Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI

Tôi nhớ kỳ nghỉ đông năm thứ 3 Trường tổ chức chuyến dã ngoại 3 tỉnh miền tây Mông cổ. Mục đích của chuyến đi là để kiểm tra kết quả đào tạo thông qua  học sinh đã tốt nghiệp và tìm hiểu nhu cầu đào tạo của thực tiễn sản xuất. Để khuyếch trương Ban giám hiệu đã đưa cả đoàn ca múa của trường đi theo biểu diễn. Đoàn ca múa của trường được tổ chức tương đối hoàn hảo. Đội múa và hát được tuyển từ các khoa đều là sinh viên hoa khôi năm thứ nhất. Tôi là sinh viên nước ngoài vừa là ca sĩ vừa là nhạc công cho nên rất được ưu ái cũng vì thế mà tôi bị thiệt thòi so với các bạn Mông cổ. Di chuyển giữa các tỉnh tôi phải bay cùng Ban Giám hiệu . Tuy vậy đến các tỉnh tôi lại được cùng đi, cùng sinh hoạt với đoàn cho nên cũng có nhiều kỷ niệm khó quyên.


Thời đó không có khách sạn hay nhà nghỉ như bây giờ. Đi đến địa phương nào là được bố trí vào nghỉ ở ký túc xá của Trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh miễn phí. Ngày đầu tiên đến Bayan-Olgii một tỉnh miền cực tây của Mông cổ. Đây là tỉnh chỉ có núi và rừng với dân tộc Mông cổ và Kazakh sống là chủ yếu. Cả tỉnh là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Mùa đông tuyết phủ trắng ngút ngàn. Rừng thông phủ tuyết trông giống như tiên cảnh. Tuy nhiên lạnh ơi là lạnh. Nhiệt độ ở đây không khác gì vùng Xiberi của Nga.


Chiều hôm đó khi tôi đến thì đoàn ca nhạc đã đến trước và đã lo chỗ ăn, ở đàng hoàng. Tôi được phân công ở cùng phòng với anh trưởng đoàn và 2 cậu nhạc công. Tất nhiên là chúng tôi rất thân quen vì đã học và tham gia văn nghệ với nhau mấy năm trời. Sau khi khớp nhạc và tổng duyệt lại chương trình, chúng tôi đi ăn tối. Bữa ăn tại một nhà hàng ở vùng cực tây của Mông cổ có một món rất đặc biệt đó là dưa bắp cải. Lá cải bắp già được muối chua ăn với thịt cừu và thịt dê béo ngậy thật không gì bằng. Đối với tôi nó đặc biệt bởi món dưa đã nhắc tôi nhớ về những ngày khó khăn gian khổ ở quê nhà. Tuổi ấu thơ của tôi là vại dưa và chum tương trong mỗi gia đình người nông dân Việt nam thời đó. Quê tôi là nơi chuyên trồng rau cung cấp cho Hà nội. Rau ngon thì phải cân cho Nhà nước còn lá già được giữ lại để muối dưa cho người và lá già hơn thì làm thức ăn cho lợn. Món dưa bắp cải gắn với tôi suốt những năm tuổi thơ thời chống Mỹ. Bởi thế khi được ăn món này tại nơi đây tuy mùi vị không giống lắm nhưng đã gợi trong tôi nỗi nhớ nhà da diết.


Buổi tối để giết thời gian chúng tôi tổ chức chơi lơ-khơ kiểu Mông cổ. Mỗi bàn 4 người chia làm 2 đôi. Nguyên tắc chơi là các đôi phải một nam, một nữ và người thắng được hôn còn người thua thì bị hôn. Cuộc chơi vui vẻ ầm ĩ cả ký túc xá. Đang kỳ nghỉ đông cho nên không ảnh hưởng đến sinh viên của trường. 12 giờ đêm, trưởng đoàn ra lệnh phải đi ngủ hết để sáng hôm sau biểu diễn một số tiết mục tủ chào mừng lễ tổng kết công tác cuối năm của tỉnh.


Sáng hôm sau buổi biểu diễn trong vòng 45 phút cũng đủ ca, múa , nhạc thành công ngoài sức tưởng tượng. Riêng tiết mục của tôi thực sự là kỷ niệm khó quyên đối với tôi. Tôi nhớ khi biểu diễn xong Bà Chủ tịch tỉnh lên sân khấu ôm hôn tôi. Bà nói mấy câu về cuộc chiến tranh của nhân dân Việt nam và những tình cảm của nhân dân Mông cổ đối với Việt nam. Bà cởi chiếc khăn len trên cổ xuống quàng cho tôi và nhắc tôi luôn nhớ quàng khăn cho ấm cổ để không bị ốm trong những ngày đông lạnh giá xa nhà, để bố mẹ ở Việt nam không phải lo lắng mà yên tâm đánh Mỹ . Tôi thực sự xúc động và tôi đã khóc. Tôi cầm Micro nghẹn ngào, mấy phút sau tôi mới nói được mấy câu cám ơn Bà và nhân dân Mông cổ đã chở che và dạy dỗ chúng tôi nên người. Cả Hội trường vỗ tay không ngớt. Chiếc khăn len màu hồng nhạt tôi vẫn giữ đến tận bây giờ và sẽ truyền lại cho các con tôi để nhớ mãi tình cảm vô bờ bến của một dân tộc luôn lấy tình thương yêu làm lẽ sống của cuộc đời. Một dân tộc tuy còn muôn vàn khó khăn nhưng đã hết lòng ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt nam.


Buổi tối chúng tôi biểu diễn tại Nhà văn hóa tỉnh. Cả hội trường kín chỗ ngồi. Các bạn biết rằng vé bán với giá 50 tukrik là rất đắt so với lương bình quân tháng của một kỹ sư lúc đó chỉ 1000 tukrik. Thế mới biết là văn hóa văn nghệ đối đời sống nhân dân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh quí giá biết bao.


Bữa cơm tối hôm đó tôi bị chúc đến say mèm. Có lẽ do rượu kém chất lượng mà cái say rất khó chịu và cứ chập chờn không ngủ được. Hậu quả của bữa liên hoan là sáng hôm sau đầu tôi đau khủng khiếp và mệt mỏi vô cùng. Đau đến nỗi bữa sáng tôi không ăn được gì. Lịch trình lại phải bay ngay về khu nghỉ đông để kịp buổi biểu diễn chiều và tối. Anh trưởng đoàn lo quá không biết làm thế nào vì sợ bị Ban Giám hiệu quở trách. Lúc đó cậu P. Bold đánh Gitar bass hiến kế là dùng độc trị độc. Tức là dùng rượu trị say. Tôi khiếp quá không đồng ý nhưng 3 thằng quỉ sứ to lớn như Trương Phi đã bẻ quặt tay tôi và dốc vào mồm tôi một ca nhôm đầy rượu. Tôi nuốt vì sợ bị sặc. Sau đó chúng dìu tôi lên máy bay. Quả là hiệu nghiệm. Chỉ 15 phút sau tôi thấy mồ hôi toát đầy mình, người nóng bừng và... hết cả đau đầu. Thật đúng là thuốc tiên. Buổi trưa hôm đó tôi ăn cơm rất ngon vì bụng đói meo và suất diễn buổi chiều và tối tôi đều tham gia đầy đủ. Kể từ ngày đó cứ mỗi lần bị đau đầu, mỏi mệt do bị quá say là tôi lại áp dụng bài thuốc này và thấy kết quả thật diệu kỳ.


Tôi luôn thầm cám ơn số phận đã cho tôi cơ hội gặp gỡ được những người bạn tuyệt vời và cho tôi có được những kỷ niệm không thể nào quên suốt cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét