Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Không có cái chết

Sau khi chết con người ta còn tồn tại hay không còn tồn tại. Nếu còn tồn tại thì chúng ta khi đó tồn tại trong trạng thái vật chất nào, hình hài ra sao, hoạt động thế nào đang là câu hỏi mà cả ngàn năm nay nhân loại chưa trả lời được. Theo tôi đây là lĩnh vực rất khó để mọi người đều hiểu được. Hiểu và tin tùy thuộc vào mức độ NGỘ của mỗi cá nhân trong cuộc đời. Để cùng nhau tìm hiểu về một lĩnh vực mà các kết luận được rút ra chỉ dựa trên phần nhiều là sự NGỘ chứ chưa dựa trên cơ sở khoa học bởi trình độ khoa học của nhân loại chúng ta cho đến nay chưa đạt đến mức có thể lý giải được, chúng tôi mở Diễn đàn này đề nghị các bạn có cùng sở thích tham gia tích cực nhằm tìm đến một mức độ Ngộ nào đó để khi chúng ta được gọi về với Tổ tiên không làm khổ những người còn sống. Trong Diễn đàn này mọi người đừng sợ bị phản bác mà trên cơ sở các ý kiến tranh luận chúng ta sẽ cùng nhau thống nhất những vấn đề cùng quan tâm. Sự thống nhất đó chính là chân lý.  Chân lý hay nói cách khác mục tiêu của Diễn đàn chính là sự NGỘ của mỗi chúng ta về vấn đề xin tạm gọi là TÂM LINH. 

 Đã có rất nhiều người chết lâm sàng và khi sống lại đã tường thuật lại những điều họ đã chứng kiến khi chết nhưng ít ai chịu tin nhất là trong thời đại văn minh này. Điều nghịch lý là hiện nay vấn đề này lại đang được nghiên cứu nhiều tại Pháp, Mỹ nơi tụ hội đầy đủ các nhà sinh lý, tâm lý và các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới. Họ đang cố gắng loại bỏ các yếu tố mang tính mê tín dị đoan để nghiên cứu nghiêm túc các trường hợp liên quan đến cái chết. Các nhà nghiên cứu đã thu thập  hàng ngàn hồ sơ phỏng vấn những người đã chết lâm sàng được cứu sống lại về những cái mà họ đã thấy khi chết.  Các báo cáo, các bài giảng, các bài thuyết trình của các nhà nghiên cứu về cái chết có rất nhiều vấn đề làm mọi người trong thời đại khoa học ngày nay ngạc nhiên và sửng sốt. Ngạc nhiên và sửng sốt không những vì vấn đề được nêu ra do các nhà khoa học nổi tiếng viết mà bởi họ còn trực tiếp tham gia như Bác Sĩ B.ẸSchwarz, Ian Stevenson, Alexander Graham Bell, D. Danielle, Kubler-Ross v..v… Dựa trên các kết quả phỏng vấn ở nhiều nước khác nhau tại các thời điểm khác nhau, các nhà nghiên cứu đều thống nhất đi đến kết luận như sau:

- Chết không phải là hết mà là sự khởi đầu cho một hình thái tồn tại mới.

- Khi chết cái mà ta gọi là linh hồn đã thoát ra khỏi thể xác. Linh hồn ấy lơ lửng ngay trên xác chết và thấy mọi việc xảy ra.

- Khi chết linh hồn trở về trạng thái Nguyên thần tức là trở về với con người hoàn chỉnh không ốm đau hay bệnh tật.

- Linh hồn lúc đó có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát và phải đi qua những đoạn hầm dài hun hút tối tăm hay những cây cầu. Sau đó sẽ đi đến và nhập vào vầng sáng như hình đài sen với những âm thanh êm ái diệu huyền.

- Sau khi nhập vào vầng hào quang đó họ sẽ được gặp những người đã chết trước họ, sẵn sàng hướng dẫn họ bước vào chu kỳ sống mới. Theo lời kể của những người đã có trải nghiệm cận chết, họ khẳng định là đã gặp những thân hay bạn bè đã chết trước đó. Những người này có gương mặt thoáng hiện thoáng khuất và yên lặng. Ðiều đáng quan tâm là chỉ gặp lại phần lớn những người mới chết còn những người đã chết quá lâu thì hiếm gặp.

Vậy câu hỏi được đặt ra là những người ấy đi đâu? Phải chăng họ đã đi vào một thế giới khác hay họ đã đầu thai vào nơi nào đó. Còn những người mới gặp thì đang chờ đợi để được biến đổi sang một dạng sống khác hay tiếp tục đi vào kiếp lai sinh?.

Các nhân chứng đã trải nghiệm cận tử đều chỉ đến đây là phải quay trở về. Những linh hồn đi tiếp thì đều không thể quay trở lại để kể cho chúng ta nghe những gì họ đã thấy. Tất cả các nghiên cứu chỉ có được đến giai đoạn khởi đầu đó còn sau đó là cái gì, các linh hồn sống thế nào, vận động ra sao thì vẫn chưa có lời giải có căn cứ. Hy vọng trong tương lai không xa chúng ta sẽ tìm ra được lời giải cho câu hỏi này.

 Ở Việt nam cũng không hiếm trường hợp như vậy. Những chuyện đi thăm âm phủ gặp người chết đã được xuất bản nhiều. Ví dụ trường hợp Bà Ba bán bánh bèo du ngoạn cõi âm; Bà Lê Thị Duyên sống tại chợ Vườn Chuối năm 1972 bị trúng gió và qua đời. Người nhà khóc lóc khâm liệm và làm ma cho bà. Hai ngày sau, lúc chuẩn bị đưa Bà ra nghĩa trang thì bà đạp tung nắp quan tài, vươn vai ngồi dậy khiến mọi người hoảng hồn chạy toán loạn. Bà nói với mọi người trong nhà:

- Người ta đuổi tôi lên, dưới đó tối tăm dễ sợ lắm. Tôi có gặp ông chủ cửa hàng thịt Cửu Hợi. Ông ăn mặc rách rưới nói là bị đói và lạnh lắm, Ổng nhờ tôi nói với người nhà là hãy cúng cho ông tiền vàng và quần áo.

Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng khi ngủ linh hồn con người cũng thường rời khỏi thể xác và đi chu du khắp nơi gặp được những người đã chết. Người ta càng già yếu thì càng hay bị hiện tượng đó. 

Để lý giải được những vấn đề này cho đến nay đã có rất nhiều giả thuyết. Tuy nhiên chưa có giả thuyết nào đứng vững. Tôi chỉ là người say mê những hiện tượng siêu nhiên xin mạo muội đưa ra một số ý niệm sơ khai để chúng ta cùng nhau thảo luận.
Trước hết cho phép tôi được trình bày một số ý tưởng về sự phát triển của vật chất. Sự phát triển của các dạng vật chất được coi như chuỗi xoáy chôn ốc đến vô cùng. Mỗi chu kỳ tồn tại từ SINH đến TỬ của một dạng vật chất là một vòng trong chuỗi xoáy chôn ốc đó. Hết một chu kỳ vật chất lại được chuyển vào hình thái phát triển cao hơn. Qui luật PHÁT TRIỂN tự nhiên này được áp dụng cho tất cả các chu trình phát triển trong mọi thế giới vật chất. Mỗi một thế giới vật chất là một vòng tròn phát triển và xin phép được gọi là một không gian vật chất. Trong vũ trụ bao la của chúng ta đang tồn tại rất nhiều không gian vật chất. Mỗi không gian được tạo nên bởi tốc độ chuyển động trong không gian đó có thể đạt được. Không gian có tốc độ chuyển động thấp hơn không thể giao tiếp được với không gian có tốc độ cao hơn ( hình dung như máy 286 không đọc được máy 386 ) và chỉ có những cá nhân có khả năng đặc biệt mới giao tiếp được. VD: Không gian chúng ta đang sống là không gian được qui định bởi tốc độ chuyển động tối đa là tốc độ ánh sáng. Khi chúng ta vượt qua được tốc độ này , chúng ta sẽ đi vào không gian khác có tốc độ chuyển động cao hơn, thời gian ở đó chậm hơn. Thuyết tương đối của Nhà Bác học Albert Einstein đã tiếp cận và chứng minh giả thuyết đó. Mọi nghiên cứu khoa học của chúng ta hiện nay đang bị bó hẹp trong các điều kiện của không gian vận tốc ánh sáng. Kiến thức mà các cá nhân trong xã hội chúng ta được nhồi nhét chỉ theo một chiều trong giới hạn của tốc độ ánh sáng do đó khi bàn về các vấn đề ngoài kiến thức bình thường thì thường xuất hiện nhiều ý kiến phản bác, nhất là của các tín đồ khoa học tự nhiên theo trường phái “DUY VẬT”. Để có thể dễ dàng tiếp cận với những ý tưởng mới, cần nhìn nhận vật chất vận động và tương tác trong không gian đa chiều chứ không theo các quan niệm vật lý thông thường. Chúng ta cũng phải dũng cảm chấp nhận những hiện tượng đang tồn tại mà đến nay khoa học chưa giải mã được hoặc giải mã chưa đầy đủ. Do sự Ngộ của chúng ta còn hạn chế, cho phép tôi chỉ bàn đến vấn đề tâm linh trong “không gian tốc độ ánh sáng” của chúng ta.

Vật chất không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Trong tự nhiên điều kiện cần đầu tiên để mọi phản ứng tổng hợp xảy ra bao giờ cũng là năng lượng và khi phân rã sẽ tỏa ra năng lượng. Một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta cần phải được trả lời thỏa đáng là khoảng 6g mất đi khi chúng ta “chết” đi đâu?. Tất cả những câu trả lời theo trường phái Duy vật cho đến nay đều không thỏa đáng. Tôi tin vào câu trả lời của các nhà khoa học tâm lý. Họ gọi phần năng lượng mất đi khi chúng ta chết đó là năng lượng tâm lý. Nhưng họ lại không lý giải được là năng lượng đó sẽ tồn tại thế nào, ở đâu, theo qui luật tự nhiên nào...?. Các nhà khoa học tâm linh trên thế giới tiến xa hơn. Phật giáo và Thiên chúa giáo cũng đã phát kiến ra bản chất và các khái niệm về các dạng năng lượng trong vũ trụ. Năng lượng được phân chia thành nhiều tầng. Tầng cao nhất được gọi là NIẾT BÀN. Phật giáo gọi đây là cõi cực lạc hay nói theo triết học là cội nguồn của sự sống. Theo tôi hiểu thì các tầng ở đây chính là các không gian. Ở không gian NIẾT BÀN có lẽ tốc độ chuyển động tối đa gần đạt đến vô cùng. Ở trong không gian đó Vũ trụ chỉ như cái ao làng mà thôi. Trước đây khi đọc Tây Du Ký tôi đã không thể hiểu được là làm sao Ngô Thừa Ân đã đưa ra quan niệm một ngày trên thiên đình bằng một năm và một này ở cõi cực lạc bằng cả ngàn năm nơi hạ giới. Nay tôi đã phần nào hiểu trên cơ sở không gian đa chiều.

Chúng ta thống nhất với nhau một điều là năng lượng tâm lý của con người từ nay để cho gọn xin gọi là linh hồn. Như vậy mọi người đều có 2 phần: Phần thể xác vật chất và phần linh hồn. Linh hồn đó đến từ không gian khác được chuyển hóa thành và nhập vào hình hài vật chất của không gian mới mà linh hồn đó tồn tại. Khi chúng ta chết đi, những linh hồn nào có đủ điều kiện sẽ được chuyển hóa biến thành loại năng lượng khác tồn tại trong không gian có tốc độ chuyển động cao hơn. Một bộ phận không hội tụ đủ điều kiện để chuyển đổi hoàn toàn thì quay lại đầu thai vào các loài đang tồn tại trong không gian tốc độ ánh sáng của chúng ta. Do đó mới có các thuyết đầu thai, kiếp người, kiếp vật. Còn một số nhỏ do trục trặc một yếu tố nào đó đã không chuyển được sang không gian khác, không đầu thai được và tồn tại vật vờ trong thế giới diêm phù này, theo tôi, có lẽ đấy là những hiện tượng chúng ta quen gọi là ma, quỷ.

Giữa không gian này sang không gian khác có các con đường khác nhau để biến đổi. Nhiều người có trải nghiệm cận tử thường chỉ mới tiếp cận đến điểm khởi đầu của con đường chuyển tiếp. Linh hồn được đi theo đường nào, chuyển đổi theo cách nào tùy thuộc vào đức tin, thái độ và kiểu sống của họ khi còn ở dương gian. Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Jesu đã ngộ được điều này và đã lập ra đạo Phật và đạo Thiên Chúa để giúp con người tu thân nhằm mục tiêu khi chết đều đến được cõi cực lạc.

Các không gian không phải hoàn toàn cách biệt nhau mà luôn có những điểm hỗn mang hay gọi nôm na là lỗ hổng không gian. Giả sử khi một vật ở không gian này vô tình rơi vào lỗ hổng đó thì sẽ chịu sự chi phối của không gian đó. Điều này có thể lý giải được những chuyện ly kỳ như Từ Thức gặp tiên hay chuyện Thuyền trưởng tàu Titanic trở về sau gần 100 năm, một số thủy thủ đoàn của tàu chiến của Mỹ đã xác định bị bắn chìm trong thế chiến thứ hai trở về trên một chiếc xuồng  sau hơn 50 năm và tất cả bọn họ trông vẫn như lúc gặp nạn và họ đều khẳng định thời gian đang là thời gian lúc gặp nạn....Và còn rất nhiều sự kiện như vậy đã được ghi nhận trên nhiều thể loại khác nhau.

Trong giai đoạn chờ để được chuyển tiếp, các linh hồn có thể đi đến mọi nơi trên hành tinh chúng ta và có lẽ nếu có đi đến các hành tinh khác thì cũng chỉ có thể đi đến các hành tinh trong hệ mặt trời mà thôi vì linh hồn vẫn bị ràng buộc bởi  giới hạn của tốc độ chuyển động. Điều này đã được phần lớn người đã qua trải nghiệm cận tử kể lại. Bản thân TS Kubller-Ross đã trực tiếp tham gia vào thí nghiệm chết lâm sàng đã kể lại là Bà đã phóng đi rất nhanh, chớp mắt đã nhìn thấy dãy Alpe và những cánh đồng hoa cải đẹp như một tấm thảm. Sau đó là những dãy núi hùng vĩ đã mang đến cho Bà cảm giác linh thiêng an bình có tên là Hymalaya. Sau này Bà đã tìm đến nơi này ở trên dãy núi Hymalaya và Bà đã lập một trung tâm điều trị miễn phí cho người bị mắc bệnh SIDA ở đó.

Theo Tiến sĩ Kubller-Ross, những linh hồn khi đã “học” hết những cái cần thì sẽ được lên thiên đàng. Còn những linh hồn chưa học hết thì phải quay lại đầu thai để học tiếp. Học xong càng sớm thì càng nhanh chóng được về cõi cực lạc. Điều này lý giải tại sao Thiên Chúa giáo lại coi trọng tuổi chết đến như vậy: Chết càng sớm thì càng ít tội, càng sớm được về bên Chúa.


Các kết quả nghiên cứu đã chỉ cho chúng ta thấy CHẾT chưa phải là hết mà chỉ là sự khởi đầu của một chu kỳ SỐNG mới. CHẾT là hiện tượng chuyển tiếp do đó không có cái CHẾT. 


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

BÁT CƠM SUNG MUỐI

Nén nhang dâng lên Mẹ nhân 15 năm ngày Mẹ ra đi về cõi vĩnh hằng

    
      Đã là con người ai cũng có mẹ. Mẹ là người đã mang nặng đẻ đau, là người luôn dành hết tinh lực của cuộc đời cho các con. Đối với các con, mẹ không bao giờ phân biệt SANG HÈN. Đứa nào Mẹ cũng coi như nhau, quan tâm như nhau cho dù mối quan tâm của mẹ tùy vào gia cảnh và năng lực của mỗi người. Tất cả cuộc đời Mẹ chỉ vì một mục tiêu duy nhất là các con mẹ trưởng thành và không làm gì hoen ố thanh danh của gia đình, tổ tiên, dòng họ.

Mỗi chúng ta cần phải nỗ lực để hiểu về Mẹ. Khi chúng ta còn chưa hiểu và chưa thấy hết nỗi vất vả, gian lao của Mẹ thì chúng ta vẫn chưa trưởng thành và chưa được coi là đã thành NGƯỜI. Trong chúng ta, người may mắn nhiều thì sẽ hiểu được Mẹ sớm hơn, người may mắn ít thì hiểu muộn hơn còn không ít người bất hạnh chỉ hiểu được lòng Mẹ khi mẹ đã ra đi mãi mãi. Chúng ta hiểu Mẹ không phải để trả ơn Mẹ bằng mâm cao cỗ đầy, bằng đồ trang sức đắt tiền hay ngôi biệt thự tráng lệ mà để chúng ta quan tâm đến Mẹ hơn, cố gắng làm những việc tốt để Mẹ vui. Mẹ chỉ vui khi các con Mẹ đã trưởng thành, Anh em hòa thuận, đủ ăn đủ tiêu không phải lo lắng nhiều đến Cơm-Áo-Gạo-Tiền và nhất là biết nghĩ đến người khác. Nói thì rất dễ những làm được thì khó vô cùng. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một điều kiện nhưng tựu trung lại cách báo hiếu Mẹ tốt nhất là mỗi chúng ta phải tự hoàn thiện mình, nỗ lực phấn đấu để có được gia đình êm ấm. Tôi là người may mắn hiểu được Mẹ tương đối sớm. Có lẽ do hoàn cảnh đưa đẩy...

Tôi là con út trong gia đình. Là con út cho nên tôi thấy mình có quyền to lắm. Tôi hay ăn vạ khi thấy có gì không vừa ý và mỗi lần như vậy Anh Chị tôi lại bị Mẹ mắng te tua. Cả nhà chỉ mình tôi là được ăn học đến đầu đến đũa. Các Anh Chị tôi đều phải nghỉ học giữa chừng để đi làm. Sau này đều trưởng thành nhờ các khóa chuyên tu, hàm thụ. Được cưng chiều như vậy cho nên tôi có tính ích kỷ chỉ nghĩ đến mình...

Tôi may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa là được cử đi học ở nước ngoài trong khi nhiều người phải ra chiến trường đầy máu lửa. Năm học tiếng chúng tôi ở 3 người một phòng. Sinh hoạt chung thì phân chia trách nhiệm rõ ràng: Mỗi người lo đồ và nấu ăn 1 tuần; Ai ăn xong sau phải rửa bát. Tôi rất sợ rửa bát cho nên thường ăn rất nhanh và hầu như suốt bẩy năm ở Mông cổ tôi ít khi phải rửa bát. Việc này cũng làm cho nhiều đại ca phải sống với tôi rất phiền lòng. Nhân dịp này tôi cũng xin gửi lời cáo lỗi đến các bậc huynh trưởng và xin hứa nếu kiếp sau còn được ở với nhau tiểu đệ sẽ sửa lỗi lầm.

Tôi nhớ mãi vào một buổi chiều mùa đông lạnh giá. Nhiệt độ dưới hai mươi độ âm. Hôm đó đến phiên tôi phải đi mua đồ ăn cho cả phòng. Chiều học xong 2 tiết, tôi gửi cặp sách cho bạn mang về và cuốc bộ đến cửa hàng giao tế để mua hàng. Các bạn biết đường từ trường Tổng hợp đến cửa hàng giao tế phải xa gần 3 km. Hôm đó thấy có dâu tây ngon tôi mua thêm vài ký. Thế là một tay xách 10 kg gạo, tay còn lại xách thịt, rau, dâu tây cũng phải trên 10 kg. Hăng hái được khoảng 500 m. Sau đó cứ đổi tay cho dù 2 túi nặng gần như nhau và nghỉ liên tục. Quãng đường nghỉ cứ ngắn dần, ngắn dần. Có lúc tôi chỉ muốn quẳng hết đi vì trời quá lạnh, mệt thở không ra hơi, phổi đau rát, chân tay mỏi nhừ tê cóng. Cố gắng lê mãi cũng về được đến vườn hoa sau nhà Quốc hội. Tôi không thể đi thêm được nữa. Tôi bỏ hết đồ trên đường và ngồi phịch xuống ghế công viên để nghỉ. Mệt mỏi, chán chường. Tôi cảm thấy sao mà khổ thế. Nước mắt cứ ứa ra và cổ tôi nghẹn ngào không thở được. Tôi cố tìm cách nín khóc để thở và... bỗng tôi thở hắt ra được và khóc òa thổn thức. Tôi khóc thực sự, khóc to như một đứa trẻ. May là lúc đó không có ai đi ngang qua. Tôi vừa khóc vừa gọi mẹ. Sau một lúc ngớt cơn khóc tôi nhớ về Mẹ. Con người ta vào những lúc khó khăn nhất của cuộc đời luôn cầu cứu Mẹ. “Mẹ ơi” đó là câu cửa miệng của mỗi người thốt ra khi gặp điều gì đó bất ngờ, sung sướng hay đau khổ. Nhớ đến mẹ tôi thấy hiện lên một cuốn phim về cuộc đời lam lũ vất vả của mẹ. Tôi nhận thấy nỗi khổ của tôi lúc này chưa bằng hạt cát giữa biển khơi cuộc đời  của Mẹ...

Quê tôi trước đây thuộc vùng Kinh Bắc, nay là ngoại thành Hà nội, nơi các làn điệu quan họ luôn thấm vào mỗi tâm hồn từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Mẹ tôi nghe các cụ kể lại là một liền chị có tiếng vừa xinh đẹp lại hát hay. Chẳng hiểu có phải do Mẹ tôi sinh vào năm Đinh, Nhâm, Quí, Giáp cao số không mà tình duyên lận đận. Đúng như người ta thường nói “ Hồng nhan, bạc phận ”. Mẹ tôi phải làm lẽ khi tuổi đã gần ba mươi. Bố tôi là con người cao to, đẹp trai, hào hoa, phong nhã. Nghe Mẹ tôi kể thì tài tán gái và hát cô đầu của cụ các con cháu không ai theo kịp.

Do muộn bề con cái, Bố tôi đến với Mẹ bởi yêu nét người của Mẹ cho dù Bố tôi kém Mẹ đến hai tuổi. Sau khi cưới, Mẹ già có con ngay và chỉ sinh được một anh trai còn Mẹ tôi cũng sinh cho Bố tôi 2 trai và 2 gái. Mẹ tôi rất đảm đang. Lấy Bố tôi Mẹ dùng tiền riêng mua mảnh đất để ở riêng chứ không ở chung với Ông Bà nội. Chỉ trong khoảng 10 năm Mẹ đã mua được 3 mẫu ruộng và một mẫu đất vườn. Mẹ vay mượn xây được ngôi nhà ngói 5 gian bề thế. Các bạn phải biết rằng trong kháng chiến chống Pháp, một gia đình nông dân mà xây được nhà ngói không phải dễ dàng nhất là đối với một người phụ nữ một nách 4 con nhỏ. Những lúc nông nhàn Mẹ tôi gồng gánh đi các làng thu mua sắt vụn. Cuộc đời bốn anh chị em tôi hằn trên hai vai u cục bởi gánh nặng và đi bộ nhiều của Mẹ.

Tôi là khắc tinh của Cha và là tội đồ của Mẹ. Khi tôi được sinh ra, làng tôi đã bị giặc Pháp càn quyét. Chúng đã đốt cháy hết các ngôi nhà trong làng bởi làng tôi là làng du kích. Bố tôi cũng bị bắn trong trận càn kinh hoàng đó. Mẹ tôi kể lại là nhà tôi bị chúng chất cây đỗ khô vào đầy nhà và đốt. Ngọn lửa cháy gần một ngày nhà mới đổ vì các cột gỗ lim vừa to vừa chắc. Nhà cháy, chồng chết. Tôi không hiểu với sức mạnh nào mà Mẹ đã vượt qua được những khổ đau,  chất chồng ngày ấy. Có lẽ bốn anh chị em chúng tôi là lý do, là sức mạnh, là điểm tựa để Mẹ vượt qua được chính bản thân trong những thời khắc nguy nan nhất của cuộc đời.

Với hai bàn tay trắng, mẹ đã cùng bà con trong làng dựng tạm lại nhà để ở và xây dựng lại cuộc sống mới. Do vất vả, buồn đau, Mẹ không có sữa cho tôi bú. Ba tháng tuổi tôi đã phải ăn nước cháo. Tôi gày gò, bé nhỏ như thằng đánh bả gà cho nên Mẹ thương và cưng chiều tôi nhất. Mỗi lần Mẹ đi bán sắt vụn bên Hà nội về tôi lại được một xâu bánh phồng xanh đỏ hình các con giống. Bỏ miếng bánh vào mồm, chưa kịp nhai bánh đã tan theo nước bọt đang ứa đầy miệng. Tôi rất hay ốm vặt. Những khi tôi bị ốm Mẹ đi chợ về thay vì bánh phồng là một miếng gan hay thịt nạc luộc. Mẹ bắt tôi phải ăn hết ngay kẻo Anh, Chị tôi biết. Kỷ niệm tuổi thơ của riêng tôi là xâu bánh phồng xanh đỏ hay miếng thịt lợn luộc béo ngậy đã theo tôi suốt cuộc đời.

Nhà tôi ngày càng nghèo bởi món nợ hai lần làm nhà. Cứ mùa xong là nhà chẳng còn hạt thóc vì phải trả nợ hết. Cả nhà tôi phải ăn độn khoai lang khô nhiều khi đã bị mốc xanh lè. Mẹ được cử làm cán bộ phụ nữ xã và bị buộc không được đi buôn bán nữa. Nhà đã nghèo nay lại càng nghèo...

     Vào năm học cấp 3, tôi bắt đầu thay da đổi thịt, luôn cảm thấy đói và lúc nào cũng tưởng như chưa được ăn. Chiều về bao giờ cũng tranh nấu cơm vì tôi biết là Mẹ ăn sau bao giờ cũng để lại chút cơm để dành cho tôi lúc đi học về bụng luôn bị đói. Chút cơm nguội ăn với vài hạt muối biển đầy sạn mà cảm thấy ngon hơn cả sơn hào hải vị bây giờ. Tôi nhớ mãi vào một đêm năm tôi học lớp 9. Hôm đó có trận đấu bóng giao hữu giữa các khối (tôi tuy người bé nhỏ nhưng là tiền đạo có hạng) chắc do vận động nhiều mà đêm đó tôi không sao ngủ được vì đói. Bụng đau quặn, réo sôi sùng sục. Tôi nằm khóc tức tưởi vì đói. Mẹ nghe thấy tôi khóc, biết rõ nguồn cơn. Giữa đêm khuya Mẹ đã lục cục dạy xuống bếp nấu cho tôi bát cơm nóng hổi. Cơm nóng ăn với sung muối sao mà ngon đến thế. Giá lúc đó có ai đề nghị đổi bát cơm lấy cả núi vàng chắc chắn tôi cũng không đổi. Tôi ăn ngấu nghiến. Mẹ ngồi bất động nhìn tôi ăn. Khuôn mặt hốc hác của mẹ đẫm đầy nước mắt. Tôi không dám nhìn Mẹ. Tôi biết nếu lúc đó tôi khóc hay không ăn chắc sẽ làm Mẹ tủi thân gấp vạn lần. Tôi vừa ăn vừa nuốt ngược dòng nước mắt. Tôi xót xa thấy thương Mẹ vô cùng.

Kể từ hôm đó, những buổi không phải đi học tôi cố gắng đi làm phụ Mẹ. Các bạn biết không thời ấy chúng tôi chỉ là lao động phụ. Dù có làm tốt đến mấy cũng chỉ được tính 5 điểm. Còn lao động chính là xã viên hợp tác xã thì được tính 10 điểm. Một ngày công 10 điểm đến mùa được lĩnh 800g thóc. Thật xót xa. Hết giờ làm tôi lại đôi quang gánh đi nhặt phân rơi. Mỗi tháng cân cho Hợp tác xã cũng được vài tạ. Số phân đó được trả bằng thóc đã đỡ thêm cho Mẹ phần nào...

Tôi chợt bừng tỉnh vì tiếng cười đùa của đàn em nhỏ tan trường. Nhìn các em vui vẻ, hạnh phúc, no đủ tôi ước ao sau này sẽ phấn đấu để các con tôi cũng được như vậy. Có như thế mới đền đáp được công lao mà Mẹ đã dành cho tôi. Tôi cảm thấy mạnh khỏe hơn. Hai tay hai túi hàng nặng, tôi bước nhanh về ký túc xá để chuẩn bị cơm chiều.

Trên 40 năm đã trôi qua, tôi không bao giờ quên được mùi vị của bát cơm sung muối ngày đó. Cho dù ở bất cứ nơi đâu tại châu Âu hay châu Mỹ mỗi khi gặp khó khăn tôi lại nghĩ đến Mẹ. Những lúc ấy hình bóng mẹ ngồi khóc nhìn tôi ăn cơm sung muối lại hiện về tiếp cho tôi thêm sức mạnh và sưởi ấm lòng tôi...


                                                           Mùa Vu lan năm Tân Mão

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

TẢN MẠN MỘT THỜI MÔNG CỔ

      Tụi mình là khoá thứ 7 qua học tại Mông cổ. Nói là thứ 7 nhưng thực ra cách với khoá 1 trên 10 năm vì có mấy năm Việt nam không gửi Sinh viên qua. Thời chiến tranh cuộc sống rất vất vả. Học sinh học nông nghiệp toàn dân NHÀ QUÊ. Học sinh nông thôn được đi nước ngoài là nhà có phúc lớn lắm. May mắn là hồi đó Bác Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Chủ trương của Bác là chọn lọc học sinh giỏi đi đào tạo ở nước ngoài để chuẩn bị lực lượng Khoa học-Công nghệ cho nước nhà sau chiến tranh.  Mình nhớ năm đó là năm thứ 2 phải thi vào đại học. Có một anh ở Nghệ an thi đạt 27 điểm ( thủ khoa thời đó ) nhưng lại bị xã giữ lại không làm thủ tục cắt hộ khẩu chỉ vì gia đình chưa có ai đi bộ đội. Chuyện này đến tai bác Bộ trưởng. Bác ra lệnh “Cứ đưa em ra đi học tội đâu tôi chịu hết”.
Từ quê đói nghèo chúng tôi hãnh diện bước chân lên tàu liên vận và may mắn làm sao lại gặp được các anh đi trước về phép cùng sang. Chúng tôi đã được các anh hướng dẫn cho mọi điều cho nên không bị bỡ ngỡ. Còn không may mắn gặp người đi trước như khoá Anh Thật thì vất vả vô cùng. Tôi xin kể lại câu chuyện có thật của Anh Nguyễn Văn Thật giờ là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Băng la đét. Xin phép anh Thật cho tôi kể lại chuyện này để cho mọi người hồi tưởng lại trình độ dân trí của chúng ta thời đó, của “Một thời máu lửa”. 

Chuyện thứ nhất : Ăn cơm Tàu

Hồi đó ở Việt nam đói lắm. Khi sang đến Bằng Tường bước chân lên tàu liên vận của Trung Quốc mọi người đều ngỡ ngàng vì tầu hỏa của họ sao mà đẹp thế: giường đệm trắng tinh, sàn trải thảm đỏ rực rỡ. 5 giờ chiều được nhân viên báo đi ăn cơm. Nhìn mâm cơm có đầy thức ăn mà cơm chỉ có một tô nhỏ, các anh nghĩ người dân ở các nước tiên tiến thật văn minh, họ ăn rất ít cơm còn chủ yếu là thức ăn. Thế là 5 Anh em chia nhau tô cơm. Mỗi người chỉ được nửa bát. Để khỏi thừa thức ăn tất cả cố gắng ăn hết cho dù mặn, đắng. Khi ăn gần hết bát cơm thì thấy tiếp viên đưa tô cơm mới ra. Lúc đó các anh chia nhau thêm nửa bát cơm và bảo nhau là cứ ăn vô tư chắc là ở nước ngoài được ăn thoải mái không hạn chế. Thế nhưng chờ mãi chẳng thấy đưa tiếp thức ăn và cơm . Để ý các bàn xung quanh các anh mới nhận ra rằng họ chỉ thêm cơm chứ không thêm thức ăn. Khi thức ăn trên bàn hết cũng là lúc bữa ăn kết thúc. Các anh ủ rũ về phòng với cái dạ dày mới chỉ được một phần. Học phí của sĩ diện không chịu học hỏi là một đêm phải ngủ đói.   

Chuyên thứ hai: Hố xí máy

Đến Bắc Kinh do khách sạn Bắc vĩ đã quá đông khách, 5 anh em được Ban quản lý lưu học sinh tại Trung quốc xếp cho nghỉ ở khách sạn Tân Kiều. Đây là khách sạng quốc tế hạng sang. Tất cả hành lang đều được trải thảm đỏ rực. Sàn phòng được trải thảm màu xanh da trời. Trong phòng tắm và vệ sinh mọi thứ đều sạch sẽ, trắng tinh, bóng như gương đến nỗi không dám sờ vào cái gì.
Chiều hôm đó mọi người đi thăm quan Di Hòa Viên. Anh Thật ở nhà không đi. Nằm mãi không ngủ được, suy nghĩ lung tung. Anh vùng dạy thám hiểm đồ đạc trong phòng. Nhìn thấy hố bệt Anh nghĩ rằng hố xí máy chắc hiện đại lắm thích đi lúc nào cũng được. Thế là anh háo hức đi thử. Ngồi mãi, rặn mãi mất đến gần một tiếng đồng hồ mà chỉ đi được vài cục bé tí. Lúc đó Anh mới hiểu thế nào là hố xí máy. Đi xong vấn đề nam giải là không biết vứt giấy chùi vào đâu. Anh không dám bỏ vào hỗ xí vì sợ bị tắc. Tìm mãi mới thấy lỗ thoát nước trong nhà tắm. Thế là Anh xé từng tí, ve thành sợi và nhét vào các lỗ thoát nước. Loay hoay mãi cũng nhét hết chỗ giấy vệ sinh. Xong việc Anh thở phào nhẹ nhõm như vừa che dấu được một việc hệ trọng thành công. Anh cởi quần áo và vặn nước tắm. Vòi hoa sen phun mạnh thật là sảng khoái. Anh điều chỉnh nóng lạnh, vừa tắm vừa hát. Bỗng Anh cảm thấy có tiếng đập cửa và ngoài hành lang tiếng chân chạy ầm ầm, tiếng người xôn xao. Anh tắt nước, mặc quần áo và ra ngoài thì... trời ơi nước đầy phòng, ngập hết thảm. Hết hồn. Anh vội vơ chiếc áo Complet vẫn mặc để thấm nước. Lúc này nước cũng tràn hết ra thảm ngoài hành lang và các nhân viên khách sạn phải lau và thay thảm. Họ gõ cửa phòng mãi không được đã lấy thìa khoá mở cửa vào. Nhìn thấy Anh đang dùng áo khoác để thấm nước đã rất sợ hãi và xin lỗi rối rít. Lập tức Lãnh đạo khách sạn đến ra lệnh chuyển anh sang phòng mới với lời xin lỗi chân thành. Tất nhiên một số nhân viên chắc chắn bị kỷ luật đuổi việc vì tắc trách. Điều này đã làm Anh ân hận đến tận bây giờ.

Chuyện thứ ba: Mua búa đinh

Sang đến Ulanbator các Anh được các Anh sinh viên cũ đón tiếp rất long trọng. Được tiếp một bữa cơm liên hoan gặp mặt ấm tình huynh đệ. Trong bữa ăn Anh Tố đột ngột hỏi:
-       Các cậu có mang búa đinh sang không?
Cả bọn ngơ ngác không hiểu gì cả. Anh Thật nói:
-       Dạ, chúng em không mang. Nhưng đem búa đinh sang để làm gì ạ?
-   Bên này lạnh lắm. Nếu đi đường buồn đi tiểu mà không có búa để đập băng thì không đi tiểu được đâu. Anh Tố ân cần giảng giải.
Tưởng như ở Việt nam tiện đâu phóng uế đấy, hôm sau nhận tiền học bổng xong cả 5 Anh em khẩn khoản nhờ Anh Tố dẫn đi mua búa làm cả hội cười nghiêng ngả.


ĐÊM KHÔNG NGỦ

Lời tựa: Những ngày chúng tôi xa nhau, không biết đã có bao nhiêu đêm dài không ngủ. Suốt đêm ngồi ngắm sao trời nhớ em và toan tính tương lai. Một đêm mùa đông lạnh giá, tôi nhớ em cồn cào không tài nào ngủ được. Tôi vùng dạy ngồi vào bàn ghi lại những ý thơ nhung nhớ đang tuôn trào trong tôi.

 Đêm không ngủ - đêm dài vô tận
Mỗi canh gà đếm tựa ba thu
Hỡi ai đó đêm nay không ngủ!
Hãy đến cùng ta tâm sự nỗi buồn.

 Ngồi một mình đêm tĩnh mịch mông lung
Tiếng chim hót giữa trời đêm vắng lặng
Chim ơi chim, cớ gì chim khóc,
Có phải vì chim cũng vời vợi nhớ thương?

 Chim bay rồi chim để lại mình ta
Ôm nỗi nhớ trong đêm dài băng giá
Bay về đâu đêm nay chim hỡi?
Cho gửi hồn ta theo cánh chim bay. 

Có một người buồn không biết rét
Đêm dài ngồi ngắm cảnh đông tàn
Chao ôi mong nhớ, ôi mong nhớ!
Một cánh chim khuya lạc cuối ngàn.

 Tiếng tàu đêm xình xịch chạy qua
Tàu về Nam hay tàu lên Bắc?
Nếu tàu lên xin tàu hãy mang ta
Tới chốn xa nơi người ta luôn nhắc.

 C.Tuya có hiểu thấu anh chăng
Chỉ biết khóc trong lòng đêm thanh vắng
Và ai đó đêm nay thức trắng
Hãy đến cùng ta tâm sự nỗi chờ mong.

                            Đông 1974



Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011


 Cảm xúc thời sinh viên

      Tụi mình được cử qua học Đại học ở đất nước Mông cổ lúc còn trẻ lắm chỉ mới 18 tuổi thôi. Ra đi từ đất nước đang có chiến tranh và đói nghèo. Muôn điều bỡ ngỡ. Tuy nhiên cũng chỉ háo hức lúc ban đầu và chỉ sau 1 năm thôi lại nhớ quê hương da diết. Bài vịnh 4 mùa của mình ra đời trong những lúc nhớ nhà cách nay đã 40 năm. Gửi các bạn cùng vui để nhớ lại 40 năm về trước.

             Vịnh 4 mùa

                  Xuân

Mùa này đâu có phải mùa xuân
Ông trời sao chẳng khéo xoay vần  
Gió lạnh tái tê hun hút thổi
Bụi tưởng sương mù...Ối là xuân!.

                   Hạ

Hè ở nơi này cũng đẹp sao,
Bầu trời xanh ngắt mấy tầngcao
Hoa , lá tranh đua khoe sắc thắm
Ai bảo THẢO NGUYÊN chẳng đẹp nào.

                   Thu

Thu vàng...mà quả thật là vàng
Cỏ cây vàng rụng mỗi thu sang
Trời vàng rồi đến người vàng nốt
Cái bệnh vàng da quả là vàng.

                  Đông

Thảo nguyên tĩnh lặng giữa hư không
Trời xanh, tuyết trắng đến khôn cùng
Nhiệt độ trung bình âm bốn chục
        Lam chiều, ngựa hí, bóng ai trông.

Mối Tình Đầu

     Hè năm thứ nhất tôi được cử đi phiên dịch cho đoàn thiếu nhi Việt nam tại Trại hè thiếu nhi quốc tế Mông cổ. Vào buổi tối đoàn Việt nam tổ chức liên hoan giao lưu với bạn bè quốc tế, tôi xuống gặp Ban Giám đốc  nhờ chuẩn bị nước uống, bánh kẹo. Vừa bước vào nhà tôi thực sự sững sờ trước vẻ đẹp thánh thiện của cô bé giúp việc. Người cao, da trắng hồng, mắt bồ câu đen nhánh, tóc xõa ngang vai và đặc biệt có nụ cười mê hồn, đôi môi hồng đầy khêu gợi. Thật may mắn làm sao Chị Giám đốc lại phân công em giúp đỡ đoàn Việt nam tổ chức buổi gặp mặt đó. Thế là chúng tôi quen nhau. Em 17 tuổi mới hết lớp 11, nhân dịp nghỉ hè đi làm tình nguyện. Tôi một thằng con trai mới lớn tại đất nước đang có chiến tranh chưa biết yêu là gì đứng trước mỹ nhân thật là ngố.
Tết âm lịch năm đó tôi đến chúc tết gia đình Thày Purevchao. Thày là trưởng phòng giáo vụ, dạy sản khoa và sau này là Hiệu phó trường. Tôi đến vì tôi học cùng khóa và cùng văn nghệ văn gừng với con trai của thày là cậu P. Bold. Thày rất quí sinh viên Việt nam. Các bạn chưa biết hết những vất vả mà thày đã bỏ ra để lo kinh phí cho những lần nghỉ mát, thực tập tốt nghiệp cho sinh viên chúng mình đâu. Thày luôn là người đề xuất và lo tổ chức các buổi mít tinh, quyên góp ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt nam. Thày rất yêu Việt nam. Tôi nhớ ngày Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng sa của chúng ta. Buổi sáng khi đến trường thấy Thày hốt hoảng chạy đến báo tin cho tôi biết là Bọn Trung Quốc đã đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt nam. Kinh nghiệm lịch sử xương máu về vùng Nội Mông đã cho Thày và người dân Mông Cổ hiểu rõ bộ mặt thật của bè lũ bá quyền. Còn chúng tôi khi ấy ngây thơ cứ tưởng họ giúp mình. Nào ngờ...
Bước chân vào phòng khách tôi kêu lên kinh ngạc vì thấy em đang cùng con gái thày đánh đàn Piano. Em cũng nhìn thấy tôi và chúng tôi chào nhau. Cả nhà thày ngạc nhiên không hiểu sao chúng tôi quen nhau. Em giới thiệu tôi với Bố mẹ em và lý do chúng tôi quen nhau . Bố em là em ruột của Thày giáo tôi và là Giám đốc Sở Văn hóa của Thủ đô Ulanbator, một con người hào hoa rất dễ gần. Thế là chúng tôi thân lại càng thân. Nhận lời mời của Bố mẹ em, chiều đó tôi cùng gia đình thày đến chúc tết nhà em. Nhà em ở khu dành cho chuyên gia Liên xô. Một căn hộ rộng 5 phòng. Mẹ em xuất thân là diễn viên múa, sau khi lấy chồng chuyển về làm việc tại Trường Đại học sư phạm làm giảng viên nghệ thuật. Em có một em trai đang học lớp 7. Chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh. Tôi đàn và hát cho cả nhà nghe vài bài hát dân ca Việt nam. Mọi người nhìn tôi đầy ngưỡng mộ. Chỉ có cậu P. Bold biết rõ “tài rỏm” của tôi cho nên chỉ nhìn tôi nhếch mép cười ruồi. Ngày mồng một tết năm đó là ngày kỷ niệm đáng nhớ và hạnh phúc đối với tôi.
Chúng tôi thi thoảng gặp gỡ nhau, cùng đi xem phim, xem ca nhạc. Tôi và em thường hẹn nhau vào những ngày em được nghỉ học còn tôi có giờ lý thuyết. Trốn vào giữa giờ rất dễ và không ai biết, nhất là sinh viên Việt nam chúng mình. Tôi đặt tên Việt nam cho em là Minh Hằng bởi tên cúng cơm của em là Ánh trăng ( SARAN TUYA). Em rất thích cái tên đó. Tôi nhớ vào một buổi chiều vừa đi học về, bỗng Bà trực nhật chạy lên báo có điện thoại khẩn. Tôi vội chạy xuống phòng trực thì hóa ra là em gọi. Em nói là không có chuyện gì hệ trọng chỉ nhờ tôi đánh vần lại tên Việt nam để em học và khoe với bạn bè cùng lớp.
Sau những chuyến đi chơi, trước khi chia tay, chúng tôi thường ngồi nghỉ trên ghế đá công viên trước quảng trường Xukhbator. Tôi luôn ra vẻ đàn anh và hay căn dặn em phải cố gắng học giỏi. Em tủm tỉm cười và nhìn tôi đắm đuối. Thi thoảng lại trêu tôi là đàn ông sao mà nhát thế. Tôi biết là em thích tôi và tôi cũng đã yêu em. Nhưng tôi không dám vượt qua ranh giới bạn bè chỉ bởi vì tôi quá yêu em, quá tôn trọng em và vì lẽ tôi sợ bị kỷ luật, bị đuổi về làm xấu hổ gia đình. Tôi sợ...
Năm đó Em thi tốt nghiệp đỗ hạng ưu và được tuyển thẳng đi học ở nước ngoài. Để ăn mừng, chúng tôi cùng 2 bạn gái của em đi thăm bảo tàng Thành Cát Tư Hãn suốt cả ngày. Em được gia đình thưởng cho đi nghỉ mát ở Sô-Chi, còn tôi cùng anh em sinh viên đi nghỉ ở Therench. Sau kỳ nghỉ năm đó tôi tiếp tục bị trưng dụng đi phiên dịch cho đoàn thiếu niên hai miền Nam, Bắc Việt nam.
Em đến Trại hè thiếu niên quốc tế thăm tôi vào một buổi chiều hè lộng gió. Tôi nhớ hôm đó là thứ năm vì lịch của Trại hè thứ năm là ngày sinh hoạt nội bộ. Được tự do, tôi cùng em cưỡi ngựa dạo chơi trên thảo nguyên đầy hoa lá bát ngát xanh ngút đến tận chân trời. Chúng tôi ôm nhau trò chuyện trên thảm cỏ xanh bên suối trong giữa chiều hoàng hôn ngập nắng. Em nhìn tôi trân trối, đôi mắt sưng mọng u buồn bởi tuần sau em phải lên đường du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Tôi rụt rè hôn em với nụ hôn đầy nước mắt. Đôi môi mềm ngọt lịm. Người em run lên. Em ghì chặt lấy tôi... khóc òa thổn thức. Chúng tôi hôn nhau đắm đuối. Giữa thảo nguyên vắng lặng, cỏ hoa thơm ngát, bướm bay dập dờn như tiên cảnh, tôi cảm thấy như không còn không gian, thời gian mà chỉ có đôi tình nhân đang trao gửi tình yêu. Mắt tôi hoa lên. Tôi định làm liều. Không hiểu sao tự nhiên mất hết cảm hứng. Hụt hẫng. Mệt mỏi. Tôi sợ....Tôi bật khóc. Em cũng khóc. Tôi cố gắng giải thích mọi điều, nhưng...Em không tin và và giận dỗi nói rằng tôi không yêu em. Chúng tôi ra về trong tâm trạng thật nặng nề.
Đêm đó tôi không sao ngủ được và suy nghĩ đủ điều. Mấy ngày sau đó em  không gọi điện và cũng không đến thăm tôi. Tôi cố gắng liên lạc với em nhưng em không trả lời. Tôi ngồi nhớ em cồn cào, thương nhớ khôn cùng. Tôi đã xúc cảm viết được 2 bài thơ. Bài thơ tiếng Mông cổ tôi đã nhờ anh bạn sinh viên cùng lớp rất giỏi thơ sửa lại để gửi cho em. Bài này được nhiều người khen đáo để. Quyển sổ ghi bài hát Mông cổ có ghi bài thơ đã bị thất lạc giờ chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu. Đại ý bài thơ nói về tâm sự của một chàng trai với người con gái trong mộng. Cho dù xa nhau vạn lý, cho dù bao trắc trở về thời gian, không gian, văn hóa vẫn mong có ngày cùng sống với nhau dưới một mái lều. Còn bài tiếng việt mình xin chép lại hầu các bạn ngự lãm.

Thất tình

Thế là hết chẳng còn gì để nói
Ta như người lạc lối giữa trần ai
Tình yêu ơi sao hững hờ đến thế
Để mình ta mong nhớ mãi khôn nguôi.

Khi ta mong thì ngươi chẳng đến cho
Lúc không mong thì ngươi lại đến
Khi lòng ta đang vào thanh thản
Ngươi lại mang lửa khuấy tro tàn.



Chẳng thể nào biết trước được người ơi!
Bởi Duyên kiếp đời người là định mệnh
Dù cầu mong , tìm mọi đường đi đến
Chẳng có tiền duyên, chẳng hợp thành.



Đêm nay buồn ta về với sông Thon
Nghe chim hót thấy lòng càng tê tái
Chim lạc bầy hay chim tìm tình ái
Còn tình ta đã mất biết đâu tìm
Giữa đêm dài đầy những ánh sao đêm.



Bầy đom đóm bay vật vờ trên sóng
Thấy hắt hiu như ánh nến nhà Mồ
Còn đâu buổi đom đóm cài trên tóc
Của những ngày êm đẹp giữa tuổi thơ.



Hết buồn rồi ta lại thấy vui
     ĐỜI là thế xin em yêu hãy nhớ:
     ĐỜI chỉ đẹp khi tình còn dang dở
ĐỜI hết vui khi đã vẹn câu thề...

Em đã điện cho tôi ngay sau khi nhận được bài thơ tình của tôi. Em sung sướng hãnh diện khoe bài thơ đó với bạn bè. Thế là “Gương vỡ lại lành”. Ngày em lên đường du học tôi không thể ra sân bay tiễn em được vì phải theo đoàn đi tham quan Hợp tác xã hữu nghị Mông Việt. Tuần nào em cũng gửi thư cho tôi với bao lời thương nhớ. Tôi cũng viết cho em đều đều. Biết tôi thích sưu tập tem thư, em đã sưu tầm gửi cho tôi nhiều bộ tem quí hiếm.
Hè năm đó tôi được Sứ quán cho về phép thăm nhà. Em về nước nghỉ hè sớm để tiễn tôi. Em thông báo là đã quyết định theo học ngành hóa tại trường Đại học tổng hợp Dresden. Tôi vô cùng cảm động vì biết em được cử đi để học Đạo diễn sân khấu điện ảnh nay có lẽ vì tôi mà chuyển sang học ngành kỹ thuật. Tôi nhớ có một lần đi dạo công viên em có nói rằng tiếc cho mẹ đã bỏ nghề diễn viên thu nhập cao để theo nghề sư phạm. Tôi đã tranh luận rất lâu với em về quyết định đúng đắn của mẹ bởi Bố sợ Mẹ không phân biệt được đâu là ranh giới giữa sân khấu và cuộc đời. Đó là bệnh nghề nghiệp. Em nhìn tôi rất lâu và không nói gì. Tôi biết em suy nghĩ nhiều về những gì chúng tôi đã tranh luận.
Hôm tôi về phép em đã cùng các con thày Purevchao ra ga xe lửa tiễn tôi. Em đẹp lộng lẫy kiêu xa trong bộ váy áo hồng tinh khiết. Bọn lưu học sinh trên tàu về phép từ các nước đông Âu đều trầm trồ khen đẹp. Một số đứa hỏi tôi rằng cô ấy có phải là diễn viên điện ảnh không đã làm tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện. Chỉ trong thời gian ngắn nghỉ hè ở Việt nam tôi đã viết cho em hơn 20 lá thư. Thư nào tôi cũng kể tình hình chiến sự ở Việt nam và nỗi nhớ em. Đúng là số ruồi, năm đó do bão lũ chúng tôi bị sang muộn và đã không gặp được em bởi em phải sang từ cuối tháng 8 để kịp khai giảng năm học đầu tiên . Thế là chúng tôi lại thành “vợ chồng ngâu” chỉ gặp gỡ nhau qua những dòng thư đong đầy thương nhớ. 
Hè năm thứ tư tôi đi thực tập tốt nghiệp tại Trại gà Songino. Mẹ em phải mổ u nang buồng trứng tại Moscow. Tội nghiệp em tôi! Em chỉ có vẻn vẹn 2 tháng hè mà phải đi chăm sóc 3 nơi (kể cả tôi trong dó). Chúng tôi chỉ gặp nhau tổng cộng tất cả thời gian được đúng 3 ngày. Nhìn em mệt mỏi mà lòng tôi nát tan. Tôi bắt em ăn thật nhiều. Tôi nhìn em ăn mà lòng đầy cảm phục. Một cô gái chưa đầy 20 tuổi được nuông chiều từ bé mà đã biết tảo tần, chăm lo cho người khác. Thật diễm phúc biết bao cho ai được em lấy làm chồng.
 Hè năm cuối, em viết thư hẹn tôi phải chờ em về để cùng nhau đi dạo sông Thon và tâm sự nhiều điều hệ trọng. Nhưng đúng là duyên trời không định. Năm đó do quan hệ Việt Trung căng thẳng chúng tôi bị Sứ quán buộc phải về nước ngay sau khi nhận Bằng tốt nghiệp. Ngày về nước, cả nhà Thày ra ga tiễn tôi. Tôi nghẹn ngào, nước mắt tuôn rơi vì phải xa những người thân yêu đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày du học, phải xa nơi đã nuôi nấng tôi, đã che chở cho tôi suốt những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời và nhất là không gặp được em. Tôi biết đối với chúng tôi khi đó đã bước chân ra đi là khó có ngày trở lại. Tôi đã nhờ P. Bold gửi cho em bức thư vĩnh biệt của tôi và nhờ nói với em rằng tôi sẽ nhớ em suốt cuộc đời.
Gần bốn mươi năm đã trôi qua, tôi vẫn luôn ân hận và tự trách bản thân một điều là vì tôi, tại tôi, do tôi đã không có đủ dũng khí của một con người để vượt qua những qui định khắt khe không tình người thời đó, vượt qua được chính mình để bẻ gãy chiếc khóa tư duy lỗi thời đã được nhồi nhét vào tâm hồn tôi từ những ngày thơ ấu. Tôi đã để mất một mối tình thánh thiện, mất người con gái xinh đẹp, vẹn toàn mà có lẽ trong cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ có được . Nếu năm đó tôi liều trốn ở lại gặp em thì cuộc đời tôi giờ đã khác. Chắc chắn tôi đã được sống cùng em dưới một mái lều như bài thơ tôi đã viết tặng và tôi đã không bị dày vò tâm can suốt bao năm.
 Tôi nhớ có người nào đó nói rằng cuộc đời là tập hợp của những kỷ niệm buồn. Có lẽ đúng là như vậy. Đến tận bây giờ em vẫn trong tôi và tôi vẫn mãi nhớ em. Nhớ về em, nhớ về một thời đã qua trên đất nước thảo nguyên Mông cổ anh em. Nơi ấy thấm đẫm tình người và luôn đầy mong nhớ. Nơi ấy đã đào tạo tôi nên người và đã dạy cho tôi lẽ sống làm người. Mông cổ - quê hương thứ hai của tôi biết bao giờ được trở lại. Nơi ấy tôi biết có một người con gái vẫn đang sống chờ tôi. Tôi hy vọng có một ngày...


Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

ĐÔI ĐIỀU BÀN VỀ TÂM LINH

     Chưa bao giờ TÂM LINH được tự do phát triển như hiện nay. Có thể do truyền thống và cũng có thể do chính trị chi phối. Tuy nhiên để hiểu thực chất vấn đề thì còn nhiều điều phải tranh luận và có lẽ không bao giờ kết thúc bởi một lẽ đơn giản là Hiểu Biết của con người có giới hạn. Tâm linh hiện nay chỉ giới hạn ở đúc TIN chứ chưa phải ở sự BIẾT. Chính vì lẽ đó sự tranh luận còn dài dài và chắc chắn không có đoạn kết.
Trước đây do đặc thù của nền chính trị nước ta là tập trung tất cả cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do đó không có chỗ cho những điều chưa giải thích được trên cơ sở khoa học tồn tại trong xã hội của chúng ta. Tất cả những điều đó thường bị cấm và qui kết là MÊ TÍN, DỊ ĐOAN.  Kể cả ngày nay khi xã hội đã mở toang cánh cửa dân chủ, tự do ngôn luận thì vẫn còn một bộ phận lớn xã hội vẫn coi TÂM LINH là điều vớ vẩn.
Vậy Tâm linh là gì? Áp vong gọi hồn, tìm mộ bằng ngoại cảm có phải là diều vớ vẩn bịp bợm hay là thật, có cuộc sống sau cái chết không... đang là câu hỏi lớn được đặt ra trước các Nhà Khoa học kể cả tự nhiên lẫn xã hội phải trả lời.
Để góp phần nhỏ bé vào việc tìm tòi câu trả lời thoả đáng trong hoàn cảnh hiện tại cho các vấn đề trên, chúng tôi muốn mở ra chuyên mục này để chúng ta cùng nhau thảo luận mở mang sự HIỂU BIẾT cho mỗi chúng ta.
Cơ sở lý luận cơ bản

        Trước hết để hiểu và có thể giải thích một cách thô thiển một số hiện tượng tâm linh như tìm mộ bằng ngoại cảm hay gọi hồn, chúng ta cần hiểu và thống nhất một số vấn đề khoa học cơ bản:
-   Mỗi một cơ thể sống đều phát ra trường sinh học. Tần số của trường sinh học của các cá thể cùng nguồn gốc sẽ giống nhau. Càng gần nhau về mặt huyết thống sẽ có tần số càng gần nhau. Cường độ mạnh yếu của trường phụ thuộc vào trạng thái VƯỢNG, SUY của chủ thể.
-   Vật chất không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi.
-   Trong tự nhiên phản ứng tổng hợp sẽ thu năng lượng và ngược lại phản ứng phân rã sẽ sinh năng lượng.

Cuộc sống sau cái chết

Một điều vô lý chúng ta dễ nhận thấy là hiện nay chúng ta đang ra sức đầu tư nghiên cứu vũ trụ xa xôi hay biển sâu đầy hiểm hoạ trong khi đó hàng ngày chúng ta đối mặt với hàng triệu cái chết thì lại được coi là hiện tượng tự nhiên không cần nghiên cứu. Trong khi chúng ta đang tập trrung nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc của sự sống thì bản chất hiện tượng SINH, TỬ trong xã hội chúng ta lại không được quan tâm.
Cho đến nay số lượng các Nhà khoa học nghiên cứu về cái chết chỉ được đếm trên đầu ngón tay và những người này thường bị cho là có vấn đề về thần kinh. Một trong những nhà khoa học đó là Tiến sĩ y khoa Elisabeth Kubler-Ross, người đã được trao 17 bằng tiến sĩ danh dự của các trường Đại học danh tiếng trên thế giới về các công trình nghiên cứu khoa học về cái chết. Tác phẩm “La mort est un nouveau soleil” tạm dịch là “Cái chết là sự khởi đầu mới” được tập hợp từ 3 công trình: 1. Bài thuyết trình trong Hội nghị được tổ chức vào tháng 12 năm 1982 tại Thuỵ sĩ với tên “Sống và Chết””. 2. Bài tham luận trong Hội nghị được tổ chức năm 1977 ở San Diego ( California) với tiêu đề “Cái chết không tồn tại”. 3. Bài giảng năm 1980 với tiêu đề “ Cuộc sống, cái chết và cuộc sống sau cái chết”.
Tác giả đã phỏng vấn trên 3000 trường hợp chết lâm sàng được cứu sống kể lại những điều đã chiêm nghiệm trong thời gian chết lâm sàng. Kết quả điều tra được tác giả tập hợp lại và có thể kết luận :
-   Khi chết cơ thể bình quân mất đi khoảng 6 g;
-   Chỉ có 6-7% trường hợp được phỏng vấn có thể nhớ được những gì đã thấy trong thời gian chết lâm sàng;
-   Sau khi chết mọi cơ thể sống đều trở về trạng thái NGUYÊN THẦN tức là cơ thể hoàn chỉnh không bệnh tật ốm đau: Người mù, người bị dị tật bẩm sinh thấy họ trở về trạng thái như người bình thường; Người đang chịu căn bệnh quái ác thấy không còn bị bệnh nữa. Điều này lý giải tại sao nhiều trường hợp bệnh nhân được cứu sống lại căm ghét các bác sĩ và họ không còn sợ chết nữa;
-   Tất cả mọi người sinh ra đều có một vị Thần đi theo trợ giúp suốt cuộc đời. Vị Thần này được gọi là Thần bản mệnh hay Bà Mụ...;
-    Trước khi chết tất cả mọi người đều phải chịu đựng một cơn đau đớn khủng khiếp và phải chứng kiến lại toàn bộ những gì đã trải qua từ lúc được sinh ra. Sau khi rời khỏi thân xác họ đều đi qua một căn hầm hay một cây cầu và sau đó nhìn thấy và hoà mình vào một quầng sáng như một đài sen. Khi đó họ đều cảm thấy ngập tràn hạnh phúc, sung sướng không còn hận thù hay tiếc nuối. Tiếp đến họ gặp gỡ những người yêu mến họ đã chết trước đón họ để hướng dẫn, giúp đỡ họ trong thế giới mới. Hầu hết những người sống lại đều bị người thân đuổi quay trở lại không cho đi tiếp nữa.
Nội dung cuốn sách nhiều điểm rất giống những chuyện dân gian, chuyện về các cuộc viếng thăm Âm Phủ được lưu truyền từ đời này sang đời khác ở nhiều nước trên thế giới kể cả nước ta.
Vậy đứng trên gốc độ khoa học nhìn nhận vấn đề này thế nào? . Điều này xin mạo muội đề xuất một số ý tưởng làm cơ sở để chúng ta cùng lý giải:
- Khi chúng ta thở hắt ra để đi vào cõi vĩnh hằng thì một lượng vật chất khoảng 6 g cũng rời khỏi thể xác chúng ta. Lượng vật chất này tồn tại ở dạng năng lượng mà các Nhà khoa học gọi là năng lượng TÂM LÝ còn dân gian gọi là LINH HỒN;
- Vũ trụ bao la của chúng ta tồn tại nhiều không gian . Qui định sự tồn tại của mỗi không gian là tốc độ chuyển động tối đa của không gian đó. Ví dụ: Không gian chúng ta đang tồn tại có tốc độ chuyển động tối đa là tốc độ ánh sáng 300.000 km/s. Nếu chúng ta chuyển động được ở tốc độ này thì coi như không còn thời gian và “trẻ mãi không già”. Khi chuyển qua quầng sáng, vật chất được biến đổi sang hình thái khác có tốc độ chuyển động cao hơn và cứ chuyển đổi như vậy VẬT CHẤT có thể biến đổi đến không gian có tốc độ chuyển động hàng tỷ tỷ km/s. Điều này cũng là cơ sở để giải thích tại sao truyền thuyết nói rằng “một ngày ở Thiên Đình bằng 1 năm ở hạ giới và một ngày ở cõi Cực lạc bằng ngàn năm ở hạ giới”. Các Nhà TÂM LINH chia năng lượng ra 7 tầng. Năng lượng tồn tại ở tầng cao nhất gọi là NĂNG LƯỢN NIẾT BÀN... Khi chúng ta tu luyện đến tầng đó thì vũ trụ chỉ như cái ao làng mà thôi;
- Mỗi không gian được coi như một vòng xoắn của chuỗi phát triển của vật chất. Sau khi biến đổi vật chất sẽ tồn tại trong không gian mới  và cứ như vậy tạo thành chuỗi phát triển đến vô cùng;
- Các không gian luôn tồn tại đồng thời. Giữa các không gian có các lỗ hổng. Vật chất của không gian này có thể xâm nhập vào không gian khác qua các lỗ hổng đó hoặc nếu chúng ta có thể chế tạo được các máy móc đưa chúng ta vào được các không gian khác nhau đó thì thật lý thú vô cùng.
Tóm lại không có cái chết. Sự sống hiện tại chỉ là tạm thời như cái kén mà thôi. Khi con bướm ra khỏi tổ kén chính là lúc chúng ta rời khỏi thể xác phàm tục để chuyển vào cõi vĩnh hằng.



Tìm mộ, áp vong gọi hồn
Hiện tượng tìm mộ, áp vong gọi hồn bằng ngoại cảm đang nở rộ như nấm sau mưa ở nước ta hiện nay. Có rất nhiều ý kiến về hiện tượng này: Phản đối cũng nhiều và ủng hộ cũng không hiếm. Vậy nhìn nhận vấn đề này ra sao? Phản đối hay chấp nhận đang làm đau đầu các nhà khoa học hiện nay.
Bản thân chủ Blog cũng đã nhờ các nhà ngoại cảm tìm được mộ của các cụ tổ 4 đời, 3 đời bị thất lạc. Nhiều sự kiện không thể tin được đã được chứng kiến như vẽ sơ đồ vị trí mộ, miêu tả chi tiết tiểu và xương cốt, nói chuyện với người âm... và đã được kiểm chứng chính xác đến kinh ngạc. Vậy cơ sở khoa học của hiện tượng này là gì, giải thích ra sao đang cần được làm sáng tỏ để tránh bị lợi dụng.
Các cụ thường dạy “BIẾT thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Tuy nhiên xin mọi người cho phép người chưa BIẾT này được đàm luận đôi điều rồi chúng ta cùng thảo luận may ra sẽ tìm ra chân lý.
Như đã cùng nhau thống nhất một vấn đề là cơ thể sống đều phát trường sinh học. Khi chúng ta chết đi da, thịt phân huỷ trước sau đó thì đến xương cốt. ADN của các tế bào xương bị phân rã sẽ sinh nhiệt. Nhiệt này chính là trường và tất nhiên do cấu trúc di truyền mà tần số của trường này sẽ gần giống với trường sinh học của người trực hệ đang sống. Nhà ngoại cảm sẽ dò tìm trường này thông qua trường sinh học của người sống nhờ tìm mộ. Chính lý do này mà các nhà ngoại cảm yêu cầu người tìm phải là người TRỰC HỆ. Nếu Nhà ngoại cảm có khả năng thực sự thì họ còn có thể giao tiếp được với cả năng lượng tâm lý của người đã khuất và tất nhiên họ sẽ miêu tả hình dáng, kể ra những sự việc đã xảy ra mà chỉ người chết mới biết. Do đó thông qua trường phát ra do phân huỷ của hài cốt, việc chỉ ra vị trí hài cốt là việc rất dễ dàng và chính xác. Tất nhiên không phải trường hợp nào cũng dễ dàng tìm được mà còn phụ thuộc rất nhiều vào địa trường, cường độ trường của người chết và độ nhiễu của các trường khác đang tồn tại nơi tìm mộ... Do đó không nên vội đánh giá năng lực của các nhà Ngoại cảm chỉ thông qua một vài trường hợp cụ thể nào đó.
Áp vong gọi hồn trên thế giới cũng đã được nghiên cứu nhiều. Thực chất đây là hiện tượng THÔI MIÊN. Nhà Ngoại cảm thực sự chính là Nhà Thôi miên. Họ có khả năng điều khiển năng lượng Tâm lý của người được thôi miên hay nói cách khác là họ có khả năng điều khiển tần số của trường sinh học. Nhà ngoại cảm có thể điều khiển nhập trường của người chết vào người sống. Tất nhiên là với điều kiện trường của người được nhập phải đảm bảo điều kiện:
- Dễ điều khiển;
- Có tần số gần với tấn số của người đã chết.
Một vấn đề các Nhà ngoại cảm cần phải thật thấu hiểu là phải học và thành thạo thủ pháp giải phóng và khôi phục trường sinh học. Nếu không thành thạo hoặc không biết mà để người bị nhập tự giải phóng thì một bộ phận không nhỏ người bị nhập trường sẽ rơi vào trạng thái cực kỳ nguy hiểm nặng thì chết hoặc điên loạn, nhẹ cũng sẽ bị tâm thần hoảng loạn một thời gian. Đây là lưu ý mà chúng tôi mong muốn gửi đến những người muốn gọi hồn phải rất thận trọng, nếu không sẽ chuốc vạ vào thân. Vấn đề mấu chốt là phải nhờ Nhà ngoại cảm có khả năng thực sự còn các Nhà ngoại cảm nửa vời học không đến đầu đến đũa thì hậu hoạ khôn lường.
Dựa trên cơ sở lý thuyết trường sinh học và trường do phân huỷ ADN phát ra, chúng ta dễ dàng lý giải được các hiện tượng:
-                Âm phù, dương trợ;
-                Yểm bùa;
-                Chữa bệnh thần kinh bằng Tâm linh...

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Sinh viên ngày xưa


      Sinh viên ngày xưa sinh hoạt vất vả lắm. Không được làm bất cứ điều gì Sứ quán cấm: Không được ra ngoài một mình; Không được xem phim tư bản; Không được đi choi với bạn Mông cổ; Bạn gái đến chơi phải mở cửa phòng; Không được nhảy đầm cho dù bạn gái mời...12h đêm đọc báo xong mới được đi ngủ. Sáng 7h00 dạy tập thể dục tập thể ở ngoài hành lang. Các bạn biết rõ là người Việt nam mình làm gì có ý thức, cứ trò chuyện ầm ĩ như chốn không người. Sinh viên nước ngoài than phiền hoài mà chẳng thay đổi được. Nói thật là mình chỉ mong họ cấm để tụi mình được ngủ thêm.
      Mình nhớ mãi hè năm 1975 sau giải phóng miền Nam toàn thể sinh viên Việt nam được bạn cho đi nghỉ mát ở Therench. Tối nào mình cũng cho anh em đi nhảy đầm với ban. Vui lắm. Hết kỳ nghỉ về, không biết có ĐỒNG CHÍ Đảng viên nào đã báo cáo với Đại sứ việc đó, kết quả là 10 ngày liên tục cứ hết giờ lên lớp mình lại phải đến Sứ quán làm kiểm điểm.
     Sinh hoạt thời đó rất khổ vì cứ phải dè chừng nhau ( tất nhiên là trừ chiến hữu ra ). Nếu có phim hay là giữa giờ lý thuyết học chung ở giảng đường tụi mình lại trốn đi xem. Không xem ở rạp Quảng trường Xukhbataar đâu vì dễ lộ lắm phải ra xem ở rạp mãi khu dành cho người Liên xô cơ. Tôi có nhiều bạn gái Mông cổ xinh đẹp tuyệt trần yêu lắm thế mà chẳng dám đáp tình. Bây giờ nghĩ lại không hiểu tại sao thời đó lý trí con người mạnh đến như vậy: Thắng hết bản năng. Bây giờ tụi mình kém năng động có lẽ vì bị ức chế nhiều quá chăng?
     Mình muốn các bạn cùng thảo luận về vấn đề này nhé.
     Cám ơn rất nhiều.