần và ngừng lúc nào không biết. Đến năm 1989 con mới đến lượt được cử đi thi nghiên cứu sinh ngoài nước. Thi đỗ được phân công quay lại học tại Mông cổ. Cứ tưởng được đi ngay ai ngờ phải chờ 1 năm cho các nghiên cứu sinh khác học tiếng. Đầu năm 1990 con lại được cơ quan cử đi thực tập tại Cộng Hòa Pháp về chuyên môn Di truyền động vật và Hệ thống chăn nuôi. Đứng trước sự lựa chọn đi thực tập tại Pháp hay chờ đi học nghiên cứu sinh làm con không tự quyết định được. Con đã phải hỏi ý kiến bạn bè, các anh chị đi trước. Đại đa số đều khuyên nên đi thực tập vì tuổi còn trẻ làm nghiên cứu sinh trong nước lúc nào cũng chưa muộn và nhất là thời kỳ đó đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lạm phát hàng nghìn phần trăm, vỡ hụi liên miên, đời sống cực kỳ khó khăn. Trước bối cảnh đó, vấn đề lo kinh tế cho vợ con được đặt trên hết mọi ưu tiên. Thế là con đi thực tập. Chuyến đi thành công vì đã học thêm được chuyên môn và nhất là tiết kiệm được ít tiền mua được chỗ chui ra chui vào cho vợ con. Thế nhưng chuyến đi này lại là nỗi ân hận lớn nhất trong cuộc đời con.
Con nhớ vào ngày đầu tuần. Khi con đến phòng làm việc tại phòng thí nghiệm của Viện INRA tại thị trấn Corsica của đảo Corse thì con nhận được thư của Anh Lê Văn Dương đang làm nghiên cứu sinh tiếng Mông cổ tại Ulanbator. Anh báo tin buồn là Thày đã mất do bị ung thư gan. Anh đã thay mặt con khênh quan tài đưa tiễn Thày đến nơi an nghỉ cuối cùng. Con thực sự choáng váng. Con đã khóc tức tưởi, nghẹn ngào. Con khóc cho Thày và cho bản thân con. Con khóc cho con bởi nỗi ân hận và thù ghét bản thân quá lớn. Giá mà con đi học nghiên cứu sinh thì con đã được gặp lại Thày, con đã được chăm sóc Thày và nhất là con đã được đưa tiễn Thày về cõi vĩnh hằng. Con đã khóc thương cho bản thân con vì con thực sự không hiểu con là loại người nào. Giá mà được làm lại thì chắc chắn rằng con sẽ bỏ hết để được gặp lại Thày và các em. Con thực sự căm thù số phận sao nỡ bất công đến thế đối với con.
Thưa Thày,
Đã hai mươi năm trôi qua không lúc nào là con không nghĩ đến ngày quay trở lại Mông cổ và đến trước mộ Thày để tạ tội với Thày. Con đã nhờ rất nhiều mối để liên lạc lại với Bold hoặc Suvd nhưng đều không thành. May mắn làm sao vừa qua có đoàn công tác của các Thày trường ta sang làm việc với cơ quan của con. Con đã nhờ Thày Luvsansarav chồng bạn cùng lớp với con tìm địa chỉ của Bold giúp nhưng em không liên lạc. Con chưa biết làm thế nào để liên lạc với em. Thày Cô có linh thiêng hãy giúp con liên lạc được với các em trước hè năm tới 2012. Con cầu xin Thày Cô hãy giúp con...
Trước khi xin phép Thày cho con dừng bút, con xin báo tin mừng với Thày cô là gia đình con vẫn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và các cháu của Ông Bà ngoan, chăm học.
Con xin cầu mong cho linh hồn Thày Cô luôn được mát mẻ, linh thiêng để phù hộ cho chúng con hoàn thành tốt nghĩa vụ được giao khi chúng con được sinh ra trong cõi đời này.

Kính thư.
  
Những ngày đông buồn 2011

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI CHA

 Một lần tôi dạo chơi cùng bạn gái trong công viên Nadam ở thủ đô Ulanbator. Chúng tôi len lỏi giữa các bụi cây để tìm rau mã đề về cải thiện bữa ăn. Em hăng hái tìm vì tôi nói là để làm thuốc chữa nóng. Được một nắm to tôi cho vào cặp sách và chúng tôi ngồi nghỉ trên ghế đá. Bỗng tôi nhìn thấy một cặp vợ chồng người Mông cổ đi dạo chơi cùng 5 đứa con. Điều kỳ lạ là 3 đứa tóc đen còn 2 đứa tóc vàng. Tuổi chúng sàn sàn nhau. Tôi thầm cảm phục người chồng và nảy ý định trêu bạn gái. Tôi nói với em:
-         Tuya, em xem 5 đứa trẻ kìa. Tại sao cùng bố mẹ mà chúng khác nhau thế?.
Biết tôi trêu, em nhìn tôi tỏ vẻ không hiểu:
-         Khác gì cơ ? Chúng cũng có tay, chân, mắt, mũi như nhau mà. Em hỏi lại tôi.
Không đợi tôi trả lời em nói:
-         Các anh đàn ông hay suy luận lung tung lắm. Đấy là người quen của em. Để em giới thiệu anh với gia đình họ nhé.
Chẳng cần xem tôi có đồng ý không em kéo tay tôi chạy theo vợ chồng đó. Đến nơi em chào rõ to:
-         Em chào Anh chị ạ! Anh chị đưa các cháu đi dạo chơi đấy à?.
-         Oh, Tuya. Hôm nay em nghỉ học à? Bạn trai em đấy à?. Vợ chồng người đó hỏi thăm bạn tôi liên hồi.
-         Vâng. Giới thiệu với Anh chị đây là bạn em. Anh ấy là sinh viên Việt nam. Hôm nay em được nghỉ học cho nên chúng em cùng nhau đi xem phim. Bạn em ngạc nhiên không hiểu sao các con anh lại không giống nhau. Anh có thể giải thích cho bạn em được không?. Tuya hỏi.
-         Được thôi. Anh trả lời.
Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ. Mặt tôi đỏ bừng. Anh hiểu ý và vỗ vai tôi nói:
-         Không có vấn đề gì. Anh cũng vài lần bị hỏi về việc này rồi.
Tuya vượt lên đi với lũ trẻ và chị vợ. Tôi cùng anh chồng dạo bước theo con đường đầy hoa lá trong công viên. Anh đã kể cho tôi nghe chuyện về cuộc đời anh và những đứa trẻ con anh.
“...Tôi là kỹ sư mỏ địa chất tốt nghiệp tại Liên xô. Sau khi tốt nghiệp về nước tôi làm việc tại Bộ tài nguyên và Môi trường. Hàng năm chúng tôi thường tổ chức các chuyến khảo sát thăm dò khoáng sản. Mông cổ giàu tài nguyên lắm. Chúng tôi đã phát hiện nhiều mỏ than, sắt, đồng, vàng... kể cả mỏ uranium nữa. Tất cả để cho con cháu chúng tôi sau này. Điều đó là động lực để chúng tôi đi hàng tháng trời giữa đồi núi , sa mạc hoang vu không một bóng người tìm khoáng sản. Cách đây 8 năm chúng tôi tổ chức một cuộc thăm dò dầu khí tại tỉnh Gobi. Chúng tôi làm việc, ăn nghỉ tại chỗ. Sau một tuần lại về Trung tâm tỉnh mua hàng hóa, nhu yếu phẩm. Một lần trong chuyến về tỉnh mua hàng tôi nhìn thấy một chị đang co kéo hai đứa bé. Hai đứa bé không chịu đi cứ ngồi phệt xuống đường và khóc thảm thiết. Tôi dừng xe lại và hỏi chị nguồn cơn. Chị nói chị là bảo mẫu ở trường trẻ mồ côi. Hai cháu bé này mới vào trường được vài ngày. Tuy nhiên cứ chiều chiều chúng lại chạy ra đường nhìn về phía xa mạc gọi cha mẹ. Cha mẹ chúng bị vùi chết trong đợt bão cát tháng trước. Họ từ vùng Nội Mông di cư sang cho nên không có họ hàng thân thích nào cả. Nhìn hai đứa trẻ bé bỏng tội nghiệp tôi bỗng cảm thấy thương chúng vô cùng. Tôi nói với chị bảo mẫu:
-         Chị cứ về trước đi. Tôi sẽ thuyết phục và đưa chúng về sau.
-         Nín đi các cháu. Lên xe chú đưa đi tìm bố mẹ. Tôi nói với các cháu.
Chúng nhìn tôi đầy nghi ngờ. Nhưng cũng đồng ý để tôi bế lên xe. Tôi lái thẳng ra sa mạc đầy gió cát. Đi được khoảng 10 km tôi dừng xe và đỡ các cháu xuống xe. Chúng tôi đi bộ về phía các cồn cát nhấp nhô mênh mông đến tận chân trời. Tôi nhìn các cháu đứng bất động nhìn về phía chân trời xa thẳm mà lòng đầy thương xót. Trời về chiều, gió nổi và cát bắt đầu bay. Tôi kêu các cháu về mấy lần nhưng hình như chúng không nghe thấy tôi nói. Tôi biết lúc này mà làm căng thì coi như bao nhiêu công sức tôi bỏ ra từ chiều sẽ là công cốc. Tôi từ từ tiến đến quì xuống ôm hai đứa vào hai vai. Một lúc sau, tôi cảm thấy hai vai ướt đầm. Tôi biết chúng đã giải tỏa được tình cảm bị kìm nén bấy lâu. Tôi xoay mặt hai đứa lại, ôm chặt chúng và tôi đã khóc. Có lẽ tôi cũng là đứa trẻ mồ côi cha từ nhỏ cho nên tôi biết thế nào là thiếu thốn tình cảm và tôi đã dễ dàng đồng cảm với chúng. Chúng thấy tôi khóc chúng càng nép chặt vào người tôi như thể tìm kiếm sự chở che. Tôi nghẹn ngào nói với chúng là phải trở về vì trời đã tối và hứa ngày mai sẽ đưa các cháu trở lại. Các cháu líu díu theo tôi lên xe và chúng tôi trở về trong im lặng.
Chiều hôm sau tôi xin phép trưởng đoàn về trung tâm tỉnh giải quyết việc riêng. Tuy nhiên Ông trưởng đoàn không đồng ý vì tôi mới về và công việc phải làm gấp cho kịp tiến độ. Loanh quanh mãi không được, cuối cùng tôi phải nói thật với Ông về chuyện hai đứa trẻ và lời hứa của tôi với chúng. Không ngờ Ông lại rất ủng hộ tôi và mắng tôi sao không nói trước. Tôi lái xe về ngay mặc dù đã muộn. Tôi cảm thấy ruột gan nóng bừng và lái xe với tốc độ tôi chưa bao giờ lái. Về đến Trung tâm trẻ mồ côi thì trời đã nhá nhem tối. Thật cảm động khi nhìn thấy hai cháu cùng cô bảo mẫu vẫn đứng bên cổng chờ tôi. Chị bảo mẫu nói là các cháu vẫn chưa ăn tối và cố gắng chờ tôi cho dù chị nói thế nào các cháu cũng không chịu vào nhà. Tôi xin lỗi hai cháu vì bận việc không kịp về đưa các cháu đi được. Tôi đưa các cháu vào nhà . Tôi cùng chị bảo mẫu hâm nóng lại cơm và thức ăn. Chúng tôi ăn cùng các cháu. Chị bảo mẫu rất sung sướng khi thấy các cháu ăn vui vẻ hết xuất cơm. Chị nói với tôi rằng kể từ hôm các cháu vào trại đến hôm nay mới thấy các cháu ăn được như vậy. Tôi về phòng ngồi chơi, đọc sách, kể chuyện cho các cháu nghe. Đến 10 giờ tối tôi chuẩn bị ra về thì thấy các cháu thẫn thờ, nước mắt lưng tròng. Cháu lớn sụt sùi nói với tôi:
-         Chú không ở lại với chúng cháu à? Chúng cháu sợ lắm. Các cháu run rẩy như lũ chim non mất tổ làm tôi thực sự thương cảm. Tôi nói với các cháu:
-         Được rồi, để chú đi xin phép các cô nhé.
Tôi gặp cô bảo mẫu trình bày ý muốn của tôi và các cháu. Chị Bảo mẫu đồng ý và đưa đến cho tôi thêm một chiếc chăn. Tôi đặt 2 chiếc đệm xuống sàn nhà và giải một chiếc làm ga. Chúng tôi 3 người ngủ chung. Tôi nằm giữa, hai cháu hai bên. Chúng ôm chặt tôi và nghe tôi kể chuyện cổ tích. Khi các cháu ngủ say, tôi nhẹ nhàng ngồi dạy đẩy hai đứa ngủ cùng nhau. Còn tôi ngồi nhìn các cháu ngủ mơ ú ớ gọi mẹ, mắt đầy nước mắt mà lòng đầy thương xót. Tôi ra ngoài ngắm bầu trời đầy sao và tự hỏi ngôi nào là tôi, ngôi nào là các cháu. Tôi mơ hồ cảm thấy bất an bởi không biết sau này các cháu sẽ sống ra sao.
Cứ như vậy trong suốt chuyến khảo sát tối tôi về ngủ với các cháu, sáng lại đến giàn khoan thăm dò làm việc. Thời gian thấm thoắt trôi đi. Chúng tôi gắn bó với nhau tự lúc nào không biết. Ngày trở về thủ đô cũng phải đến. Tôi rối bời không biết phải làm thế nào. Tôi thực sự không nỡ xa các cháu. Nhìn tôi cứ đi đi lại lại anh trưởng đoàn rất hiểu và thông cảm với tâm trạng của tôi lúc đó. Bỗng anh nói với tôi:
-         Này, sao cậu không nhận đỡ đầu và nuôi chúng nó?.
Ôi, Thật tuyệt vời! Ý tưởng của anh như gáo nước mát lạnh dội vào lòng đang nóng như lửa đốt của tôi. Tôi nhảy cẫng lên, ôm chầm lấy anh và cảm ơn anh rối rít. Anh bảo tôi cứ về trại mồ côi trước chờ anh. Sáng hôm sau anh đến cùng tôi trình bày với Ban Giám đốc Trại về mong muốn của tôi. Họ cám ơn lòng tốt của tôi và cho tôi biết là tôi không được luật pháp chấp nhận vì tôi đang còn độc thân. Thật nan giải. Tôi mới quen bạn gái và chúng tôi chưa yêu nhau. Bạn gái tôi là giảng viên trường Đại học sư phạm. Cô ấy người thủ đô và anh trưởng đoàn cũng rất quen. Anh bảo tôi:
-         Sao cậu không gọi cho cô ấy và thử thảo luận xem?
-         Chúng em đã là gì của nhau đâu anh. Tôi trả lời anh.
Tuy nhiên tôi cũng điện ngay về và nói với em ý định của tôi. Tôi khẩn thiết đề nghị em cưới tôi. Em im lặng không trả lời tôi và bỏ máy. Tôi buồn bã nói với anh trưởng đoàn:
-         Hỏng rồi anh ạ. Cô ấy không đồng ý đâu.
-         Thế nó bảo sao? Anh hỏi tôi.
-         Cô ấy không nói gì và bỏ máy. Tôi trả lời.
-         Ôi cậu em ngốc nghếch của tôi!  Sự việc đột ngột như vậy mà cậu đòi người ta trả lời ngay được à. Tôi tin cô ấy sẽ sớm trả lời cậu thôi. Tớ sẽ xin phép ở lại cùng cậu đến khi xong việc. Anh vừa nói vừa cốc vào đầu tôi.
 Chiều hôm sau khi tôi đang chơi cùng các cháu ngoài xa mạc thì thật bất ngờ anh trưởng đoàn đánh xe ra và gọi toáng lên:
- Misic ơi, đưa các cháu lại đây đón khách nào.
Chúng tôi chạy đến và anh mở cửa xe. Ôi thật diệu kỳ... Bạn gái tôi đã bay đến trại trẻ mồ côi với tôi. Tôi thực sự xúc động vì biết rằng em đã đồng ý. Tôi ôm ghì lấy em, trao cho em nụ hôn dài thế kỷ. Tôi sung sướng trào nước mắt:
-         Cám ơn em, tình yêu của anh. Vì anh mà em hy sinh nhiều quá. Tôi thổn thức.
-         Ôi anh ngốc của em. Chả nhẽ em không đủ tư cách để xẻ chia cùng anh sao? Em sẵn sàng làm vợ anh vô điều kiện. Em cũng khóc vừa nói vừa hôn tôi. Tôi quay nhìn lũ trẻ đang ngơ ngác nhìn chúng tôi và gọi chúng:
-         Các con lại đây chào mẹ đi nào.
Lũ trẻ chạy đến và hai chúng tôi ôm chặt chúng như sợ ai lấy đi mất. Anh trưởng đoàn nhìn cảnh đó cũng trào nước mắt.
Ngay sáng hôm sau chúng tôi lên Ủy ban làm thủ tục đăng ký kết hôn. Chẳng biết anh trưởng đoàn trình bày thế nào mà chúng tôi được phá lệ cấp ngay giấy chứng nhận kết hôn. Thủ tục nhận đỡ đầu hai cháu cũng được làm ngay hôm đó. Thật diệu kỳ. Có lẽ trên thế gian này chỉ có hai vợ chồng tôi mới cưới nhau chưa đầy một ngày mà đã có hai đứa con. Chúng tôi trở về Ulanbator với sự đón chào rất đầm ấm của bạn bè, đồng nghiệp. Ban bảo trợ xã hội cấp ngay cho chúng tôi một căn hộ 3 phòng. Chúng tôi bắt đầu xây dựng cuộc sống mới...”
Tôi nhìn anh đầy ngưỡng mộ và hỏi tiếp:
-         Thế anh chị nhận nuôi hai đứa trẻ tóc vàng thế nào ạ.
-         Đây là trường hợp hi hữu. Chúng tôi được nuôi chúng theo ủy quyền của Bố mẹ chúng. Anh trả lời. Tôi lại hỏi tiếp:
-         Thế Bố mẹ chúng đi đâu mà nhờ anh chị nuôi? . Anh nhìn ra xa phía sông Thon và nói như thì thầm với tôi:
-         Anh chị ấy mất rồi.
Tôi thật sự choáng váng và ngồi im lặng không dám hỏi gì thêm nữa. Anh bắt đầu kể cho tôi nghe tiếp câu chuyện về hai đứa trẻ tóc vàng...
“... Như cậu đã biết do hai đứa trẻ chúng tôi nhận đỡ đầu ở tỉnh Gobi còn rất nhỏ cho nên vợ chồng tôi đã thống nhất với nhau chưa có con vội mà chờ khi chúng đi học mới sinh cháu. Ba năm sau khi cháu bé bắt đầu vào lớp một, chúng tôi mới quyết định sinh cháu. Ngày tôi đưa vợ đến nhà hộ sinh thì cũng là lúc tôi nhận được điện từ ban Giám đốc mỏ đồng Edennet. Bức điện yêu cầu tôi đến ngay Bệnh viện quốc tế để gặp bạn cũ của tôi là anh Volodia kỹ sư trưởng đang bị thương nặng. Anh Volodia vừa là thày vừa là bạn tôi. Anh đã dạy tôi rất nhiều khi tôi mới ra trường làm việc dưới quyền anh. Anh rất quí tôi và tôi cũng coi anh như anh trai của mình. Anh đang phải “gà trống nuôi con” vì vợ anh là người Mông cổ và là trợ lý của anh mới mất cách đây hai năm do bệnh ung thư dạ dày. Nghe tin anh gặp nạn mà ruột gan tôi như lửa đốt. Tôi lo cho anh và cho hai cháu. Tôi vội đến phòng chờ thông báo tình hình với vợ. Bà xã tôi mặc dù đang đau đẻ cũng bắt tôi phải đi ngay và gọi điện cho mẹ đến giúp. Tôi nói với vợ xin lỗi mẹ giúp vì công việc khẩn cấp.
Khi tôi đến nơi thì anh đang phải cấp cứu. Tôi hỏi các anh trong Ban Giám đốc thì được biết anh bị thương nặng khi cứu người bị sập hầm. Một tảng đá lớn đã rơi hất anh bay ra khỏi xe ủi. Anh bị chùn và vỡ cột sống. Theo tiên lượng của bác sĩ thì cơ hội sống rất nhỏ. Sáng nay khi anh tỉnh lại anh có nhờ Ban Giám đốc gọi tôi đến để gặp có việc gấp. Không may vừa rồi anh lại bị cơn choáng mới và bị ngất đi. Một giờ...hai giờ....ba giờ chậm chạp trôi qua. Tôi cứ đi đi lại lại không sao ngồi một chỗ được. Bỗng cửa phòng cấp cứu mở. Bác sĩ trưởng đi ra thông báo là anh đã tỉnh và muốn gặp Ông giám đốc và anh Misic. Bác sĩ yêu cầu chúng tôi nói ít tránh sốc cho bệnh nhân. Tôi và anh Giám đốc vào. Anh nằm bất động trên xe giường. Mắt anh tươi lên khi nhìn thấy chúng tôi. Anh nói nhỏ nhưng nghe rõ:
-         Chào em. Anh đang muốn gặp em để nhờ em giúp. Anh biết là anh không sống được và Bố mẹ anh ở Nga cũng đã mất do đó anh muốn nhờ vợ chồng em nuôi giúp các con anh cho đến lúc trưởng thành. Tôi nghẹn ngào khóc nức lên và nói với anh trong nước mắt:
-         Không! Anh sẽ sống và anh phải sống vì các cháu.
Anh nói với anh Giám đốc:
- Dorch, Anh hãy viết hộ và làm chứng cho tôi vì tôi không thể viết được.
Anh giám đốc lấy quyển sổ con trong túi ra và viết theo lời anh đọc: Tôi là V.Volodia cha của hai cháu V. Misa 12 tuổi và V. Ivan 10 tuổi ủy quyền cho anh P. Misic công tác tại Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo trợ và nuôi các cháu đến lúc trưởng thành. Anh Misic có toàn quyền sử dụng số tiền tiết kiệm của tôi là 150.000 tucric để nuôi dạy các cháu... Giọng anh cứ nhỏ dần. Anh liếc mắt sang bên và anh Giám đốc hiểu ý cầm ngón tay cái của anh, bôi mực và điểm chỉ vào tờ giấy. Sau đó anh Giám đốc ký tên người làm chứng và xé tờ giấy trao cho tôi. Lúc đó chúng tôi thấy hai mắt anh ứ đầy nước mắt. Tôi tiến đến lấy khăn tay thấm nước mắt cho anh và bỗng... anh nấc một cái, mắt anh trợn lên và bất động. Tôi biết anh đã ra đi. Tôi khóc òa thảm thiết. Hai tay vuốt mắt cho anh và tôi hôn vĩnh biệt anh. Tôi gào lên trong nước mắt:
- Anh ơi! Anh cứ an tâm ra đi. Vợ chồng em sẽ làm tất cả vì các cháu.
Nghe tiếng tôi khóc các bác sĩ chạy vào. Họ khám và thông báo là anh đã ra đi...
Ngày vợ tôi sinh cháu cũng là ngày tôi được thêm hai cháu nữa. Tôi thầm cám ơn số phận và không hiểu kiếp trước Ông bà tôi sống tu nhân tích đức ra sao mà đến đời tôi được hưởng nhiều đến như vậy. Dân tộc tôi có câu ngạn ngữ đại ý là đông con, đông của. Tôi thực sự giàu có vì tôi mới ngoài ba mươi mà đã có đến 5 con...”
Nghe đến đây tôi nói với anh:
-         Việt nam chúng em cũng có câu ngạn ngữ đó. Nhà đông con tuy vất vả nhưng sướng lắm anh ạ. Tôi hỏi tiếp anh:
-         Thế mấy đứa lớn chúng có hòa thuận với nhau không anh?.
-         Chúng thương yêu nhau lắm. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng chúng đã biết phân công nhau làm hết mọi việc. Từ ngày mẹ chúng sinh em bé chúng giành hết phần việc của mẹ để mẹ chăm em. Chắc hương hồn các anh chị ấy luôn theo dõi và giúp đỡ chúng tôi. Anh hãnh diện trả lời.
Lúc đó Tuya, chị vợ cùng lũ trẻ đã quay trở về. Nhìn chúng nô đùa như trong một gia đình hạnh phúc tôi thầm cám ơn hai vợ chồng đó đã hy sinh ham muốn cá nhân, đã dùng tình thương và trách nhiệm của một con người để làm giảm đi những nỗi đau và tăng thêm niềm hạnh phúc trong cuộc đời. 
Tạm biệt vợ chồng anh và lũ trẻ, tôi cùng Tuya quay về bến xe cạnh vườn hoa trước nhà Quốc hội . Khi chia tay tôi nói với em:
- Cám ơn em. Hôm nay em đã giúp anh học được một bài học lớn về tình người.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

BÁO ÂN

Đây là chuyện có thật xảy ra năm 2008 tại Trung Quốc

Một chiếc xe bus 16 chỗ chở đầy khách đang chạy trên đường quanh co uốn lượn của vùng núi Tây Tạng hùng vĩ.
Trên xe có ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô.
Cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.
Lúc ấy một người đàn ông trung niên gầy gò, yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay không được làm bậy. Nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường...
Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe. Cô thẫn thờ ngồi vào ghế, cầm vô lăng, khởi động máy để tiếp tục lên đường. Bỗng cô quay lại chỉ vào  người đàn ông vừa tìm cách giúp mình hét lên:
- Này ông kia, ông xuống xe đi!.
Người đàn ông sững sờ, nói:
- Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?.
- Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?. Cô lái xe hỏi vặn lại và vài hành khách bình thản cười ồ.
Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không thể bị đối xử như thế. Ông quát lên:
- Tôi đã trả tiền nên tôi có quyền ở lại xe.
Cô lái xe nhăn mặt nói:
- Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.
Điều bất ngờ là hành khách, vốn tảng lờ lảng tránh hành động man rợ mới đây của bọn du côn lại nhao nhao lên tiếng yêu cầu người đàn ông xuống xe. Họ nói:
- Ông ra khỏi xe đi. Chúng tôi có nhiều công việc đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!
Một vài hành khách khỏe hơn xúm lại lôi người đàn ông xuống xe.
Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách khoái chí và bình luận:
- Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ?
Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe.
Chiếc xe bus tiếp tục cuộc hành trình. Cô lái xe vuốt lại mái tóc rối bù và vặn nhạc to hết cỡ.
Xe lên đến đỉnh dốc. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô.
Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe:
- Chạy chậm thôi, mày định làm gì thế hả?.
Cô gái không nói gì và tiếp tục nhấn ga.
Tên du côn nhảy vào tìm cách giằng lấy vô lăng. Nhưng đã quá muộn. Chiếc xe bus lao xuống vực như mũi tên bật khỏi cây cung...
Hôm sau, báo địa phương đưa tin về một vụ tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng Phục Hổ Sơn: Một chiếc xe 16 chỗ ngồi đã gặp nạn rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.
Tại một quán cóc ven đường, người đàn ông bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và òa khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao ông khóc.

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI

Tôi nhớ kỳ nghỉ đông năm thứ 3 Trường tổ chức chuyến dã ngoại 3 tỉnh miền tây Mông cổ. Mục đích của chuyến đi là để kiểm tra kết quả đào tạo thông qua  học sinh đã tốt nghiệp và tìm hiểu nhu cầu đào tạo của thực tiễn sản xuất. Để khuyếch trương Ban giám hiệu đã đưa cả đoàn ca múa của trường đi theo biểu diễn. Đoàn ca múa của trường được tổ chức tương đối hoàn hảo. Đội múa và hát được tuyển từ các khoa đều là sinh viên hoa khôi năm thứ nhất. Tôi là sinh viên nước ngoài vừa là ca sĩ vừa là nhạc công cho nên rất được ưu ái cũng vì thế mà tôi bị thiệt thòi so với các bạn Mông cổ. Di chuyển giữa các tỉnh tôi phải bay cùng Ban Giám hiệu . Tuy vậy đến các tỉnh tôi lại được cùng đi, cùng sinh hoạt với đoàn cho nên cũng có nhiều kỷ niệm khó quyên.


Thời đó không có khách sạn hay nhà nghỉ như bây giờ. Đi đến địa phương nào là được bố trí vào nghỉ ở ký túc xá của Trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh miễn phí. Ngày đầu tiên đến Bayan-Olgii một tỉnh miền cực tây của Mông cổ. Đây là tỉnh chỉ có núi và rừng với dân tộc Mông cổ và Kazakh sống là chủ yếu. Cả tỉnh là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Mùa đông tuyết phủ trắng ngút ngàn. Rừng thông phủ tuyết trông giống như tiên cảnh. Tuy nhiên lạnh ơi là lạnh. Nhiệt độ ở đây không khác gì vùng Xiberi của Nga.


Chiều hôm đó khi tôi đến thì đoàn ca nhạc đã đến trước và đã lo chỗ ăn, ở đàng hoàng. Tôi được phân công ở cùng phòng với anh trưởng đoàn và 2 cậu nhạc công. Tất nhiên là chúng tôi rất thân quen vì đã học và tham gia văn nghệ với nhau mấy năm trời. Sau khi khớp nhạc và tổng duyệt lại chương trình, chúng tôi đi ăn tối. Bữa ăn tại một nhà hàng ở vùng cực tây của Mông cổ có một món rất đặc biệt đó là dưa bắp cải. Lá cải bắp già được muối chua ăn với thịt cừu và thịt dê béo ngậy thật không gì bằng. Đối với tôi nó đặc biệt bởi món dưa đã nhắc tôi nhớ về những ngày khó khăn gian khổ ở quê nhà. Tuổi ấu thơ của tôi là vại dưa và chum tương trong mỗi gia đình người nông dân Việt nam thời đó. Quê tôi là nơi chuyên trồng rau cung cấp cho Hà nội. Rau ngon thì phải cân cho Nhà nước còn lá già được giữ lại để muối dưa cho người và lá già hơn thì làm thức ăn cho lợn. Món dưa bắp cải gắn với tôi suốt những năm tuổi thơ thời chống Mỹ. Bởi thế khi được ăn món này tại nơi đây tuy mùi vị không giống lắm nhưng đã gợi trong tôi nỗi nhớ nhà da diết.


Buổi tối để giết thời gian chúng tôi tổ chức chơi lơ-khơ kiểu Mông cổ. Mỗi bàn 4 người chia làm 2 đôi. Nguyên tắc chơi là các đôi phải một nam, một nữ và người thắng được hôn còn người thua thì bị hôn. Cuộc chơi vui vẻ ầm ĩ cả ký túc xá. Đang kỳ nghỉ đông cho nên không ảnh hưởng đến sinh viên của trường. 12 giờ đêm, trưởng đoàn ra lệnh phải đi ngủ hết để sáng hôm sau biểu diễn một số tiết mục tủ chào mừng lễ tổng kết công tác cuối năm của tỉnh.


Sáng hôm sau buổi biểu diễn trong vòng 45 phút cũng đủ ca, múa , nhạc thành công ngoài sức tưởng tượng. Riêng tiết mục của tôi thực sự là kỷ niệm khó quyên đối với tôi. Tôi nhớ khi biểu diễn xong Bà Chủ tịch tỉnh lên sân khấu ôm hôn tôi. Bà nói mấy câu về cuộc chiến tranh của nhân dân Việt nam và những tình cảm của nhân dân Mông cổ đối với Việt nam. Bà cởi chiếc khăn len trên cổ xuống quàng cho tôi và nhắc tôi luôn nhớ quàng khăn cho ấm cổ để không bị ốm trong những ngày đông lạnh giá xa nhà, để bố mẹ ở Việt nam không phải lo lắng mà yên tâm đánh Mỹ . Tôi thực sự xúc động và tôi đã khóc. Tôi cầm Micro nghẹn ngào, mấy phút sau tôi mới nói được mấy câu cám ơn Bà và nhân dân Mông cổ đã chở che và dạy dỗ chúng tôi nên người. Cả Hội trường vỗ tay không ngớt. Chiếc khăn len màu hồng nhạt tôi vẫn giữ đến tận bây giờ và sẽ truyền lại cho các con tôi để nhớ mãi tình cảm vô bờ bến của một dân tộc luôn lấy tình thương yêu làm lẽ sống của cuộc đời. Một dân tộc tuy còn muôn vàn khó khăn nhưng đã hết lòng ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt nam.


Buổi tối chúng tôi biểu diễn tại Nhà văn hóa tỉnh. Cả hội trường kín chỗ ngồi. Các bạn biết rằng vé bán với giá 50 tukrik là rất đắt so với lương bình quân tháng của một kỹ sư lúc đó chỉ 1000 tukrik. Thế mới biết là văn hóa văn nghệ đối đời sống nhân dân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh quí giá biết bao.


Bữa cơm tối hôm đó tôi bị chúc đến say mèm. Có lẽ do rượu kém chất lượng mà cái say rất khó chịu và cứ chập chờn không ngủ được. Hậu quả của bữa liên hoan là sáng hôm sau đầu tôi đau khủng khiếp và mệt mỏi vô cùng. Đau đến nỗi bữa sáng tôi không ăn được gì. Lịch trình lại phải bay ngay về khu nghỉ đông để kịp buổi biểu diễn chiều và tối. Anh trưởng đoàn lo quá không biết làm thế nào vì sợ bị Ban Giám hiệu quở trách. Lúc đó cậu P. Bold đánh Gitar bass hiến kế là dùng độc trị độc. Tức là dùng rượu trị say. Tôi khiếp quá không đồng ý nhưng 3 thằng quỉ sứ to lớn như Trương Phi đã bẻ quặt tay tôi và dốc vào mồm tôi một ca nhôm đầy rượu. Tôi nuốt vì sợ bị sặc. Sau đó chúng dìu tôi lên máy bay. Quả là hiệu nghiệm. Chỉ 15 phút sau tôi thấy mồ hôi toát đầy mình, người nóng bừng và... hết cả đau đầu. Thật đúng là thuốc tiên. Buổi trưa hôm đó tôi ăn cơm rất ngon vì bụng đói meo và suất diễn buổi chiều và tối tôi đều tham gia đầy đủ. Kể từ ngày đó cứ mỗi lần bị đau đầu, mỏi mệt do bị quá say là tôi lại áp dụng bài thuốc này và thấy kết quả thật diệu kỳ.


Tôi luôn thầm cám ơn số phận đã cho tôi cơ hội gặp gỡ được những người bạn tuyệt vời và cho tôi có được những kỷ niệm không thể nào quên suốt cuộc đời.