Với tôi và với mỗi sinh viên Việt nam thập kỷ 80 trở về trước luôn có trong tâm trí hình ảnh Zaisan yên bình đầy mộng mơ. Chúng tôi luôn mong muốn có dịp gặp lại người thân cũ... ZAISAN. Tuy nhiên cùng với sự đổi thay của thể chế kinh tế, Zaisan nói riêng và Ulanbator nói chung đã thay đổi chóng mặt. Từ một thủ đô chỉ có số lượng dân số 250.000 dân đến nay đã tăng lên 1.000.000 dân. Từ một thành phố yên bình nhà cửa thưa thớt đến nay đã san sát nhà cao chọc trời, phố xá tắc nghẹt ô tô. Ngày xưa Bách hóa Tổng hợp to cao thế mà nay như ngôi nhà gỗ nhỏ lọt thỏm trong những khối nhà đồ sộ nguy nga.
Với chính sách mở cửa và tự do phát triển theo kinh tế thị trường, Mông cổ đã trở thành nghĩa địa xe ô tô cũ giống như Việt nam đã là nghĩa địa xe gắn máy vào thập kỷ 80-90 của thế kỷ 20. Chúng ta thử hình dung với thủ đô Ulanbator nhỏ bé, hạ tầng cơ sở được cải tiến không đáng kể mà số xe ô tô đăng ký cả trăm nghìn chiếc thì giao thông không hiểu sẽ xảy ra như thế nào. Giao thông liên tục tắc đường. Thành phố bị ô nhiễm khói bụi trầm trọng đến nỗi người dân Mông cổ đã đổi tên Thủ đô Ulanbator ( Ulaanbaatar- Anh hùng đỏ ) thành Utaanbaatar – Anh hùng khói. Thật giống y chang Việt nam chúng mình.
Các vấn đề về văn hóa giáo dục cũng không tránh khỏi qui luật kinh tế thị trường...Mua điểm, mua bằng tràn lan. Giao thông cũng phải làm luật. Nạn mãi lộ hoành hành khắp nơi. Dân nghèo từ nông thôn đang dồn về thành thị tạo nên sức ép rất lớn cho Chính phủ. Nói chung ta có gì thì bạn có cái ấy.
Đó là nói về mặt trái của cơ chế thị trường ít được kiểm soát. Cái được đối với đất nước Mông cổ rất lớn từ vị thế đất nước đến vị thế kinh tế trong cộng đồng thế giới. Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Mông cổ đang là nơi hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh tế Mông Cổ tập trung vào nông nghiệp và khai thác mỏ. Mông Cổ có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như đồng, than, môlípđen, kẽm, tungsten và vàng chiếm một phần lớn sản phẩm công nghiệp. Dự trữ đồng, than đá và vàng dồi dào của Mông cổ đã thổi bùng lên cơn sốt đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Mông Cổ đạt kỷ lục 17,3%.
Hiện có hơn 30.000 doanh nghiệp độc lập tại Mông Cổ, chủ yếu tập trung tại các thành phố và thủ đô . Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là dê, cừu, lạc đà, ngựa, bột mì, lúa mạch, khoai tây, các loại rau, cà chua, dưa hấu, cỏ khô cho gia súc. GDP của Mông Cổ năm 2011 đạt 8,6 tỷ USD và GDP tính trên đầu người năm 2011 là 3,100 $. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gấp 3 lần năm 2011 và chạm mức kỷ lục 5,3 tỷ USD.
Thị trường Chứng khoán Mông Cổ được thành lập năm 1991 tại Ulanbator và có lẽ là thị trường chứng khoán nhỏ nhất thế giới xét theo tư bản hoá thị trường.
Với những đổi thay của đất nước như vậy, Zaisan của chúng mình cũng phải nằm trong quĩ đạo và đã thay đổi rất nhiều. Khu trường cũ giờ đã mọc thêm nhiều khu nhà cao tầng mới cho các Viện và Trường đại học trực thuộc. Zaisan bây giờ không còn mộng mơ như ngày xưa nữa mà nó cũng hối hả theo vòng quay của nền kinh tế thị trường. Đó mới là phát triển. Người già chúng mình do có tính bảo thủ rất cao cho nên nhiều khi không chịu chấp nhận những thực tế khách quan của sự phát triển. Chúng ta không nên buồn mà phải biết hy sinh vì tương lai. Mời các bạn hãy trở lại chốn xưa để cảm nhận niềm vui và nỗi buồn của Zaisan trong sự phát triển.
Trên đây là một số thông tin tôi có được về Mông cổ trong 10 ngày gặp lại gia đình Thày Purevjav. Có điều gì chưa đúng mong các bạn đang sống tại Mông cổ thông cảm. Sau chuyến thăm vào dịp quốc khánh Mông cổ tháng 7 tới chúng ta sẽ quay trở lại chuyên mục này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét