Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

THƠ BÙI GIÁNG và PHÙNG QUÁN

          Bùi Giáng và Phùng Quán là những Nhà Thơ đầy bản lĩnh và có tầm nhìn xuyên thế kỷ. Xin giới thiệu 02 bài thơ để hiểu về các Bác và để tự soi bản thân .



LỜI MẸ DẶN

                                                                          Phùng Quán


Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi!
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là  gì ?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ ấy người lớn hỏi tôi :
- Bé ơi, bé yêu ai nhất ?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời :
- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không ! Những lời dặn đó
Như trang giấy trắng tuyệt vời,
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Những lời mẹ dặn thủa lên năm
Vẫn nguyên vẹn mầu son chói đỏ.

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.


(1957)


ĐỪNG TƯỞNG

                                                                             Bùi Giáng
Đừng tưởng cứ núi là cao
Cứ sông là chảy, cứ ao là tù
Đừng tưởng cứ dưới là ngu
Cứ Trên là Sáng cứ Tu là Hiền

Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
Đừng tưởng không nói là câm
Không nghe là điếc không trông là mù

Đừng tưởng cứ Trọc là Sư
Cứ Vâng là Chịu cứ ừ là Ngoan
Đừng tưởng có của đã sang
Cứ Im lặng tưởng là Vàng nguyên cây
  
Đừng tưởng cứ uống là say
Cứ chân là bước cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ
Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần

Đừng tưởng cứ Mới là Tân
Cứ Hứa là Chắc cứ Ân là Tình
Đừng tưởng cứ thấp là khinh
Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to

Cứ già là hết hồ đồ
Cứ trẻ là chẳng âu lo buồn phiền
Đừng tưởng cứ quyết là nên
Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua

Dưa vàng đừng tưởng đã chua
Sấm rền đừng tưởng sắp mưa ngập trời
Khi vui đừng tưởng chỉ cười
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than

Đừng tưởng cứ nốc là say
Cứ Hứa là Thật, cứ Tay là Cầm
Đừng tưởng cứ giặc – ngoại xâm
Cứ Bè là Bạn, cứ Dân là Lành

Đừng tưởng cứ trời là xanh
Cứ Đất và Nước là thành Quê Hương
Đừng tưởng cứ Lớn là Khôn
Cứ Bé là Dại, cứ Hôn… là Chồng

Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người

Đừng tưởng chẳng khóc thì cười
Chẳng lên thì xuống, chẳng ngồi thì đi
Đừng tưởng sau nhất là nhì
Gần quan là tướng, gần suy là hèn

Đừng tưởng cứ sáng là đèn
Cứ đỏ là chín, cứ đen là thường
Đừng tưởng cứ đẹp là thương
Cứ Xấu là Ghét, cứ Vương là Tình
Đừng tưởng cứ ghế là vinh
Cứ tiền là mạnh, cứ dinh là bền

Đừng tưởng cứ cố là lên
Cứ lỳ là chắc, cứ Bên là Gần
Đừng tưởng cứ đều là cân
Cứ đông là đủ, cứ ân là nhờ

Đừng tưởng cứ vần là thơ
Cứ âm là nhạc, cứ tờ là tranh
Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ Tranh là Được, cứ Giành thì Hơn

Đừng tưởng Giàu hết Cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
Đừng tưởng cứ bến là neo
Cứ suối là lội, cứ đèo là qua

Đừng tưởng chồng mẹ là cha
Cứ khóc là khổ cứ la là phiền
Đừng tưởng cứ hét là điên
Cứ làm là sẽ có tiền đến ngay
Đừng tưởng cứ rượu là say

Cứ gió là sẽ tung bay cánh diều
Đừng tưởng tỏ tình là yêu
Cứ thơ ngọt nhạt là chiều tương tư
Đừng tưởng đi là sẽ chơi
Lang thang dạo phố vào nơi hư người

Đừng tưởng vui thì sẽ cười
Đôi hàng nước mắt lệ rơi đầm đìa
Đừng tưởng cứ mực là bia
Bút sa gà chết nhân chia cộng trừ…

Đừng tưởng cứ gió là mưa
Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve
Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…

Đừng tưởng thu là lá tuôn
Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.
Đừng tưởng cứ Thích là Yêu
Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay

Đừng tưởng tình chẳng lung lay
Chỉ một giấc ngủ, chẳng may … có bầu.
Đừng tưởng cứ cầu là hên,
Nhiều khi gặp hạn, ngồi rên một mình.

Đừng tưởng vua là anh minh,
Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng tìm bạn tri âm,
Là sẽ có kẻ mạn đàm suốt đêm.

Đừng tưởng đời mãi êm đềm,
Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
Đừng tưởng cười nói ân cần,
Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.

Đừng tưởng trong lưỡi có đường
Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười
Nhiều khi nói móc biết cười làm sao ?!!!

Đừng tưởng khó nhọc gian lao
Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay
Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần

Đừng tưởng cứ quỳnh là thơm
Nhìn đi nhìn lại hóa ra cúc quỳ
Đừng tưởng mưa gió ầm ì
Ngày thì đã hết trời dần về đêm

Đừng tưởng nắng gió êm đềm
Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung
Chỉ là lợi dụng lòng tin của người

Đừng tưởng cứ tiến là lên
Cứ lui là xuống, cứ yên là mằn (mần, làm)
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng
Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu

Đừng tưởng cứ khóc là sầu
Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nước là trong
Cứ than là hắc, cứ sao là vàng

Đừng tưởng cứ củi là than
Cứ Quan là Có, cứ Dân là Nghèo_
Đừng tưởng cứ khúc là eo
Cứ lúc là mạc, cứ Sang là Giàu

Đừng tưởng cứ thế là khôn!
Nhiều thằng khốn nạn còn hơn cả mình
Đừng tưởng lời nói là tiền
Có khi là những oán hận chưa tan
Đừng tưởng dưới đất có vàng
Vàng đâu chả thấy phí tan cuộc đời

Đừng tưởng cứ Nghèo là Hèn
Cứ Sang là Trọng, cứ Tiền là Xong.
Đừng tưởng quan chức là rồng,
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.

Đời người lúc thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
Ai ơi nhớ lấy đừng quên.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

KỶ LỤC


Theo định nghĩa của Từ điển Bách khoa toàn thư Kỷ lục là thành tích cao nhất trong một lĩnh vực, ngành, sự kiện … do một người hay một tổ chức hoặc do thiên nhiên tạo nên đã được kiểm chứng đến một thời điểm xác định nào đó. Nói như vậy khi đạt được một kỷ lục nào đó thì thật vinh dự vô cùng bởi cả thế giới hoặc cả nước mỗi lĩnh vực chỉ có một kỷ lục mà thôi. Cứ nhìn thể dục thể thao mà xem có những kỷ lục tồn tại có khi đến vài chục năm, có những kỷ lục làm cả thế giới nghiêng mình kính phục.
Việt nam chúng ta khoảng vài chục năm lại đây rất quan tâm đến các kỷ lục. Trước đây ta dồn toàn lực đánh Mỹ và đã thống nhất được non sông làm cả thế giới kính nể. Giải phóng đến nay đã tròn 40 năm mà nhìn đi nhìn lại không tìm thấy cái gì để khoe với thế giới cả. Các Cụ ta đã nói : Con hơn cha là nhà có phúc. Ấy thế mà không có gì hơn cha ông thì sao được. Phải tìm thôi, phải làm thôi. Chí ít cho dân ta tự bằng long, huyễn hoặc chính mình để quên những mối lo cơm, áo, gạo tiền trước mắt một lòng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ.
Các chuyên gia cao cấp, các giáo sư tiến sĩ hàng đầu đất nước đã được mời hội thảo tham vấn. Kinh tế, thể thao thì chắc chắn không thể tạo ra được kỷ lục rồi. Người Việt chúng ta xưa nay được tiếng là có năng khiếu hót, có một nói mười. Thế là ngành văn hóa đi tiên phong vì văn hóa là lĩnh vực nhanh nhạy nhất, dễ nổi nhất, thế giới và xã hội dễ tiếp cận nhất. Biết bao nhiêu tâm huyết, tiền bạc đã được chi để tố chức các cuộc hội thảo, biết bao dự án thử nghiệm đã được triển khai và cuối cùng đưa ra định hướng chiến lược xây dựng các kỷ lục đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020. Đột phá là xây dựng hệ thống kỷ lục sắc đẹp vừa dễ lại vừa có thu nhập. Thế là một chiến dịch thi sắc đẹp đã được triển khai rầm rộ khuấy động cả nước. Chỉ vài năm Viêt nam đã có hàng rổ hoa hậu: Hoa hậu xóm, hoa hậu vùng, hoa hậu ngành, hoa hậu dân tộc, hoa hậu chân đất và vươn ra thế giới tìm hoa hậu người Việt ở các xó xỉnh khắp năm châu. Một loại người thượng lưu nhờ Tình và Tiền đã được tạo ra trở nên nổi tiếng và giàu  có góp phần làm cho đât nước nổi danh và phát triển. Hàng ngàn tờ báo giấy, báo mạng, hàng trăm đài phát thanh truyền hình từ Trung ương đến địa phương có việc và làm không hết việc. Dân ta được ngắm người đẹp mọi lúc mọi nơi quên cả đói, rét. Thật tài tình. Hoan hô ngành Văn hóa thông tin thể thao và du lịch.
Thế giới đã biết Việt nam là xứ sở của gái đẹp rồi thì phải có các kỷ lục khác thể hiện được bản sắc và thế mạnh của ta để lôi kéo họ đến du lịch chứ. Thế là hàng loạt kỷ lục mới đã được tạo ra như Ly cà phê lớn nhất; Đòn bánh tét dài nhất; Chiếc bánh trưng lớn nhất; Bát phở to nhất…Mỗi một kỷ lục đều được tổ chức long trọng như chế tạo được tàu sân bay vì tầm cỡ “Cuốc ra” cơ mà. Vinh dự và tự hào biết bao vì đất nước ta lắm người tài làm được biết bao kỷ lục. Thử xem ngay Châu Á những nước giàu có, giỏi giang như Nhật, Trung quốc, Hàn Quốc… đã nước nào làm được những kỷ lục như Việt nam ta không/?. Có mà đến tết mới đuổi kịp chúng ta.
Đấy là văn hóa vật thể. Di sản phi vật thể của đất nước ngàn năm văn hiến mới ghê. Vùng vùng, tỉnh tỉnh đua nhau làm hồ sơ xin công nhận các di sản thế giới về văn hóa, tâm linh. Cứ xin để có cho oai đã còn xin để làm gì, duy trì và phát triển thế nào thì để hồi sau phân giải. Đã công nhận rồi thì chả lẽ lại thu lại. Mà có thu thì đút cho ít tiền là xong. Cứ thi đua làm kỷ lục đi.
Di sản thiên nhiên thế giới, di sản phi vật thể thế giới, các loại kỷ lục từ cấp xóm đến cấp quốc gia đều có đầy mà vẫn chưa có một cái gì để làm biểu tượng cho thế giới lác mắt là không cân xứng, không thể chấp nhận được. Phải xây một cái gì đấy xứng tầm. Nhà thì khó rồi. Chỉ tháp truyền hình may ra còn cạnh tranh được vì thế giới chẳng ai xây làm gì vì ngày nay công nghệ truyền hình kỹ thuật số phát bằng vệ tinh rồi. Nếu xây được cái tháp cao nhất thế giới ( cho dù hơn họ một phân)  chắc chắn ta sẽ có biểu tượng kỷ lục mãi mãi không ai phá được. Nhiều người lo ta nghèo phản đối không nên xây. Ai bảo Việt nam nghèo? Số lượng tỷ phú đô la tăng vùn vụt nhất Châu á. GDP 100 tỷ ăn hết 130 tỷ và phá 20 tỷ thì vay thêm 1 tỷ để xây tháp thì nhằm nhò gì. Cứ vay đi. Con cháu chúng ta may mắn nhờ tổ tiên phù hộ mà tìm được mỏ vàng, mỏ kim cương trử lượng lớn thì vài trăm tỷ nợ đáng gì. Cùng lắm thì tuyên bố phá sản là xù được nợ ngay chứ khó khăn gì. Lúc đó Việt nam có tháp truyền hình cao nhất thế giới. Oai làm sao!

Sống ở một đất nước nổi tiếng nhiều kỷ lục sướng thật!. Chả thế mà có người nước ngoài mơ sau một đêm trở thành người Việt nam và có nhiều người mơ ước được sống ở Việt nam khi nghỉ hưu.

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

ĐỔI MỚI - KHÓ LAM THAY!

    Không ở đâu làm đổi mới khó như ở Việt nam. Có lẽ do bản tính người Việt có tính thủ cựu không thích thay đổi nhất là hay đố kỵ, kèn cựa, không muốn ai hơn mình do đó ai mà muốn thay đổi cái gì để hơn người khác đều khó khăn vô cùng. Tuy nhiên tôi đã được chứng kiến không chỉ riêng người Việt mình mà cả các nước được coi là anh em cũng có tính cách như vậy.  
   Vào cuối thập niên 80, sau ngày giải phóng miền Nam không lâu, Nhà nước Việt nam đã mời các Nhà Khoa học các nước XHCN Đông Âu sang làm qui hoạch giúp Việt nam. Họ đã gặp gỡ, làm việc với các Nhà Khoa học, các nhà lãnh đạo Việt nam từ Trung ương đến địa phương rất chi tiết và đã xây dựng cho Việt nam qui hoạch phát triển đến năm 2000 và tầm nhìn đến năm 2020. Tôi nhớ có tổ chức tuần lễ hội thảo bàn về định hướng phát triển cho các ngành kinh tế, khoa học công nghệ Việt nam đến năm 2000. Các bài tham luận của các Nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt nam đã vẽ lên một viễn cảnh tươi sáng cho sự phát triển của nước nhà: Nào là nghiên cứu các hạt cơ bản, định hướng phát triển công nghiệp ô tô , tàu biển, cơ khí chính xác, tự động hóa, hóa học hóa... đã làm cho không khí hội thảo đầy lạc quan tin tưởng vào tương lai. Sau khi tổng kết Hội thảo, Ngài Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Trưởng đoàn cuối cùng có khuyên một câu là ; Các bạn hãy nhìn xuống chân mình, nhìn hạt lúa và suy nghĩ phải làm gì và làm thế nào chứ đừng ngước nhìn lên trời đếm sao và suy nghĩ viển vông… Lời khuyên đó đã làm cho các nhà Lãnh đạo và nhiều nhà Khoa học Viêt nam như bị dội gáo nước lạnh. Thật  trịnh thượng hết chỗ nói! Tại sao họ coi thường chúng ta đến vậy?. Mỹ, Pháp, Nhật ta còn đánh thắng thì cái gì mà ta không làm được. Họ định bắt chúng ta suốt đời phụ thuộc họ, suốt đời cúi đầu nhìn hạt lúa mà không khuyến khích chúng ta nhìn lên trời mơ ước tương lai. Lũ này đâu phải bạn bè mà đúng là lũ khoa học điên, bè lũ xét lại, phản động. 
   Đến những năm đầu thế kỷ 21, Nhà nước đã đầu tư lớn cho Hội đồng lý luận Trung ương, các nhà tư vấn kinh tế, chính sách và đã đề ra quan điểm định hướng phát triển kinh tế của Việt nam là ĐI TẮT, ĐÓN ĐẦU, HỌC VÀ ĐUỔI KỊP NHẬT BẢN. Đây là tâm huyết của cả hệ thống chính trị. Đảng và Chính phủ đã bỏ bao tâm huyết mới đưa ra được định hường như vậy thế mà có nhiều kẻ phản bác kịch liệt. Họ cho rằng chúng ta chưa có tiềm lực kinh tế, nhân lực, cơ sở vật chất  để đi tắt đón đầu và rằng nước Nhật năm 1945 đã chế tạo được tàu sân bay còn nước ta hiện nay chế tạo chiếc xe đạp hoàn chỉnh chưa xong, người dân ăn còn chưa no thì lấy gì để làm bệ phóng đuổi Nhật. Đúng là những kẻ ngáng đường không hiểu thời cuộc. Thời đại ngày nay là thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin. Người Việt nam chúng ta được thế giới đánh giá là thông minh, cần cù, giỏi toán nhất nhì thế giới. Việc làm chủ công nghệ thông tin trong tầm tay. Chúng ta đang xây dựng Chính phủ điện tử, đang triển khai internet đến tận thôn bản, vùng sâu vùng xa đều dễ dàng tiếp cận công nghệ mới thì lo gì không đuổi kịp Nhật Bản… Tôi thấy sao họ ngu quá vậy! Lời giải cho sự bứt phá đơn giản như vậy mà cũng không biết. Với dép lốp ta đã bay được vào vũ trụ thì với tay chèo ta làm sao mà không khai phá được tương lai. Tụi này phải cho đi trại cải huấn vài năm để tẩy não đi mới được.   Với những quan điểm tiếp cận khoa học như vậy, Việt nam chúng ta đã cố gằng triển khai đổi mới nhiều lĩnh vực nhằm đưa đất nước phát triển nhanh chóng, thần kỳ. 
   Về Khoa học Công nghệ, tuy chỉ với mức đầu tư từ 0,5-1,0% Ngân sách cho nghiên cứu khoa học nhưng KHCN Việt nam được đầu tư nghiên cứu rộng khắp: Lĩnh vực nào, mũi nhọn nào chúng ta cũng đầu tư nghiên cứu. Mỗi thứ phải làm môt tý cho thế giới biết là Việt nam lĩnh vực mới nào thế giới đang nghiên cứu thì Việt nam cũng làm được. Mục tiêu của các đề tài và các Dự án nghiên cứu Khoa học đều phải được định hướng rất hàn lâm, theo kịp và hơn hẳn các nước khác. Ta phải nghiên cứu cho chúng ta và con cháu đời sau chứ. Bọn Tư bản giãy chết đời nào chúng chuyển giao những công nghệ mới cho ta. Các kết quả nghiên cứu của chúng ta sau khi được nghiệm thu nếu chưa áp dụng được ngay thì đều được xếp cẩn thận vào ngăn kéo để dành cho con cháu đời sau. Ấy thế mà nhiều kẻ phản đối cho là đầu tư nghiên cứu không tập trung, dàn trải, lãng phí. Thật là hàm hồ. Nếu không đầu tư như vậy thì làm sao chúng ta có thể sánh vai được với các cường quốc năm châu, làm sao có thể đi tắt đón đầu được. 
   Nghiên cứu đã cố gắng đạt trình độ cao rồi thì phần nhập khẩu công nghệ lại phải thật thực tế. Cứ công nghệ nào đã được kiểm chứng thực sự có hiệu quả, mang lại lợi ích chắc chắn là cho nhập. Nhập khẩu các công nghệ này có lợi là không sợ bị thất bại, hoa hồng nhiều khi lên tới 70-80% vừa ích nước , vừa lợi nhà. Như vậy ta vừa có phần sử dụng ngay vừa có của để dành cho mai sau. Cán bộ có giàu thì mới có tâm lãnh đạo đất nước chứ. Thế mà nhiều kẻ thối mồm cứ phản đối rằng do lòng tham của một số người đã đẩy Việt nam nhập khẩu toàn công nghệ rác. Chúng lại thổi phồng lên rằng chỉ sau gần 30 năm đổi mới mà Việt nam đã trở Thành BÃI RÁC công nghệ của thế giới không biết khi nào mới dọn được. Thử hỏi những kẻ to mồm đó rằng ai sẵn sang bán cho chúng ta công nghệ cao và nếu đói bụng chúng nó có toàn tâm toàn ý làm việc cho đất nước không? Toàn kẻ giả dối!. 
   Chưa có nơi nào trên thế giới này sử dụng đất đai có hiệu quả và làm giàu cho người dân nhanh như ở Việt nam.  Hàng ngàn năm qua đất ở trong tay người nông dân sinh lời được bao nhiêu?. Có đủ mua được cái TV không hay chỉ sản xuất được vài củ khoai hạt lúa?. Nay Nhà nước thu đất của nông dân cấp cho các Doanh nghiệp xây Nhà Chung cư, Xây Khu Công nghiệp… bán giá cao. Bao nhiêu người bỗng chốc trở thành tỷ phú Đô la. Đất nước ngày càng giàu vì có nhiều đại gia: Dân giàu nước mạnh mà. Bà con nông dân mất đất thì được đền bù  có tiền xây nhà, đánh bạc, ăn chơi dài dài không phải lao động vất vả lại được thành dân đô thị còn kêu ca gì nữa. Con cái họ đầy việc làm đấy thôi. Nhiều đại gia, nhiều trọc phú thì cần nhiều người giúp việc. Nhiều khu vui chơi giải trí ra đời sẽ cần rất nhiều lao động. Tha hồ mà hưởng lợi thế mà có nhiều kẻ phản đối nói rằng Nhà nước cướp đất của dân cho nhiều người làm giàu bất chính. Thật là phản động! 
   Đất nước đạng định làm mấy công trình ngang tầm thế giới như xây sân bay Long Thành, vài con đường cao tốc cỡ như Láng-Hòa Lạc thì nhiều kẻ phản đối ầm ầm. Họ sợ nợ công cao sẽ làm đất nước vỡ nợ. Thật vớ vẩn! Mới có 60-70% GDP thì đáng gì. Nước Mỹ còn nợ trên 100% GDP mà họ vẫn đứng đầu thế giới đấy thôi. Họ sợ không cạnh tranh nổi với sân bay Singapore, Thái Lan. Họ phân tích chỉ cần mở rộng và nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là đã thừa công suất. Thật là thiển cận! 20 năm không cạnh tranh được thì 30,50 năm. Chẳng lẽ thông minh, cần cù, giỏi giang như người Việt nam lại không làm được? Long thành gần Vũng tàu như vậy cứ lỡ chuyến, hủy chuyến như hiện nay chắc chắn ngành Du lịch cứ là hớt vàng chứ chẳng chơi. Chẳng lẽ Việt nam chúng ta cứ phải đuổi theo mấy nước trong khu vực? Cứ đầu tư. Làm xong lại bán lấy tiền xây tiếp. Có như vậy cán bộ mới có thu nhập, đất nước mới có các công trình thế kỷ. Tự hào lắm chứ. 
   Lại có nhiều ý kiến chống đối vận tải đường bộ. Họ cho rằng như vậy là lãng phí, tăng cao giá thành sản phẩm. Đầu tư vận tải đường thủy đường sắt rẻ hơn nhiều. Thật non nớt! Xin hỏi những người chống đối là các sông ngòi Việt nam bây giờ nước để phục vụ Thủy điện còn không đủ  lấy nước đâu mà vận tải đường sông? Không phát triển đường bộ thì làm sao phát triển kinh tế xã hội vùng sâu vùng xa được? Không đầu tư như vậy thì lấy gì để tính chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm và nhất là khi xây đường sắt, cảng biển xong thì lấy gì để vận chuyển, chẳng lẽ để tàu thủy, tàu hỏa chạy không à? Lúc đó đất nước sẽ giống như vỡ nợ chứ chẳng chơi. 
   Về sản xuất Công nghiệp, nhiều kẻ chê ta không làm nổi công nghiệp phù trợ. Thật tức không thể chịu được. Pháp Mỹ ta thắng được mà lại đi làm mấy thứ vớ vẩn giúp bọn Tư bản làm giàu. Không làm thì thôi chứ đã làm chúng ta phải sản xuất ô tô, tàu bò. Đấy, những năm vừa qua Nhà nước đã rất ưu ái đầu tư từ ngân sách đến chính sách để tập rượt làm Ô tô rồi. Cứ chờ xem, chẳng mấy chốc các hãng Ô tô Đức , Nhật Bản chỉ có mà ngửi khói chúng ta. Phải có lòng tin vào tương lai. 
   Trong các lĩnh vực thì đổi mới Giáo dục là lĩnh vực khó nhất. Để nâng cao  chất lượng đào tạo con người, chúng ta đã nhiều lần triển khai cải cách giáo dục. Khi cải cách chữ viết thì bị cho là phá hoại chữ viết. Thời đại công nghệ thông tin ngày nay ai còn viết bằng bút mực nữa. Kể cả làm bài thi chỉ cần đánh dấu là xong. Gần đây ngành Giáo dục bắt đầu triển khai chương trình đổi mới , khuyến khích tư duy sáng tạo cho học sinh.  Ấy thế mà nhiều sáng tạo về đổi mới tư duy cho học trò rất táo bạo vừa mới đưa ra thử nghiệm đã bị phản đối rầm rầm. Để phá vỡ lối tư duy cổ hủ theo lối mòn được qui định sẵn, các nhà cải cách giáo dục đã cố gắng thay đổi từ đổi mới tư duy toán học như cho số bò dê rồi hỏi tuổi thuyền trưởng đến sáng tạo truyền thuyết, chuyện cổ tích mới như Thánh Gióng đánh xong giặc Ân mệt quá ăn cơm, xuống Hồ Tây tắm xong mới chết đến chuyện mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con, Thạch sanh bổ phọt óc trằn tinh,  quân Mã Viện khỏa thân làm cho nữ binh của Hai Bà Trưng xấu hổ không đánh nhau được và bị thua, phải tự vẫn… Cải tiến như vậy mới cởi trói tư duy cho các cháu được chứ. Chúng ta xưa nay chỉ giáo dục học trò theo cách tư duy giáo điều, một chiều nên chúng không có ý tưởng sáng tạo để hữu ích cho đất nước. Cải tiến như vậy học trò mới dám có ý tưởng như coi những người ra đề ngu như bò, như dê, mới không còn bị thần thánh hóa mọi vấn đề xã hội. Các cháu quen các ngôn từ phản cảm, quen mọi ngóc ngách và góc tối cuộc đời. Khi ra đời các cháu sẽ không bị bỡ ngỡ trước mọi khó khăn của cuộc đời và sẽ vượt qua dễ dàng kể cả phải giêt người thân. Những nhân tố như vậy mới xây dựng đât nước nhanh chóng phần vinh được chứ.  
   Ngay như Hà nội mới đây thay vài nghìn cây cổ thụ để chỉnh trang đô thị hiện đại: Nhà ra nhà, phố ra phố, cây ra cây mà đã bị bao nhiêu ý kiến phản đối. Chỉ vì muốn nhanh chóng đưa Hà nội thành Thủ đô văn minh hiện đại, các nhà lãnh đạo Hà nội đã phải bấm bụng chi 36 triệu chặt một cây xà cừ, gỗ giá 25 triệu/m3 phải bán giá củi. Xót lắm chứ. Thế mà họ không hiểu nỗi khổ tâm và tâm huyết của cán bộ lãnh đạo mà lại nói là có lợi ích nhóm, tham ô… Thật tức không chịu nổi. Cây nào chẳng là cây. Cứ trồng lôm nhôm làm sao thể hiện được Thủ đô văn minh hiện đại? Thế mới biết để thực hiện được những đổi mới sáng tạo ở Việt nam khó lắm thay!.