Hàng năm cứ đến dịp Noel và tết dương lịch là chúng tôi lại chuẩn bị tinh thần vui chơi thỏa thích với bạn bè. Ở Mông cổ thời đó tết dương lịch là tết chung vui của các cơ quan Nhà nước, các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp và các Trường phổ thông. Các cơ quan và các trường thường tổ chức ca nhạc và khiêu vũ. Ai đến cũng được, càng đông càng vui. Tôi là người thiệt thòi nhất trong số lưu học sinh vì tôi phải tham gia văn nghệ của Trường. Khi xong tiết mục của mình thì mới được xuống nhảy. Còn các anh em khác thường chỉ đến dự một lúc sau đó cùng các cô em Mông cổ xinh đẹp kéo nhau đến các trường đại học khác để xem ca nhạc và khiêu vũ. Tôi hay mang theo chai rượu lúa mới. Mấy cậu trong ban nhạc chúng uống “xếch” luôn. Hết chai là chúng bắt đầu xung. Nhạc được đánh tưng bừng. Đứng trong cánh gà tha hồ đùa vui với các em trong đội ca múa. Khi cậu đánh trống xuống nhảy là tôi lại đánh thay. Do không quen cho nên tôi thường đánh rất to làm cho anh Nhạc trưởng cứ nhăn mặt hoài.
Sinh viên Việt nam nhảy kém cho nên thường rủ nhau đi dạo và đi thăm các trường khác xem họ tổ chức thế nào. Ngoài trời lạnh là thế mà dạo chơi với các bạn cảm thấy ấm áp vô cùng. Năm mới lại quen thêm bạn mới. Cuộc sống cứ thế trôi đi xây đắp nên cuộc đời đầy kỷ niệm của mỗi con người.
Tết dương qua đi, Tết âm lại đến. Thời chúng tôi học như một qui định bất thành văn, cứ tết đến toàn thể lưu học sinh lại đến vui tết cùng Sứ quán. Ai có tài gì thì cứ trổ ra khoe thoải mái. Bởi thế vất vả nhất là các anh lãnh đạo và có tài lẻ. Các anh ấy lo tết suốt cả tuần. Đặc biệt vào ngày 30 tết các anh phải lầm quần quật suốt cả ngày ở Sứ quán để tổ chức từ các món ăn, các trò chơi. trang trí phòng ăn... Tụi long tong như tụi tôi chỉ quen ăn sẵn thì kê bàn ghế. Hồi đó có anh Trần Gia Thịnh quê ở Nam Định là cán bộ cử đi học, là đảng viên kỳ cựu cho nên anh luôn được cử làm lãnh đạo. Đặc biệt anh có nhiều tài lẻ. Anh rất đam mê chụp ảnh. Những người say mê ảnh như tụi tôi luôn được anh sẵn lòng hướng dẫn tỉ mỉ từ cách tráng phim đến kỹ thuật chụp ảnh. Tết nào anh cũng trổ tài nấu các món đặc sản của quê hương Nam Định để thết đãi lưu học sinh. Anh đứng nấu bếp suốt từ trưa 30. Phải công nhận là các món anh nấu đều ngon mang đậm hương vị quê hương. Chúng tôi luôn thầm cám ơn anh vì nhờ có anh mà chúng tôi luôn có được những cái tết gần gũi, đỡ nhớ nhà. Tuy nhiên anh có một yếu điểm chết người là anh không uống được rượu. Chỉ cần một ngụm nhỏ là sau 10 phút anh nằm ngủ mê mệt không biết gì nữa. Tôi nhớ 6 tết anh ở Mông cổ chưa tết nào anh được chung vui hoàn chỉnh với anh em vì cứ chúc nhau xong ly rượu đầu tiên là mọi người phải khiêng anh sang phòng bên để anh ngủ cho “yên tĩnh”. Anh là người rất dễ bị kích động. Biết nhược điểm của mình nhưng anh không thể từ chối được với những lời chúc ngọt như mía đường của mấy cậu đồng hương.
Hàng năm Sứ quán thường tổ chức các cuộc thi như Cờ tướng, Tú lơ khơ. Ăn tối xong là đấu và kết thúc trao giải vào lúc đón giao thừa. Giải thường là các quà tặng ngoại giao của Sứ quán. Giải tuy nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa với mục tiêu Vui là chính. Tuy là vui nhưng các giải đấu cũng căng thẳng ra phết. Nhiều cao thủ máu ăn thua hò hét vỡ cả Sứ quán. Các bàn cờ người xem quây kín nhưng không được nhắc nước. Có ai đó lỡ miệng thì bị ăn chửi đến no bụng. Cuộc vui kéo dài đến sáng. Tuy nhiên sau khi đón giao thừa xong thì tùy nghi di tản. Một số anh em thường về nhà ngay trong đêm vì sáng hôm sau còn đi chúc tết Thày Cô và bạn bè Mông cổ.
Đối với người dân Mông cổ, tết âm lịch là tết gặp mặt, chung vui của gia đình, dòng tộc. Tôi thường được cậu Bold con thày Purevchao mời đến ăn tết cùng gia đình vào trưa mồng một. Đến chúc tết Thày chẳng cần mang gì vì các Thày biết Việt nam còn đang chiến tranh. Tụi tôi khi đó thường mang biếu Thày chai rượu lúa mới hoặc chai rượu quốc lủi. Các Thày rất thích rượu việt nam. Đem đến bao nhiêu là uống hết bấy nhiêu. Chúc tết xong là Thày trò đều lơ mơ, thổ lộ hết chuyện trên giời dưới biển. Tôi nhớ có năm thày đọc lại cho chúng tôi nghe những bài thơ từ hồi lớp một làm cả nhà phục sái cổ và các cô con gái thày phải móc lì xì ra thưởng. Tôi kể về phong tục tết cổ truyền của Việt nam, về người việt nam chuẩn bị tết ra sao, ngày tết đi lễ chùa và thăm viếng nhau thế nào cho cả nhà nghe. Mọi người rất vui vì thấy tết của các nước Châu á rất giống nhau. Ăn tết nhà Thày tôi mê nhất món bánh nhân thịt cừu. Trời ơi! Chỉ mới ngửi mùi đã thèm rỏ dãi. Tôi không bao giờ quên nhân bánh thịt cừu ngọt lịm thơm lừng mùi hành tỏi do Cô tự làm. Thấy tôi ăn ngon miệng hai cô con gái Thày cứ ép tôi phải ăn thêm làm tôi no muốn vỡ bụng. Giờ đây khi ngồi viết mấy dòng này tôi vẫn chảy nước miếng khi nghĩ đến bánh nhân thịt đặc sản của Mông cổ. Tôi ước ao giá có thể được thì đổi gì tôi cũng đổi để lại được ăn một chiếc bánh nhân thịt cừu nóng hổi thủa nào.
Thày cô năm nào cũng có quà lì xì cho tôi. Năm thì chiếc áo len, năm thì chiếc khăn quàng cổ. Tôi có may mắn được gia đình thày rất quí coi như thành viên trong gia đình. Các cô em gái định thi đi học ở nước nào cũng đều tham khảo ý kiến của tôi. Thực ra tôi khi đó làm gì có thông tin mà góp ý. Ngày tôi về nước cả nhà ra ga tiễn tôi. Thày Cô gửi biếu mẹ tôi 3 loại vải nhiễu hoa để may áo dài. Màu và hoa văn như của quan lại ngày xưa rất đẹp. Tôi nhớ ngày mẹ tôi qua đời, chúng tôi đã xếp cả 3 chiếc áo vào quan tài để mẹ tôi dùng ở thế giới bên kia...
Tình nghĩa là thế mà tôi đã bặt tăm từ bấy đến nay. Thật là bất nghĩa. Mỗi khi tết đến, tôi luôn khắc khoải cảm thấy thiếu điều gì đó vô cùng quan trọng. Nỗi nhớ mong, dày vò ngày càng lớn khi bước sang tuổi xế chiều. Tôi tin rằng chúng ta ai cũng có kỷ niệm nào đó, những mối quan hệ nào đó giống như tôi với những người bạn Mông cổ tuyệt vời. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi mong các bạn trẻ hãy trân trọng những gì mình đã may mắn có được và đừng để mất đi mà phải ân hận suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời.
Tết Nhâm Thìn 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét