Cuộc đời ai
cũng vậy. Về già thì sống bằng những hoài niệm. Đối với tôi cũng như phần lớn
các cựu học sinh đã sống và học tập tại Mông cổ trong thời kỳ chiến tranh, gian
khổ thì luôn nhớ về một thời may mắn của tuổi trẻ, một thời đầy những cấm đoán
và khô cứng. Bảy năm tuổi trẻ không phải ngắn của một đời người. Tuổi của sự
bồng bột, hăm hở, say mê và hết mình. Chính vì thế khi cuộc sống đã đỡ phần nào
sự lo toan thì những món nợ ân tình lại ùa về, đằn vặt đòi phải trả. Chúng tôi
đã cùng nhau trở về thăm lại chốn xưa : Trường Đại học tổng hợp nông nghiệp
quốc gia Mông cổ. Zaisan vẫn còn đó nhưng đã già cỗi và đổi thay nhiều. Rừng
thông không còn xanh mướt như thủa nào. Đường lên núi không còn nữa mà thay
bằng những ngôi nhà đồ sộ. Ký túc xá ngày nào vẫn y nguyên tuy có thay đổi đôi
chút ở cửa chính. Phòng chờ tầng 1 đã
được xây bịt phía trong hành lang và đầu hồi được trổ cửa để trở thành cửa hàng
tạp hóa. Khi chúng tôi vào thì các tầng và phòng ở mới được sơn lại còn ướt do
đó không thăm lại được nơi ở của mình thời sinh viên. Sân vận động, khu đất
trồng rau cải thiện, khu nhà lều sau ký túc xá được thay thể bằng những nhà cao
tầng san sát. Sông Thol vẫn còn đó. Dòng nước vẫn chảy xiết mỗi khi mưa xuống.
Hai bờ đã bị thu hẹp rất nhiều để thay bằng những khu đô thị lộng lẫy. Bây giờ
để đi dạo với bạn gái chắc anh em ta phải đi vòng mới xuống lòng sông được.
Nhà ở giáo
viên vẫn cũ kỹ . Trên khu đất đối diện với nó bây giờ là khu ký túc của sinh
viên quốc tế và nhà khách dành cho khách quốc tế. Khu vườn phía khoa cơ khí
ngày xưa bây giờ là khu nhà làm việc của Hội đồng Trường Đại học tổng hợp. Viện
Chăn nuôi đã khang trang, Trường Đại học Thú y đã hoàn chỉnh và đi vào hoạt
động. Hệ thống các Trường đại học và các Viện của Trường đã hoạt động tốt và mở
rộng liên kết đào tạo với nhiều nước trên thế giới.
Trường đang
tiến hành sửa chữa lớn từ sân vườn đến giảng đường. Khuôn viên của trường đang
ngổn ngang bề bộn vật liệu do đó chúng tôi đã không thể đi thăm lại toàn bộ
Trường như mong muốn.
Cây trong
vườn đã thành cổ thụ. Cành lá bị cắt ngọn gây nên cảm giác cây cối trong vườn
trường không còn được xum xuê như ngày nào.
Cả khu nhà
đồ sộ , rộng mênh mông giờ im ắng lạ thường. Hành lang trống vắng, các giảng
đường, các lớp học bị đóng kín. Tôi đứng lặng cố hồi tưởng lại những bước chân nhộn
nhịp của lớp sinh viên ngày xưa cách đây đã 35 năm. Bỗng trong đầu tôi vang lên
giọng hát của nữ ca sĩ Thanh Tuyền: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn... Lúc này tôi mới thật sự cảm nhận
được ca từ của các bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn về tuổi học trò. Thật diệu
kỳ!. Xin cám ơn người nhạc sĩ tài ba đã nói lên được hết nỗi lòng của tuổi học trò.
Có lẽ một thời gian dài nữa đất nước ta mới sinh ra được một con người tài ba như
thế.
Đón tiếp
đoàn gồm Ban Giám hiệu nhà Trường và một số thày cùng thời với bọn tôi. Buổi
gặp mặt thật ấm cúng và gần gũi. Thày
Hiệu Trưởng đã giới thiệu về tổ chức, chức năng nhiệm vụ và các hoạt động nổi
bật của Trường. Tôi thực sự ngạc nhiên về kết quả đào tạo sau đại học và hợp
tác quốc tế của Trường.
Hành
lang giờ trống vắng
Ôn
lại chuyện xưa
Thày
Hiệu trưởng giới thiệu về Trường
Chúng tôi
đã gặp lại bạn bè cũ, thăm một vài nơi đong đầy kỷ niệm của một thời sinh viên
sôi nổi. Ulanbator đã và đang đổi thay. Đất nước Mông cổ được thế giới đánh giá
là nước dân chủ và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á . Cả Thủ đô đang là
một đại công trường. Toàn bộ đất nước đang thay da, đổi thịt. Chỉ dăm năm nữa
thôi chắc chắn Mông cổ sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng của thế giới.
Đầu tư vào
Mông cổ hiện nay đứng đầu thế giới tính theo đầu người. Khai thác mỏ than,
đồng, vàng... đang là thế mạnh của Mông cổ.
Một góc khu nghỉ Chingiskhan
Du lịch
cũng đang phát triển mạnh bởi thế giới đang muốn trở về thuở hồng hoang. Những
khu nghỉ theo kiểu nhà lều đã và đang phát triển rất mạnh. Món thịt cừu hầm đá
vẫn là đặc sản cuốn hút say lòng khách vãng lai. Chúng tôi đi đâu cũng yêu cầu
món bánh bao nhân thịt cừu. Tuy không còn cảm thấy ngon như ngày nào nhưng vẫn
cảm thấy háo hức bởi độ nóng bỏng môi và mùi thơm đầy quyến rũ của tỏi hành.
Kết thúc bữa ăn bao giờ cũng xin đĩa súp mì sợi (Coimon) nấu với rau cải bắp.
Thật tuyệt vời. Xin cám ơn đất nước và nhân dân Mông cổ đã cho chúng tôi những
kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời. Sau khi được may mắn tiếp xúc với
nhiều dân tộc trên thế giới, chúng tôi nhận ra rằng các bộ tộc Mông cổ nhân văn vào bậc nhất thế giới: Thật thà,
chất phác, nhân hậu, thương người... Tôi thực sự không biết dùng ngôn từ gì cho
thấu. Tôi thấy thích thú khi biết rằng ở Mông cổ đang có một tổ chức đấu tranh
bảo vệ văn hóa truyền thống thuần khiết. Bỏ qua những yếu tố cực đoan, có lẽ mô
hình tổ chức này cần thiết cho bất cứ dân tộc nào trên thế giới trong bối cảnh
hiện nay.
Quảng trường Sukhebator
Mông cổ giờ
đây đang phải oằn mình chống lại những tác động của nền kinh tế thị trường. Trừ
một bộ phận nhỏ lớp trẻ chưa hiểu thấu đáo cuộc đời thì đại bộ phận người Mông
cổ vẫn nhân hậu như xưa. Trong tôi tình cảm và lòng biết ơn đối với Mông cổ sẽ
không bao giờ phai nhạt. Tôi xin mượn mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng
để nói lên tâm sự của mình:
Nhớ làm gì những ánh mắt dửng dưng
Thói đen bạc buổi phố phường mở cửa
Tôi tìm thấy một thời tôi từng có
Trong nụ cười nhân hậu mẹ già Nga...
Thu 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét